'Giải cứu' tàu an sinh

Hạnh Nhân 11/08/2020 08:30

Phương án dừng chạy tàu an sinh vì quá lỗ từng được tính đến. Tuy nhiên, một số tỉnh lại kiến nghị cho chạy lại tàu để phục vụ người dân. Mặt khác, việc tổ chức chạy tàu còn để duy trì tuyến, tránh lãng phí hạ tầng, đồng thời thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng khi cần thiết.

Những chuyến tàu an sinh vắng khách và thường xuyên lỗ.

Chạy tàu an sinh mang tính trách nhiệm với xã hội nhiều hơn là tính đến lỗ lãi. Nếu dừng chạy tàu an sinh thì quyền đi lại của người dân sẽ bị ảnh hưởng, hạ tầng đường sắt sẽ không được duy tu, bảo trì thường xuyên sẽ xuống cấp, hư hỏng và đây là điều lãng phí cực lớn. Do đó, Tổng Công ty Đường sắt kỳ vọng có chính sách hỗ trợ để bù đắp các chi phí cho các đơn vị vận tải đường sắt để có thể duy trì các tuyến.

Về phía ngành đường sắt, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đã từng tính đến phương án dừng chạy tàu an sinh trên các tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Quán Triều và Yên Viên - Hạ Long vì quá lỗ. Tuy nhiên, một số tỉnh lại kiến nghị cho chạy lại tàu để phục vụ bà con. Cùng đó, việc tổ chức chạy tàu còn để duy trì tuyến, tránh lãng phí hạ tầng, đồng thời thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng khi cần thiết.

Tuy nhiên, trong các năm 2018, 2019, đường sắt đã lập kế hoạch, thực hiện các thủ tục trình các cấp xin được chạy tàu an sinh các tuyến trên với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khoảng 24 tỷ đồng năm 2019 và hơn 34 tỷ đồng năm 2020 nhưng chưa được phê duyệt. Vì vậy, đầu năm nay, Tổng Công ty tiếp tục kiến nghị Nhà nước có cơ chế hỗ trợ để giảm thiểu khó khăn, nhất là trong bối cảnh làn song dịch bệnh Covid-19 thứ hai quay trở lại.

Cụ thể, theo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội - đơn vị quản lý chạy tàu các tuyến an sinh: Có thời điểm, các đôi tàu chỉ chạy vào cuối tuần do quá vắng khách, thu không đủ chi. Ngay cả khi các đoàn tàu này kín hết khách cũng vẫn lỗ. Tính trung bình một vòng quay, bao gồm cả chuyến đi và về mà kín hết chỗ, doanh thu cũng chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/đôi tàu, trong khi chi phí để vận hành trung bình khoảng 13 triệu đồng.

Nhìn từ góc độ thị trường, theo TS Ngô Trí Long- nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), trong mặt bằng cạnh tranh chung, ngành đường sắt gần như đã mất thị phần so với đường bộ. Do đó, việc lại lấy thêm vài chục tỉ ngân sách mỗi năm để nuôi 3 tuyến tàu gần như không đóng góp được nhiều cho thị phần vận tải là không hợp lý về mặt thị trường.

Việc tổ chức chạy tàu an sinh trên 3 tuyến trên cũng đã được Tổng Công ty Đường sắt VN kiến nghị từ vài năm nay, bởi mỗi năm phải gánh lỗ khoảng 30 tỷ đồng cho cả 3 tuyến…

Nhằm “giải cứu” các chuyến tàu an sinh, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc các tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Quán Triều và Yên Viên - Hạ Long được Nhà nước hỗ trợ khi thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp liên quan thực hiện chính sách chạy tàu an sinh xã hội theo đúng quy định của pháp luật về đường sắt, ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm không để xảy ra tình trạng lạm dụng gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Phía Cục Đường sắt Việt Nam, ông Bùi Thế Thành, Trưởng phòng Vận tải - An toàn giao thông cho biết, để được phê duyệt kế hoạch chạy tàu cho từng năm, Luật Đường sắt 2017 và các văn bản dưới luật đã quy định rõ quy trình, thủ tục trên nguyên tắc phải sát với thực tế, đảm bảo bù đắp chi phí hợp lý để doanh nghiệp cân đối được thu, chi và không tính đến lợi nhuận. Bên cạnh đó, phải xây dựng được kế hoạch chi tiết, cụ thể về việc chạy tàu ra sao, tần suất thế nào, sử dụng phương tiện gì, thu những gì, chi những gì,… để xác định con số dự kiến lỗ tương đối sát với thực tế.

Cũng theo ông Thành, để được thanh toán sau khi tổ chức chạy tàu, doanh nghiệp phải trình hồ sơ thanh quyết toán bao gồm các hóa đơn, chứng từ và các tài liệu liên quan để các cấp có thẩm quyền, bao gồm cả cơ quan thuế kiểm tra, thẩm định, xét duyệt, lúc đó mới được ngân sách chi hỗ trợ.

Theo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội - đơn vị quản lý chạy tàu các tuyến an sinh: Có thời điểm, các đôi tàu chỉ chạy vào cuối tuần do quá vắng khách, thu không đủ chi. Ngay cả khi các đoàn tàu này kín hết khách cũng vẫn lỗ. Tính trung bình một vòng quay, bao gồm cả chuyến đi và về mà kín hết chỗ, doanh thu cũng chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/đôi tàu, trong khi chi phí để vận hành trung bình khoảng 13 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Giải cứu' tàu an sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO