Giải quyết bồi thường thiệt hại sự cố môi trường ở Hà Tĩnh

Hạnh Nguyên 12/10/2016 06:09

Hà Tĩnh là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất qua sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra. Với quan điểm lấy dân làm gốc, phát huy tốt quy chế dân chủ nên đến nay Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành được việc kê khai bồi thường, áp giá.

Một góc Cảng Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã tấp nập trở lại sau sự cố môi trường.

Theo ông Lê Văn Trọng- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh thì cán bộ Hội đồng bồi thường huyện, xã chỉ có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp và định hướng mức độ, phạm vi đối tượng, còn lại tất cả là người dân tự kê khai, bỏ phiếu, kiểm tra.

Ngày đêm “bám” cơ sở

Số liệu mới nhất từ Sở NN và PTNT Hà Tĩnh cho thấy, đến ngày 6-10, phạm vi kê khai, xác định thiệt hại do sự cố môi trường ở Hà Tĩnh gồm 344 thôn, xóm thuộc 63 xã, phường của 7 huyện, thị xã, thành phố; đã tiến hành xác định đối tượng, phát phiếu kê khai cho các đối tượng thiệt hại tại 344 thôn.

Với 6.983 tàu cá; 2.259 ha nuôi ao, hồ, bãi triều, 31.692m3 nuôi lồng bè; 127ha sản xuất muối; số lượng hải sản tồn kho: 1.789 tấn; 47.960 lao động bị ảnh hưởng (trong đó, lao động trực tiếp 44.280 người, lao động gián tiếp 3.680 người). Tổng giá trị thiệt hại hơn 2.045 tỷ đồng.

Để có được con số thống kê nêu trên, hơn 1 tháng qua, cả hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ, không quản ngày đêm “bám” cơ sở, đồng hành cùng người dân bị ảnh hưởng.

Đã có hàng trăm cuộc họp triển khai, quán triệt, hướng dẫn kê khai, thẩm định bồi thường thiệt hại được tổ chức cho toàn thể cán bộ, nhân viên, hội đồng bồi thường từ cấp huyện đến thôn, xóm.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Lê Đức Nhân- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh chia sẻ: Công tác kê khai, xác định đối tượng thiệt hại này được tỉnh chỉ đạo triển khai kịp thời; các sở, ngành liên quan khẩn trương, tích cực hướng dẫn; chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã và thôn xóm nỗ lực, cố gắng tổ chức thực hiện quyết liệt, nhanh chóng nên cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân.

UBND tỉnh cũng đã thành lập Hội đồng kiểm tra, soát xét, thẩm tra giá trị thiệt hại do sự cố môi trường để tiến hành thẩm tra việc thực hiện của UBND cấp huyện; kiểm tra, giám sát, chỉ đạo việc kê khai, áp giá thiệt hại tại cấp huyện, xã và thôn, xóm- một cách thận trọng và quyết liệt, để sớm đưa tiền bồi thường, hỗ trợ đến tay người dân.

Cũng theo ông Nhân, quá trình thực hiện, Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do khối lượng công việc rất lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, đối tượng thiệt hại nhiều, thuộc các lĩnh vực khác nhau và đa dạng trong thực tiễn, trong khi công tác chuẩn bị gấp, chưa có tiền lệ, hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn chưa đồng bộ và thiếu, thời gian thực hiện quá ngắn.

Hiện ở cấp thôn, xóm đã thống kê, phân loại và lập danh sách theo nhóm đối tượng; tổ chức công bố danh sách các đối tượng bị thiệt hại và phát phiếu kê khai thiệt hại; tổng hợp số liệu niêm yết công khai theo quy chế dân chủ cơ sở.

Cấp xã tiến hành tổng hợp, soát xét, xác định, xác nhận đối tượng và số lượng thiệt hại để tổng hợp báo cáo UBND huyện.

Còn ở cấp huyện, thị xã, thành phố đang tiến hành thẩm định, áp giá. Phương châm xuyên suốt trong quá trình giải quyết đền bù, hỗ trợ do sự cố môi trường ở Hà Tĩnh là phát huy một cách tốt nhất quy chế dân chủ cơ sở, điều này được thể hiện khá rõ nét ở huyện Kỳ Anh.

Lấy dân làm gốc

Theo ông Lê Văn Trọng- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh, đến thời điểm này, huyện đã cơ bản hoàn thành việc áp giá bồi thường thiệt hại cho ngư dân với tổng số tiền khoảng 174 tỷ đồng. Trong đó, xã ảnh hưởng nhiều nhất là Kỳ Xuân (hơn 47 tỷ); Kỳ Khang (hơn 36 tỷ đồng); Kỳ Phú (hơn 35 tỷ đồng)...

Tổng số tiền áp giá trên được tính để bồi thường cho 627 tàu thuyền; hơn 379ha nuôi trồng thủy sản và 3.838 lao động (trực tiếp và gián tiếp) bị mất thu nhập.

Để đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, Kỳ Anh đã trao quyền tự chủ cho người dân. Các xã triển khai, thực hiện các bước đúng quy trình, đảm bảo quy chế dân chủ, công khai minh bạch, phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của người dân, của cộng đồng dân cư từ việc xác định đối tượng, lấy ý kiến chi bộ, cốt cán thôn, họp dân; họp Tổ xác nhận thôn; công khai lấy ý kiến (bỏ phiếu kín, hòm thư góp ý, tiếp thu trực tiếp, nhận đơn thư phản ánh,..); tổ chức kiểm tra, xác minh và giải quyết các đơn thư, kiến nghị của nhân dân; họp Hội đồng đánh giá xã và tiếp tục công khai kết quả để lấy ý kiến phản ảnh của người dân;...

“Cán bộ hội đồng bồi thường huyện, xã chỉ có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp và định hướng mức độ, phạm vi đối tượng, còn lại tất cả là người dân tự kê khai, bỏ phiếu. Chỉ có dân tự làm, tự kiểm tra và đấu tranh thì mới đảm bảo được dân chủ, công bằng”- ông Trọng nói.

Ông Trọng dẫn ví dụ, chẳng hạn như ở xã Kỳ Phú, đối tượng lao động giản đơn, thời điểm lập danh sách đầu tiên toàn xã có đến 888 lao động đăng ký nhưng qua rà soát một số đối tượng kê khai “khống”, thiếu trung thực nên huyện chỉ đạo các xã và các thôn phải rà soát kỹ lưỡng.

Tại các thôn xóm, chính người dân trong thôn tự bỏ phiếu sàng lọc đối tượng, sau 3 lần thôn tổ chức bỏ phiếu kín, kết quả cuối cùng số lao động khai thác đơn giản của xã giảm xuống còn 287 người.

Để đảm bảo tính công bằng, tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp sau khi áp giá đền bù, UBND huyện Kỳ Anh chỉ đạo các xã, thôn thành lập tổ giải quyết đơn thư ngay tại các thôn.Theo đó, mỗi tổ có 3 cán bộ huyện, 7 cán bộ xã và 10 - 20 người tại thôn.

Riêng đối với những xã có số lượng người bị ảnh hưởng ít thì thành lập tổ giải quyết đơn thư tại xã. Đây được xem là một trong những giải pháp sáng tạo nhằm đảm bảo an ninh trật tự ở cấp cơ sở.

“Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo, khi có bảng tổng hợp áp giá bồi thường của từng đối tượng cụ thể sẽ dán bảng tổng hợp niêm yết này tới từng thôn để người dân trực tiếp xem mình được bao nhiêu tiền”- ông Lê Văn Trọng cho biết thêm.

Tiền bồi thường sắp đến tay ngư dân

Chiều ngày 11/10, Bộ Tài chính tổ chức họp báo về tình hình công tác tháng 9 và chương trình công tác tháng 10 năm 2016. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí thông tin, tiền bồi thường của Formosa sắp đến tay ngư dân 4 tỉnh miền Trung.

Ông Chí cho biết, Bộ Tài chính đã chuyển 3.000 tỷ đồng tiền tạm ứng cho 4 tỉnh miền Trung để thực hiện bồi thường cho ngư dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra.

Cụ thể số tiền này đã được chuyển khoản về tài khoản địa phương từ ngày 4/10 và đến cuối ngày 10/10, tất cả 4 địa phương đã nhận được tiền.

Trong đó, số tiền chuyển cho tỉnh Quảng Bình là 1.100 tỷ đồng, Hà Tĩnh là 1.000 tỷ đồng, Quảng Trị 500 tỷ đồng và Thừa Thiên - Huế là 400 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển cho các địa phương để tạm ứng trước cho người dân 50% tiền bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển 150 triệu USD (trong tổng số 500 triệu USD tiền đền bù của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa) từ tài khoản tạm gửi của Bộ TN-MT về tài khoản Kho bạc Nhà nước.

Để đảm bảo việc chi bồi thường minh bạch, ông Đào Xuân Tuế, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã hướng dẫn các địa phương mở tài khoản có mục đích để chuẩn bị cho công tác thực hiện giải ngân tiền bồi thường thiệt hại của Formosa. Bộ Tài chính cũng đã có các công văn hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp phát tiền rất chi tiết, cụ thể.

Trên cơ sở các đối tượng nhận đền bù đã được địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định thì việc thực hiện chuyển tiền cho ngư dân dự kiến sẽ nhanh gọn.

Thúy Hằng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải quyết bồi thường thiệt hại sự cố môi trường ở Hà Tĩnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO