Giải pháp nào cho suy thoái đất đai?

Phương Nguyên 18/04/2017 10:10

Tại Việt Nam, hiện nay chúng ta có khoảng 9 triệu ha đất hoang hóa (chiếm 28% diện tích đất tự nhiên cả nước), trong đó diện tích đã và đang chịu tác động mạnh bởi sa mạc hóa là khoảng trên 7,5 triệu ha. Hội thảo Chương trình thiết lập mục tiêu cân bằng suy thoái đất quốc gia đã đề cập đến những giải pháp cho vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Phú Hùng- Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp, hiện tại Việt Nam đang đứng trước thực trạng về suy thoái đất đai do yếu tố con người và biến đổi khí hậu. Để ngăn ngừa nguy cơ phát triển có xu hướng ngày một tăng cao này, Tổng cục Lâm nghiệp và các ngành liên quan đang tiến tới thực hiện Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2030.

Theo công ước sa mạc hoá thì suy thoái đất là sự suy giảm hoặc mất đi năng suất sinh học và khả năng kinh tế của đất. Suy thoái đất là một hiện tượng toàn cầu thường gây tác động bất lợi trực tiếp đối với cấp địa phương. Suy thoái đất là hậu quả của các hoạt động của con người và trở nên trầm trọng hơn do tác động của các quá trình tự nhiên như biến đổi khí hậu. Hiện tại khoảng 25% diện tích đất canh tác toàn cầu bị suy thoái. Mỗi năm, diện tích này tăng thêm khoảng 12 triệu ha. Chi phí kinh tế của hiện tượng suy thoái đất ước tính lên tới 490 tỷ đô la/năm, tương đương với 3 – 6 % tổng sản phẩm nông nghiệp toàn cầu.

Trong Hội nghị các bên tham gia Công ước sa mạc hóa (UNCCD) lần thứ 12 đã thống nhất thiết lập các mục tiêu tự nguyện nhằm thực hiện khung khái niệm về cân bằng suy thoái đất, đồng thời tích hợp các mục tiêu này vào chương trình hành động UNCCD cấp quốc gia. Khung khái niệm về cân bằng và suy thoái đất (LDN) bao gồm các yếu tố chính là việc duy trì vốn tự nhiên của đất và các dịch vụ hệ sinh thái gắn liền với đất.

Thiết lập cơ sở dựa trên các chỉ số đã thống nhất là mục tiêu tối thiểu nhằm duy trì hoặc cải thiện trạng thái này. Phân loại và giải thích các quyết định sử dụng đất liên quan đến cân bằng đất và thiết lập các nguyên tắc hạn chế các kết quả không mong muốn. Từ đó cung cấp hướng dẫn về các cách thức nhằm đạt được trạng thái cân bằng đồng thời cung cấp hướng dẫn đánh giá quá trình tiến tới cân bằng đất.

Là một mục tiêu đầy tham vọng, LDN đang được coi là mục tiêu số 1 để mang lại lợi ích đáng kể cho quá trình giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu này tạo tiền đề chấm dứt và đảo ngược tình trạng suy thoái đất, giúp chuyển đổi cùng đất là nguồn phát thải và bồn chứa khí nhà kính thành một khu vực có lợi ích bằng cách tăng trữ lượng carbon trong đất và thực bì. Ngoài ra, LDN đóng vai trò chủ chốt trong việc tăng cường khả năng thích ứng của các cộng đồng nông thôn đối với các cú sốc khí hậu thông qua việc bảo đảm cải thiện quá trình cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu.

Cũng theo ông Nguyễn Phú Hùng, Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2030 đã nhận được các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tham dự. Từ những đóng góp này, các nhóm chuyên gia sẽ xây dựng thành công Chương trình thiết lập mục tiêu cân bằng suy thoái đất tại Việt Nam và sớm đưa vào thực hiện trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải pháp nào cho suy thoái đất đai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO