Giải trí trực tuyến: 'Đổi món vì đại dịch

Minh Quân 28/03/2020 08:00

Trong khi các hoạt động vui chơi (rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí, quán bar, karaoke...) đang phải đóng cửa trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thì chương trình giải trí trực tuyến đang trở thành “đặc sản” dành cho khán giả.

Giải trí trực tuyến: 'Đổi món vì đại dịch

Liveshow trực tuyến không khán giả của ca sĩ Tuấn Hưng - Quang Hà.

Liveshow ca nhạc online

Mới đây, ca sĩ Tuấn Hưng, Quang Hà cùng ban nhạc Màu nước đã cho ra mắt khán giả liveshow âm nhạc đặc biệt khi toàn bộ chương trình hoàn toàn không có khán giả. Theo đó, thay vì việc bỏ tiền ra mua vé đi xem ở các địa điểm tổ chức biểu diễn, khán giả chỉ cần bỏ ra một khoản tiền thông qua hình thức chuyển khoản và sau đó sẽ nhận được hướng dẫn tham gia thưởng thức chương trình. Ca sĩ Tuấn Hưng cũng cho biết, tất cả những gì tôi đang làm là để thỏa mãn đam mê. Thứ hai, tôi muốn cùng bạn bè là những người nghệ sĩ có thu nhập trong mùa dịch, dù không được nhiều. Covid-19 diễn ra phức tạp thì việc khán giả ở nhà và thưởng thức âm nhạc rất hợp lý. Cũng theo ca sĩ Tuấn Hưng, chương trình được mong muốn có thể thực hiện định kỳ đều đặn vào thứ Bảy hàng tuần những chương trình như thế này và sẽ có nhiều nghệ sĩ cùng anh đồng hành biểu diễn. Được biết, liveshow diễn ra vào tối 21/3 vừa qua đã có rất nhiều khán giả tỏ ra khá bất ngờ và hứng thú trước hình thức thưởng thức âm nhạc mới mẻ này.

Tối 27/3, ca sĩ Mỹ Linh cùng ban nhạc Anh em cũng đã cho ra mắt với chủ đề “Song book” trong chương trình Music Home số thứ 2 trên kênh truyền hình FPT. Tuy nhiên, khác với các chương trình được tổ chức trước đó khán giả đến với một trải nghiệm mới mẻ Hát trực tuyến theo yêu cầu. Đây được xem là cơ hội thú vị dành cho khán giả khi được nghe ca sĩ Mỹ Linh biểu diễn, cũng như tương tác ngay tại nhà mình.

Có thể nói, với việc ra đời của các liveshow âm nhạc trực tuyến đang tạo nên một hiệu ứng mới cho khán giả, nhất là trong thời điểm “hạn chế ra đường” phòng dịch bệnh. Thậm chí, đây còn được xem là phương án “lợi cả đôi đường” vừa an toàn cho khán giả và nghệ sĩ mà còn mang lại hiệu quả giải trí cao. Bên cạnh đó, việc đầu tư để có sản phẩm phát hành trực tuyến vừa ít tốn kém hơn so với việc phát hành album truyền thống vừa có khả năng lan tỏa, tương tác với khán giả lại tốt hơn.

“Cầy phim” tại nhà

Các kênh truyền hình, nền tảng ứng dụng thông minh trong thời gian qua cũng biết cách để “chiều lòng” khán giả. Đơn cử, như nền tảng Netflix vừa mới “chân ướt, chân ráo” đến Việt Nam đã cho ra mắt khán giả các chương trình truyền hình, phim tài liệu, khoa học có bản quyền với chất lượng cao xem được trên nhiều thiết bị khác nhau như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính... Đặc biệt, nhà cung cấp này cũng không quên các sản phẩm phim Việt khi công chiếu các bộ phim “Chờ em đến ngày mai”, “Già gân”, “Mỹ nhân và găng tơ”, “Ngày mai cưới”...

Đặc biệt theo chia sẻ từ ứng dụng POPS, bộ phim “Phượng Khấu” của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh khi phát sóng độc quyền trên nền tảng này đang tạo nên một hiệu ứng từ khán giả. Ngay khi phát trực tuyến tập 1 bộ phim, đơn vị đã ghi nhận con số tăng gấp 7 lần lưu lượng truy cập của ứng dụng POPS (600%). Sức hút này tiếp tục được đẩy lên khi sang đến tập 2 lượt truy cập tiếp tục tăng thêm 40%. Thậm chí, nhiều đơn vị sẵn sàng “chịu chi” bằng việc đưa ra nhiều lựa chọn hấp dẫn cho người dùng bằng các sản phẩm giải trí độc quyền và có chất lượng cao để khán giả có thể “yên tâm ngồi tại nhà”. Đơn cử như keeng.vn đã “mạnh dạn” mua bản quyền nhiều bộ phim đình đám của Hollywood chiếu rạp và cung cấp tới người xem với giá 1.000 đồng, thậm chí, nhiều bộ phim còn miễn phí.

Cùng với các nền tảng ứng dụng trên các thiết bị thông minh, các kênh truyền hình lớn của Việt Nam cũng đang vào “cuộc đua” để đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. Như truyền hình FPT bên cạnh “kho” phim bộ Hàn Quốc, Hồng Kông... đã cho ra mắt khán giả hàng loạt bộ phim về “mùa dịch” như Chuyến tàu sinh tử, Mùa dịch... Bên cạnh đó, các kênh miễn phí trên Youtube cũng đang thu hút hàng triệu người xem với nhiều series phim hấp dẫn như “Bố già” (Trấn Thành), “Trật tự mới” (Việt Hương). Chưa kể các gameshow, chương trình ca nhạc, giải trí, phim nhiều tập... gây ấn tượng với khán giả truyền hình cũng được phát lại trên Youtube. Ngoài ra, khán giả có thể theo dõi các Vlog triệu view hấp dẫn thường xuyên được Vlogger tung lên Youtube. Theo thống kê của POPS, lượt xem Youtube của đơn vị này tăng vọt hơn 22% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu trước đây, vào các ngày nghỉ, lượng người xem cao hơn ngày thường thì khoảng thời gian này, hầu như các ngày trong tuần đều có lượt xem cao bằng nhau. Các nội dung thiếu nhi trên kênh Pops Kids và các nội dung giải trí dành cho học sinh trung học trên kênh Pops Anime có sự tăng trưởng gần 200%.

Không thể phủ nhận, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, giải trí trực tuyến tại nhà được xem là xu hướng hợp lý giảm thiểu những stress cho người dân do nhịp sống thay đổi, hạn chế việc tụ tập đông người ở các rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải trí trực tuyến: 'Đổi món vì đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO