Giải Nobel có gì mới...

Hoàng Oanh 11/11/2019 15:56

Cho tới ngày hôm nay, giải Nobel trong thực tế vẫn tiếp tục được công nhận là có uy tín cao nhất trong số tất cả những giải thưởng đang tồn tại trên thế giới. Bất cứ một giải thưởng nào khác khi được so sánh với giải Nobel thì đều coi đấy là vinh hạnh, thí dụ như giải Abel (giải thưởng do vua Na Uy trao hàng năm cho những nhà toán học xuất chúng) đôi khi cũng được gọi là “giải Nobel trong toán học”, hay giải thưởng Shaw ở Hồng Công cũng được gọi là “giải Nobel châu Á”…

Giải Nobel có gì mới...

Quỹ Nobel được lập ra năm 1900 với tư cách là một tổ chức phi chính phủ độc lập, với nguồn vốn ban đầu là 31,6 triệu krona Thụy Điển. Tiền thưởng dành cho những người được trao giải Nobel trích từ số tiền kinh doanh lãi nguồn vốn trên. Những năm đầu tiên tồn tại, giải Nobel trị giá khoảng 150 nghìn krona, tương đương với giá trị hiện nay của giải ở mức gần triệu krona. Trước năm 2012, trị giá của giải Nobel là 10 triệu krona. Quyết định cắt giảm trị giá giải do Hội đồng Giám đốc Quỹ Nobel đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, việc cắt giảm này cần thiết để bảo đảm có đủ tiền cho tương lai. Tới năm 2017, lần đầu tiên kể từ năm 2001 đã thông qua quyết định tăng giá trị của giải Nobel lên 9 triệu krona, tức là tương đương với 1 triệu USD tính theo tỷ giá ở thời điểm đó.

Theo tinh thần bản di chúc của Alfred Nobel, giải thưởng được trao cho 5 lĩnh vực: Vật lý và Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển chủ trì), Y học (Hội đồng Giải thưởng Nobel thuộc Đại học Karolinska ở Stockholm chủ trì), Văn học (Viện Hàn lâm Thụy Điển chủ trì) và giải Nobel Hòa bình (do Uỷ ban Giải thưởng Nobel Na Uy chủ trì). Ngoài ra, từ năm 1969, trong khuôn khổ tuần lễ Nobel theo sáng kiến của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển có xét trao giải Nobel về Kinh tế để kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng và cũng để tưởng niệm Alfred Nobel. Hiện không có kế hoạch nào nhằm tăng số lượng lĩnh vực có thể trao giải Nobel…

Cũng phải nói rằng, một năm trước đây (2018) đã không trao giải Nobel Văn học. Lý do có thể là vì một vụ tai tiếng liên quan tới các thành viên trong Viện Hàn lâm Thụy Điển. Cụ thể, nhiếp ảnh gia Jean - Claude Arrnault, chồng của nữ sĩ Thụy Điển Katarina Frostenson (bà được bầu vào Viện Hàn lâm Thụy Điển từ năm 1992) đã bị những lời buộc tội khá nghiêm trọng về việc quấy rối tình dục, đến mức người ta phải xem xét việc khai trừ nữ sĩ này ra khỏi Viện Hàn lâm, mặc dù danh hiệu viện sĩ theo thông lệ được coi là chung thân. Đồng thời, cũng có tin là một số viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển trong các cuộc nói chuyện riêng hay tiết lộ sớm họ tên người sẽ được trao giải Nobel Văn học. Tin đồn đó đã khiến một số viện sĩ phải “bỏ của chạy lấy người” và Viện Hàn lâm Thụy Điển chỉ còn lại 10 người… Chính vì thế nên năm nay đã công bố tên họ của hai tác giả được nhận giải Nobel Văn học của năm 2018 và năm 2019. Tham gia lựa chọn giải Nobel Văn học lần này, ngoài các viện sĩ còn có thêm 5 chuyên gia không phải là người của Viện Hàn lâm Thụy Điển.
Giải Nobel Y học 2019

Năm nay có tới 633 đề cử cho giải Nobel Y học. Ngày 7-10-2019, Hội đồng Giải thưởng Nobel thuộc Viện Karolinska thông báo: giải Nobel Y học năm nay được trao cho ba nhà khoa học là William Kaelin, Peter Ratcliffe và Gregg Semenza do những khám phá của họ về cách thức các tế bào cảm thụ và thích ứng với môi trường oxygen có sẵn. Những khám phá này giúp hiểu rõ hơn cơ chế hoạt động của một trong những quá tình thích ứng thiết yếu nhất của cuộc sống. Với công trình nghiên cứu của mình, William Kaelin, Peter Ratcliffe và Gregg Semenza đã “thiết lập nền tảng cho sự hiểu biết của chúng ta về cách thức mà môi trường oxygen tác động tới sự trao đổi chất của tế bào và chức năng sinh lý học”. Họ đã xác định được cơ chế phân tử điều chỉnh hoạt động của gien nhằm đáp ứng với sự thay đổi khác nhau của oxygen, vốn được coi là tác nhân chính gây nên nhiều căn bệnh. Các khám phá của William Kaelin, Peter Ratcliffe và Gregg Semenza đã mở đường cho những liệu pháp giàu tiềm năng chống lại các trọng bệnh như bệnh thiếu máu hay ung thư…
William Kaelin là giáo sư y khoa tại Đại học Harvard. Ông từng được trao giải thưởng Lasker cho nghiên cứu y học cơ bản năm 2016 và

Giải thưởng Khoa học ung thư ASCO 2016. Phòng thí nghiệm của ông nghiên cứu các protein ức chế khối u. Gregg Semenza là Giáo sư khoa Ung thư, hóa học sinh học và y học tại Đại học Y khoa Johns Hopkins. Trong khi đó, ông Peter Ratcliffe là bác sĩ người Anh, đồng thời là nhà sinh học tế bào và phân tử nổi tiếng với công trình nghiên cứu về các phản ứng của tế bào đối với tình trạng thiếu oxygen. Ông còn là thành viên Học viện Francis Crick ở London (Anh).

Giải Nobel Vật lý 2019

Ngày 8/10/2019, Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển công bố giải Nobel Vật lý năm nay được trao cho các nhà khoa học James Peebles, Michel Mayor và Didier Queloz nhờ hai công trình nghiên cứu được đánh giá là "đóng góp vào sự hiểu biết về sự tiến hóa của vũ trụ và vị trí của Trái Đất trong vũ trụ". James Peebles đã xây dựng nền tảng mang tính lý thuyết về vũ trụ học, còn Michel Mayor cùng Didier Queloz phát hiện ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao giống Mặt Trời.

James Peebles ở Đại học Princeton (Mỹ) nghiên cứu chuyên sâu về vũ trụ cùng với hàng tỷ thiên hà và cụm thiên hà. Công trình của ông giúp tăng cường hiểu biết về cấu trúc và lịch sử của vũ trụ, đặt nền móng cho ngành vũ trụ học trong 50 năm qua. Mô hình Big Bang mô tả quá trình vũ trụ tiến hóa trong gần 14 tỷ năm từ một khối cầu nóng và đặc thành vũ trụ mênh mông, lạnh lẽo và không ngừng mở rộng như ngày nay. Gần 400.000 năm sau vụ nổ Big Bang, vũ trụ tăm tối dần trở nên trong suốt, cho phép ánh sáng truyền qua không gian. Ngày nay, bức xạ còn sót lại dưới dạng phông vi sóng vũ trụ và lưu giữ nhiều thông tin về vũ trụ thuở đầu.

Với các công cụ lý thuyết và tính toán, Peebles giải mã những dấu vết sót lại từ thuở sơ khai của vũ trụ và phát hiện nhiều quá trình mới. Ông nhận thấy chúng ta mới chỉ biết 5% vũ trụ khả kiến dưới dạng ngôi sao, hành tinh và con người, 95% còn lại bao gồm năng lượng tối và vật chất tối theo cách gọi của các nhà vật lý. Năng lượng tối là lực thúc đẩy sự mở rộng của vũ trụ trong khi vật chất tối vô hình dường như lơ lửng quanh các thiên hà, chỉ có thể nhận biết qua sức hút trọng lực.

Michel Mayor và Didier Queloz ở Đại học Geneva (Thụy Sĩ) khám phá các khu vực lân cận hệ Mặt Trời trong dải Ngân Hà. Tháng 10/1995, họ tìm thấy hành tinh khí khổng lồ quay quanh ngôi sao 51 Pegasi ở cách Trái Đất 50 năm ánh sáng. Sử dụng thiết bị chuyên dụng, họ quan sát hành tinh giống sao Mộc 51 Pegasi B từ Đài thiên văn Haute-Provence ở phía nam nước Pháp. Đây là ngoại hành tinh đầu tiên được phát hiện quanh một ngôi sao dãy chính, loại sao hợp nhất nguyên tử hydro để hình thành nguyên tử heli ở lõi. Sao dãy chính, bao gồm cả Mặt Trời, là loại sao phổ biến nhất trong vũ trụ.

Phát hiện của họ đã mở ra cuộc cách mạng trong ngành Thiên văn học. Kể từ sau đó, hơn 4.000 ngoại hành tinh được phát hiện trong dải Ngân Hà với sự đa dạng về kích thước, hình thái và quỹ đạo…

Giải Nobel Hóa học 2019

Ngày 9/10/2019, Hội đồng Giải thưởng Nobel của Viện Karolinska đã công bố trao giải Nobel Hóa học năm 2019 cho công trình nghiên cứu về công nghệ cải tiến pin Lithi-ion của nhóm 3 nhà khoa học. Đó là hai nhà khoa học Mỹ John B.Goodenough và M.Stanley Whittingham và một nhà khoa học người Nhật Bản Akira Yoshino. Pin Lithi-ion có khối lượng nhẹ, có thể sạc và được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị như điện thoại di động, máy tính xách tay hay các thiết bị điện tử khác.

Giải Nobel Kinh tế 2019

Ngày 14/10/2019, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển thông báo: ba nhà kinh tế học là Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer đã giành được giải Nobel Kinh tế năm 2019 nhờ các công trình nghiên cứu về tình trạng nghèo đói.

Giải Nobel Hòa bình 2019

Ngày 11/10/2019, giải Nobel Hòa bình đã được trao cho Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed nhờ những nỗ lực của ông trong việc giải quyết cuộc xung đột kéo dài giữa Ethiopia với quốc gia láng giềng Eritrea...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải Nobel có gì mới...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO