Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật năm 2016: Vẫn thiếu những gương mặt thân quen

Minh Quân 22/02/2017 08:15

Chủ tịch nước vừa có Quyết định trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2016. Trong đó 10 tác giả, cố tác giả đã được Chủ tịch nước ký Quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, danh sách trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này vẫn thiếu vắng tên tuổi nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà thơ Thu Bồn, nhạc sĩ Thuận Yến…

Hai nhà thơ Xuân Quỳnh và Thu Bồn.

Chỉ vì hồ sơ?

Cụ thể, 7 tác giả đã được Chủ tịch nước ký Quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm: GS.TS, NSND Lê Ngọc Canh, NSND Chu Thúy Quỳnh, TS Trần Đình Ngôn, nhà nghiên cứu sân khấu Mịch Quang, GS. NGND Trọng Bằng, TS Doãn Nho, PGS Chu Minh.

3 cố tác giả được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm: nhà văn Nguyễn Xuân Thiều, nhà văn Trần Hữu Mai, nhạc sĩ Hoàng Hà.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho 56 tác giả, đồng tác giả và 11 cố tác giả có đóng góp xuất sắc cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà như NSND Phạm Nhuệ Giang, NSND Đào Bá Sơn, nhà viết kịch Chu Thơm, KTS Lê Thành Vinh, cố đạo diễn Đào Thanh Tùng…

Tuy nhiên, trong bản danh sách vừa được công bố ở Giải thưởng Hồ Chí Minh vẫn thiếu vắng nhiều cái tên như nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà thơ Thu Bồn, nhạc sĩ Thuận Yến… Ở Giải thưởng Nhà nước nhiều gương mặt quen thuộc cũng bị “trượt” như GS.TS Trần Lâm Biền, GS.TS Ngô Đức Thịnh, nhạc sĩ Nguyễn Thế Song…

Trao đổi với báo chí, ông Phùng Huy Cẩn- Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng (Bộ VHTT&DL) cho biết: Về trường hợp của nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà thơ Thu Bồn là do Hội Nhà văn Việt Nam trong quá trình chuẩn bị Hồ sơ cho Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước không tốt.

Trước đó, tại cuộc họp Hội đồng chuyên ngành bản thân tôi và Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải cũng đã phê bình và yêu cầu Hội đồng cấp cơ sở - Hội Nhà văn Việt Nam về hoàn thiện lại hồ sơ.

Còn lý do vì sao thiếu hồ sơ, giải thưởng mà Hội đồng vẫn xét? Ông Cẩn lý giải việc xét tặng giải thưởng trên cơ sở phải có lý và có tình. Thứ nhất, về lý phải đúng theo các quy định đã ban hành trong Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ hai, về tình là những đánh giá trong con mắt của giới văn nghệ sĩ về tác giả. Ở đây với trường hợp nhà thơ Xuân Quỳnh và Thu Bồn những tác giả đã sáng tác ra các tác phẩm nhưng không đi thi và không có giải thưởng.

Nhưng các tác phẩm vẫn cứ tồn tại trong cuộc sống và có những đóng góp nhất định cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Do vậy, khi xét trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Hội đồng cấp Nhà nước cũng đánh giá thực chất các tác phẩm chứ không căn cứ vào các giải thưởng.

Chính vì thế mà trường hợp nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà thơ Thu Bồn dù không có đủ giải thưởng nhưng vẫn được Hội đồng chấp nhận. “Quy trình thành lập Hội đồng cấp Nhà nước rất chặt chẽ, tuy nhiên, những thành viên Hội đồng ở các lĩnh vực khác nhau, đều có kiến thức nền, nhưng khi xét về lĩnh vực chuyên sâu lại là điểm yếu.

Hướng khắc phục điểm yếu này là nên giảm bớt các thành viên là chuyên gia, chỉ giữ lại các thành viên từ cơ quan quản lý nhà nước, và vấn đề được đưa ra xét chọn cũng nghiêng về nhân thân các tác giả thay vì chủ yếu tập trung vào giá trị các tác phẩm”- ông Cẩn cho hay.

Sẽ tiếp tục kiến nghị về những trường hợp chưa được xét tặng

Theo Vụ trưởng Vụ Thi đua & Khen thưởng thì Bộ VHTT&DL trong quá trình làm tờ trình Ban Thi đua khen thưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước cũng đã tách ra hai tờ trình.

Tờ trình thứ nhất là tất cả các tác phẩm đủ điều kiện, tiêu chí trong Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Tờ trình thứ hai gửi song song là những trường hợp đủ 90% số phiếu nhưng không đủ giải thưởng.

Trong tờ trình thứ hai cũng lý giải rõ với Thủ tướng Chính phủ vì sao không có giải thưởng để Thủ tướng xem xét. Khi trình lên 2 tờ trình đó thì Ban Thi đua Khen thưởng chấp nhận cả 2 tờ trình của Bộ VHTT&DL.

Nhưng khi lên đến Văn phòng Chính phủ thì lại đề nghị để lại các trường hợp không đủ giải thưởng trong đó có trường hợp của nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà thơ Thu Bồn.

Tuy nhiên, sau khi dư luận xã hội và báo chí có đặt vấn đề này ra, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ VHTT&DL trình lại việc trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà thơ Thu Bồn.

Ngày 14/2, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật cho 2 nhà thơ Xuân Quỳnh và Thu Bồn.

Đại diện Vụ thi đua khen thưởng Bộ VHTT&DL cho hay, sau khi tiến hành lễ trao tặng giải thưởng (dự kiến ngày 11-3) thì Bộ VHTT&DL sẽ có kiến nghị lên Thủ tướng, Chủ tịch nước về những trường hợp chưa được xét tặng như đã đề cập ở trên.

Dự kiến sau khi hoàn tất lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước vào khoảng tháng 5 tới, Bộ VHTT&DL sẽ tổ chức một hội nghị để lắng nghe, rút kinh nghiệm, tiếp thu sau hai năm Bộ thực hiện 3 nghị định, đó là Nghị định 62 về xét tặng Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú.

Nghị định 89 về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú và Nghị định 90 về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Và mong muốn lớn nhất của công chúng là việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật sẽ thấu tình, đạt lý hơn với những nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật năm 2016: Vẫn thiếu những gương mặt thân quen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO