Giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai

Đỗ Bình 16/03/2022 07:05

Ngày 15/3, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Xử lý các trường hợp vi phạm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh minh họa: TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, những năm qua, nguồn lực đất đai đã được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội: an ninh lương thực được đảm bảo; đất cho sản xuất, phát triển đô thị, quốc phòng, an ninh được phân bổ hợp lý hơn; việc phân cấp, phân quyền quản lý và sử dụng đất được coi trọng, bước đầu khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất...

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập, chưa có sự thống nhất cao từ Trung ương tới địa phương, chưa thực sự công khai, minh bạch và dựa trên cơ chế thị trường; việc tích tụ, tập trung ruộng đất chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp, chậm được giải quyết, gây bức xúc xã hội; thị trường bất động sản, chưa thực sự ổn định, thiếu minh bạch, chưa bền vững. Việc sử dụng đất đai còn lãng phí, chưa hiệu quả ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nông trường…

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa qua đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đất đai, đề ra nhiệm vụ: “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên”. Trong đó, những nội dung được ưu tiên hàng đầu là xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai; hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất…

Đây là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia tiếp tục quán triệt đầy đủ, thống nhất nhận thức, làm rõ và sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về chính sách đất đai.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, chính sách, pháp luật đất đai được sửa đổi, bổ sung vẫn chưa thực sự đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội. Nguồn lực về đất đai vẫn chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quá trình thực thi chính sách, pháp luật về đất đai đã bộc lộ nhiều “kẽ hở”, tạo môi trường, điều kiện cho “nhóm lợi ích” tiêu cực trục lợi, tham nhũng, cần phải được xem xét, phân tích và đề ra phương hướng giải quyết cụ thể.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, tiềm lực đất đai hiện nay vẫn chưa được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất diễn ra ngày càng nghiêm trọng, vẫn còn tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Tình trạng đầu cơ đất, lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai vẫn diễn ra phức tạp.

Bối cảnh trên đang tạo ra cả cơ hội và thách thức mới đối với việc quản lý và sử dụng đất; đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ, căn bản công tác quản lý và sử dụng đất, nhất là chính sách, pháp luật về đất đai, theo hướng không chỉ nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện tại, mà còn tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Để giải quyết tốt vấn đề đất đai, ông Sơn cho rằng, cần phân tích, đánh giá nguyên nhân của những hạn chế trong quản lý và sử dụng đất thời gian qua, như công tác quy hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; thu hồi đất, hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, để từ đó có những giải pháp hiệu quả...

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất quan điểm cần bám sát những yêu cầu được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất các quan điểm và giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai; khắc phục tình trạng sử dụng đất đai lãng phí, tham nhũng, khiếu kiện và đầu cơ đất đai;…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO