Giai thoại về Stalin

Hoàng Oanh (tuyển dịch) 08/07/2019 09:30

Tôi không đổi một anh lính lấy một thống chế”- Joseph Stalin.

Giai thoại về Stalin

Mừng cho những đinh vít!

Lời chúc rượu của Stalin tại bữa tiệc ngày 25/6/1945

... “Xin đừng nghĩ tôi sẽ nói điều gì đó phi thường. Tôi chỉ có lời chúc rượu đơn giản, bình thường nhất. Tôi muốn nâng ly chúc sức khỏe của những người mà chức vụ thấp và danh hiệu không cao, của những người vẫn được coi chỉ là “đinh vít” trong bộ máy quốc gia vĩ đại nhưng nếu thiếu họ thì tất cả chúng ta, những nguyên soái và tư lệnh các mặt trận, các phương diện quân đều chẳng có giá trị gì. Chỉ cần một “đinh vít” nào đó hỏng thì sẽ hỏng cả bộ máy. Tôi xin nâng ly vì những người dân giản dị, bình thường, khiêm nhường, những “đinh vít” đang giúp vận hành bộ máy quốc gia vĩ đại của chúng ta trong tất cả các lĩnh vực khoa học, sản xuất và quân sự. Họ rất đông, hằng hà sa số, vì đó là hàng chục triệu người. Đó là những người khiêm nhường, họ không có danh phong, cấp bậc của họ thấp, nhưng họ là những người đang hỗ trợ chúng ta như nền móng nâng đỉnh cao. Tôi uống chúc sức khỏe của họ, những người đồng chí đáng kính”.

Nói về trại nghỉ của i. d. papanin

Vâng, đó là trại nghỉ của người anh hùng Bắc Cực. Ivan Dmitrievich đã xây cho mình một trại nghỉ. Hoàn tất công trình, ông mời tới chơi những người nổi tiếng để khoe. Tất nhiên, ai cũng trầm trồ khen ngợi và ghi lại những dòng cảm tưởng đầy ấn tượng. Tới đó có cả A. A. Zhdanov, Bí thư BCH TƯ. Sau những vị khách này, Papanin đã quyết định mời cả lãnh tụ tới. Và Stalin đã đến trại nghỉ đó. Ông đi xem các phòng. Một số phòng được lát đá hoa cương. Ivan Dmitrievich khoe là đá hoa cương đó nhập từ Italia, còn ở trong phòng tắm thì là đá hoa cương nhập từ Hy Lạp… Sau khi xem xong khu trại nghỉ, Papanin đưa ra cuốn sổ ghi cảm tưởng. Stalin giở ra xem. Đọc một số trang. Rồi ông cầm bút viết: “Gửi đồng chí Vlasik (chỉ huy đội bảo vệ của chính phủ). Công trình tốt để làm nhà trẻ. I. Stalin”. Vlasik nhìn Papanin rồi nhún vai. Ý nói, tôi không liên quan gì đâu nhé!

Khi Stalin rời đi rồi, Papanin đọc những dòng lãnh tụ đã viết rồi chạy tới chỗ điện thoại gọi cho Zhdanov. Bí thư BCH TƯ trấn an người anh hùng Bắc Cực và gọi cho Vlasik chỉ thị rằng sẽ không làm gì cả để chờ ông thuyết phục Stalin đổi ý. Tuy nhiên, trái với mong đợi của Zhdanov, Stalin lại có quan điểm khác và nhìn nhận yêu cầu đó theo một cách khác hoàn toàn.

- Tôi không đồng tình với ý kiến này của đồng chí. Một khi chuyện đã như vậy, tôi muốn mang vấn đề này ra thảo luận ở Bộ Chính trị để Bộ Chính trị quyết định xem ai trong hai chúng ta đã đúng. Tôi coi đây là một vấn đề mang tính nguyên tắc.

Chẳng bao lâu sau có phiên họp của Bộ Chính trị và Stalin đã phát biểu như sau:

- Tôi mời các đồng chí xem xét một vấn đề mà tôi coi là mang tính nguyên tắc. Chuyện liên quan tới Papanin. Không có ai muốn làm giảm những công lao anh hùng của đồng chí ấy. Đất nước đánh giá xứng đáng kỳ tích của đồng chí ấy và đã phong danh hiệu Anh hùng. Đồng chí ấy là người lãnh đạo “Con đường Biển Bắc”. Đồng chí ấy đã được cấp trại nghỉ công. Nhưng vì đồng chí ấy coi như thế vẫn còn là ít nên đã xây cho mình một trại nghỉ đủ sức chứa cả một nhà trẻ, thứ mà chúng ta hiện nay đang rất thiếu. Nhưng ngay cả như thế với đồng chí ấy vẫn còn là ít. Đồng chí ấy không thích đá hoa cương Xôviết. Đồng chí ấy muốn đá hoa cương Hy Lạp, Italia... Thật đáng tiếc là vẫn có những Ủy viên Bộ Chính trị sẵn sàng ủng hộ đồng chí ấy. Thưa các đồng chí trong Bộ Chính trị, giai cấp công nhân và nông dân lao động sẽ suy nghĩ như thế nào về chúng ta? Tất nhiên là không thể để như thế, đó là ý kiến nhất trí của Bộ Chính trị. Tôi nghĩ chúng ta đã cư xử đúng. Không thể nào “ăn dày” như thế được...

Câu chuyện này có ý nghĩa gì? Nó nói lên quan điểm mang tính nguyên tắc của Stalin trong việc xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa. Trước Stalin, mọi người đều bình đẳng, không ai được dành cho mình những đặc quyền đặc lợi…

Sa thải

Xuất phát từ những nguyên tắc chung trong chính sách cán bộ của Stalin, Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật Kharchenko ra quyết định sa thải ca sĩ tuyệt vời Mark Reysen ra khỏi Nhà hát Bolshoi. Không lâu sau đó, Reysen, giọng ca mà Stalin rất thích, nhận được điện thoại từ Poskryobyshev (trợ lý của lãnh tụ) và được yêu cầu tối hôm đó tới biểu diễn tại buổi tiếp tân trong Điện Kremli. Reysen trả lời rằng ông đã bị sa thải khỏi Nhà hát Bolshoi và không còn tham gia biểu diễn nữa. Tuy nhiên, chỉ lát sau đã có xe tới đón ông và ông được đưa đến Điện Kremli. Reysen đã biểu diễn, như thường lệ, rất tuyệt vời. Stalin cho gọi Kharchenko đến và chỉ về phía Reysen, hỏi:

- Đó là ai thế?

- Thưa, ca sĩ Reysen.

- Thế anh là ai?

- Chủ tịch Ủy ban nghệ thuật Kharchenko.

- Không đúng. Đó là giọng đơn ca của Nhà hát Hàn lâm Quốc gia Bolshoi, Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô Mark Osipovich Reysen, còn anh chỉ là cục phân. Anh nhắc lại xem nào!

- Đó là giọng đơn ca của Nhà hát Hàn lâm Quốc gia Bolshoi, nghệ sĩ nhân dân Liên Xô Mark Osipovich Reysen, còn tôi chỉ là cục phân.

- Giờ thì đúng rồi, - Stalin kết luận.

Kẻ thù hùng mạnh

Nhà văn A. Fadeyev tới Gruzia để dự lễ kỷ niệm năm chẵn danh nhân Shot Rustaveli. Trên đoàn chủ tịch xuất hiện Lavrenti Beria, nhà lãnh đạo Gruzia lúc đó, và công chúng vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Trong buổi lễ hôm đó, Beria đã cố tình xuất hiện không chỉ một lần và lần nào cũng được vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.

Trở về Moskva, Fadeyev báo cáo với Stalin: “Buổi đó không phải là lễ kỷ niệm nhà thơ Shot Rustaveli mà là của công tước Đông phương Lavrenti Beria.” Stalin cho gọi Beria tới và bảo: “Này anh Beria, liệu người dân Xôviết ở Gruzia có nhiều quá các lãnh tụ không đấy?”.

Từ thời điểm đó, Fadeyev có thêm một kẻ thù hùng mạnh. Sau khi trở thành Ủy viên Bộ Chính trị và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên Xô Beria đã không chỉ một lần định đưa Fadeyev vào tù, nhưng đều bị Stalin ngăn cản. Beria đã ba lần tổ chức mưu sát Fadeyev.

Uy tín không cần danh hiệu

Hồi ức của nguyên soái I. S. Konev:

“Phản ứng của Stalin đối với đề nghị của chúng tôi trao tặng cho ông danh hiệu Đại nguyên soái rất thú vị. Chuyện xảy ra sau chiến tranh. Trong cuộc họp của Bộ Chính trị thảo luận về vấn đề này có mặt Zhukov, Vasilievsky, tôi và Rokossovsky. Stalin thoạt tiên đã từ chối, nhưng chúng tôi đã kiên trì đưa ra đề nghị này. Tôi đã phát biểu hai lần về vấn đề đó. Và tôi phải nói rằng, ở thời điểm đó tôi chân thành cho rằng việc ấy là cần thiết và xứng đáng.

Stalin mấy lần ngắt lời chúng tôi và nói: “Ngồi xuống thôi”. Rồi ông nói về mình ở ngôi thứ ba:

- Các đồng chí muốn phong cho đồng chí Stalin danh hiệu Đại nguyên soái. Đồng chí Stalin cần danh hiệu đó để làm gì? Đồng chí Stalin không cần như thế. Đồng chí Stalin không có danh hiệu đó vẫn có uy tín. Đồng chí Stalin không cần thêm danh hiệu gì để giữ uy tín. Có nghĩa gì đâu với đồng chí Stalin danh hiệu đó. Tưởng Giới Thạch cũng là Đại nguyên soái. Franko cũng là Đại nguyên soái. Hay hớm gì với đồng chí Stalin khi cùng xếp hạng với các nhân vật này. Các đồng chí đều là nguyên soái, tôi cũng là nguyên soái. Các đồng chí muốn trục xuất tôi ra khỏi đội ngũ nguyên soái ư? Để đưa tôi vào đội ngũ những Đại nguyên soái nào đó ư? Đó là danh hiệu gì vậy? Thử dịch cho tôi biết nào.

Chúng tôi đã phải lôi ra những cuốn sách lịch sử khác nhau và những danh ngôn khác nhau để lý giải, đó là lần thứ tư trong lịch sử quân đội Nga sau Menshikov và một ai đó và sau Suvorov. Cuối cùng Stalin đã phải đồng ý sau khi Rokossovsky nói: “Tôi là nguyên soái và đồng chí cũng là nguyên soái. Vì thế, đồng chí không thể nào kỷ luật tôi được”.

Mất cái tẩu thuốc

Nhà sáng chế ra máy bay tiêm kích A. S. Yakovlev, rất nổi tiếng trong chiến tranh, nhớ lại chuyện tiếu lâm mà ông đã từng nghe ủy viên Bộ Chính trị A. A. Zhdanov kể. Stalin than phiền là mất cái tẩu thuốc: “Tôi sẵn sàng trả rất nhiều để tìm lại nó”. Beria sau ba ngày đã tìm ra 10 kẻ cắp, tên nào cũng nhận là chính y đã đánh cắp cái tẩu thuốc mà Stalin đã để rơi trên đi văng trong phòng của ông.

Zhdanov kể lại chuyện tiếu lâm này, cười sảng khoái.

Câu chuyện vui này tất nhiên trước hết làm rõ tính cách của chính Zhdanov và của cả Beria nữa. Hóa ra là Beria có hình ảnh như vậy trong cách nghĩ của các Ủy viên Bộ Chính trị đồng thời.

Để được Stalin hài lòng, một người láu cá sẵn sàng làm mọi việc và cuộc sống của những người vô tội không là gì cả đối với ông ta.

Lời khai của Koltsov

Một hai tuần sau khi nhà văn Koltsov bị bắt, Fadeyev đã viết một lá thứ ngắn gửi cho Stalin về việc nhiều nhà văn, đảng viên cộng sản và cả người ngoài đảng không tin vào tội lỗi của Koltsov. Và bản thân Fadeyev cũng không thể tin vào điều này. Ông cho rằng cần phải báo cáo cho Stalin biết về tâm trạng đang phổ biến rộng rãi liên quan tới câu chuyện đó trong giới văn học và đề nghị được gặp Stalin. Một thời gian sau, Stalin đã gặp Fadeyev.

- Vậy nghĩa là đồng chí không tin rằng Koltsov có tội? – Stalin hỏi.

Fadeyev thưa rằng ông không thấy tin và không muốn tin vào điều đó.

- Thế mà tôi lại tin, đồng chí nghĩ rằng tôi muốn tin ư? Tôi cũng không muốn tin, nhưng đã phải tin.

Sau câu nói đó, Stalin gọi thư ký Poskryobyshev lên và yêu cầu đưa cho Fadeyev đọc tài liệu đã dành cho ông và nói với Fadeyev:

- Đồng chí đọc đi rồi quay lại nói cho tôi biết về ấn tượng của mình.

Fadeyev cùng Poskrebyshev sang phòng bên. Ông ngồi vào bàn đọc hai tập tài liệu với những lời khai của Koltsov. Những lời khai mà như sau này Fadeyev kể lại, rất kinh khủng nói về sự liên quan tới những người theo chủ nghĩa Trosky.

- Nói chung là không thiếu thứ gì không được ghi trong đó, - Fadeyev phẩy tay đầy cay đắng. – Tôi đọc mà không tin vào mắt mình. Sau khi tôi đọc xong, người ta gọi tôi tới gặp Stalin và ông hỏi tôi:

- Thế nào, bây giờ đồng chí bắt buộc phải tin chưa?

- Rồi ạ, - Fadeyev đáp.

- Nếu sau này những người cần được trả lời có hỏi đồng chí thì đồng chí có thể nói cho họ biết những gì mà đồng chí đã biết nhé.

Tupolev

Tư lệnh lực lượng không quân đường dài A. E. Golovanov ở ngoài mặt trận nhận được tin Tupolev tới chỗ của ông. Ông đã gặp nhà sáng chế máy bay danh tiếng đang trong cảnh tù tội nhưng vẫn được đội canh gác đưa tới để bàn chuyện đại sự. Hai người cùng nói về mẫu máy bay ném bom TU mới… Sau đó Tupolev lại bị đưa vào trại giam…

Ít lâu sau, Golovanov có cơ hội gặp Stalin. Sau khi giải quyết xong hết các vấn đề công vụ, Golovanov vẫn nán lại và hỏi:

- Đồng chí Stalin, vì sao mà Tupolev bị đi tù?

- Người ta bảo ông ấy hình như là gián điệp của Anh hay Mỹ gì đó, - Stalin trả lời nhưng trong giọng nói của ông không có chút tự tin chắc chắn nào.

- Và đồng chí cũng tin vào việc đó?

- Thế anh có tin không? – Stalin chuyển cách xưng hô và hỏi.

- Tôi thì không, - Golovanov đáp chắc như đinh đóng cột.

- Anh cũng biết là tôi cũng không tin. Thôi, tạm biệt nhé!

Ngay ngày hôm sau, Tupolev được trả lại tự do.

Sẽ đi xa hơn...

Nguyên ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov kể chuyện, khi Stalin đi trên biển Đen bằng con tầu mang tên Trotsky, các đồng nghiệp của ông trong Bộ Chính trị đã hỏi đùa:

- Đồng chí sẽ đi lâu không trên tàu Trotsky?

Còn Trotsky khi đi từ Odessa ra nước ngoài vĩnh viễn, con tầu chở ông ta đi mang tên Ilich. Cũng có thể đó chỉ là một sự tình cờ…

Khi Trotsky trước đó phải chuyển tới Alma Ata trong một sự lưu đầy với rất nhiều hành lý trên tàu hỏa, ông ta đã hỏi Stalin:

- Đi lặng lẽ thì sẽ đi được xa chứ?

(Tục ngữ Nga có câu: Lặng lẽ sẽ đi xa)

Stalin đáp:

- Đi càng xa thì sẽ càng lặng lẽ…

Cái gì nặng hơn?

Thủ tướng Anh Churchill hỏi Stalin:

- Ông thử cho biết, sự căng thẳng của cuộc chiến tranh hiện này đối với cá nhân ông là như thế nào so với gánh nặng của việc thực hiện nhiệm vụ tập thể hóa?

- Không thấm tháp gì, - Stalin đáp. – Nhiệm vụ tập thể hóa đã là một cuộc đấu tranh khủng khiếp...

- Tôi cũng nghĩ thế. Vì các ông đã phải xử lý không chỉ một nhúm các nhà quý tộc hay địa chủ mà với cả hàng triệu tiểu chủ...

- Bốn triệu người, - Stalin kêu lên, tay giang ra. – Đó thực là khủng khiếp. Và việc này kéo dài tới bốn năm. Nhưng việc đó tuyệt đối cần thiết đối với nước Nga để thoát khỏi nạn đói và đảm bảo cung cấp đủ máy cày cho nông thôn …

Không tự ái

Sau khi thông qua quốc ca Liên Xô năm 1943, tại khán phòng Nhà hát Bolshoi đã diễn ra một buổi lễ. Stalin xếp hai tác giả phần lời quốc ca S. V. Mikhalkov và El- Registan ngồi ở hai bên phải và trái ông. El-Registan nâng ly và xin phép Stalin cho nói lời chúc rượu. Stalin đáp: “Cho phép” và El-Registan cất tiếng:
-

Tôi muốn nâng ly này lên để chúc những người đã cùng làm việc với chúng tôi: chúc đồng chí Voroshilov, Molotov và cuối cùng, đồng chí Stalin!

A. S. Scherbakov nhận xét:

- Lẽ ra phải bắt đầu từ đồng chí Stalin!

El-Registan định thanh minh, nhưng Stalin nói luôn:

- Cho phép tôi nhé! Tsekhov có một truyện ngắn về tay lái buôn hiến tiền nhiều hơn tất cả cho xây nhà thờ, thế nhưng trên báo lại ghi tên họ ông ấy ở cuối cùng. Tay lái buôn ấy đã tự ái. Nhưng tôi không phải là lái buôn!

Không đánh thức nguyên soái

Những ngày diễn ra trận đánh ở ngoại ô Moskva mùa thu năm 1941 đã là khó khăn nhất trong cuộc đời chinh chiến của Zhukov. Sau chiến tranh, trả lời câu hỏi của tướng Mỹ Eisenhower, chính Zhukov cũng nói là ông đã phải chịu đựng những thử thách thể chất lớn nhất trong các trận chiến đấu bảo vệ Moskva.

Từ ngày 16/10 tới 6/12/1941, Zukov chỉ được ngủ mỗi ngày đêm không quá hai giờ. Để duy trì thể trạng ít nhiều khả dĩ, ông đã phải gia tăng số lần tập thể dục chớp nhoáng ngoài trời tuyết lạnh và uống cà phê đặc.

Khi giai đoạn khủng hoảng trong cuộc chiến bảo vệ Moskva đã qua, Zhukov ngủ say thiếp đi đến mức không ai đánh thức nổi ông dậy.

Stalin hai lần gọi điện cho ông, nhưng đều nhận được báo cáo: “Chúng tôi không làm sao đánh thức được đồng chí Zhukov”.

Stalin hạ lệnh: “Không được đánh thức, hãy chờ tới lúc nào đồng chí ấy tự tỉnh giấc!”.

Cha nói về con

Stalin rất đau đớn khi Yakov, con trai ông, bị phát xít Đức bắt làm tù binh. Thế nhưng, khi người ta chuyển tới cho ông đề nghị của Berlin đánh đổi con trai lấy thống chế Đức Paulus, ông nói: “Mọi tù binh đều là con tôi cả”.

Và ông đã trả lời Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, bá tước Bernadotte, người nhận trách nhiệm làm môi giới cho vụ thương lượng đánh đổi đó, rằng: “Tôi không đổi một anh lính lấy một thống chế”.

Chuyện này xảy ra có nhiều người làm chứng và câu trả lời đó đã đi vào lịch sử.

Trả lại đống giẻ rách

Sau chiến tranh, một thượng tướng lên báo cáo với Stalin về tình hình ở Berlin. Tổng tư lệnh tối cao trông có vẻ hài lòng và hai lần gật đầu. Sau khi kết thúc báo cáo, thượng tướng như vẫn còn điều gì muốn nói. Stalin hỏi:

- Đồng chí còn muốn nói gì nữa?

- Dạ vâng. Tôi có một vấn đề riêng ạ. Ở Đức tôi đã chọn cho mình được một số đồ đạc, nhưng chúng đã bị giữ lại tại cửa kiểm soát ạ.

Nếu có thể, tôi xin được nhận lại chúng.

- Được chứ. Đồng chí hãy viết đề nghị rồi tôi sẽ phê vào, - Stalin trả lời.

Lời phê rất ngắn gọn: “Trả lại cho thượng tá đống giẻ rách của đồng chí ấy”.

Người yêu cầu lên tiếng:

- Thưa đồng chí Stalin, ở đây có chữ viết nhầm ạ. Tôi không phải là thượng tá mà là thượng tướng.

Stalin rít một hơi tẩu thuốc rồi nhếch mép cười đáp:

- Không, ở đây ghi đúng rồi, đồng chí thượng tá ạ.

Nịnh quá hóa dở

Trong Điện Kremli diễn ra bữa tiệc mừng các nhà hoạt động văn học nghệ thuật. Stalin bước dọc cái bàn dài đầy sơn hào hải vị, rít tẩu thuốc và nhẫn nại nghe bài ca tụng mà nhà văn Aleksei Tolstoi đang phát biểu về trí tuệ anh minh của lãnh tụ. Say sưa quá nên càng ngày Tolstoi càng sử dụng thêm nhiều mỹ từ choáng lộn. Cuối cùng thì lòng kiên nhẫn của Stalin cũng cạn và ông tới chỗ diễn giả, vỗ vai nói: “Đủ lắm rồi, bá tước ơi!”

Muốn ít được nhiều

Trong những năm 30 của thế kỷ trước, một lần, Stalin mời bốn nhà điện ảnh hàng đầu đất nước Liên Xô lên gặp mình và hỏi họ cần gì để có thể làm việc một cách có hiệu quả. Ông bảo: “Các đồng chí cứ mạnh dạn trình bày, đừng ngại, chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ”.
Romm than phiền rằng hiện đang phải sống trong một căn phòng nhỏ mà vợ ông lại đau yếu luôn, ông cần một căn hộ đủ rộng.

“Được thôi, đồng chí sẽ nhận được căn hộ rộng”, - Stalin nói.

Pugovkin thổ lộ rằng chỉ có thể làm việc được trong không gian ngoại ô nên ông cần có một trại nghỉ.

“Được thôi, đồng chí sẽ có một trại nghỉ”, - Stalin gật đầu.

Pyriev nói rằng ông đã có trại nghỉ nhưng trại nghỉ ở xa trung tâm, đi xe bus hay tàu hỏa thì sẽ mau mệt, khó có thể làm việc. Cần phải có xe ô tô riêng.

“Được thôi, sẽ có ô tô cho đồng chí”, - Stalin đáp.

Aleksandrov có vẻ ngập ngừng và bảo: Ông ngại nói quá vì yêu cầu của ông rất lớn.

“Đồng chí cứ nói, đừng ngại!” – Stalin động viên.

“Thưa đồng chí Stalin, tôi muốn được có tác phẩm “Những vấn đề của chủ nghĩa Lenin” của đồng chí, nhưng phải với chữ ký tác giả tặng. Điều này sẽ giúp cho tôi có thêm cảm hứng sáng tạo”.

“Được, đồng chí sẽ có sách với chữ ký tặng, – Stalin nói.

Thế là chẳng bao lâu sau, Aleksandrov nhận được cả một căn hộ rộng, một trại nghỉ ngoại ô, một xe hơi và tất nhiên, cả một cuốn sách với chữ ký của Stalin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giai thoại về Stalin

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO