Bồi hồi nhìn lại 'Hà Nội ngày trở về'

Hoàng Minh 06/10/2018 08:00

Nhân kỷ niệm 64 năm ngày Giải phóng Thủ đô, ngày 5/10, tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Sở VHTT Hà Nội đã tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về”.

Bồi hồi nhìn lại 'Hà Nội ngày trở về'

Cắt băng khai mạc trưng bày “Hà Nội ngày trở về”. Ảnh Quang Vinh.

Theo đó, trưng bày chuyên đề giới thiệu những chặng đường gian nan của quân, dân Việt Nam của 9 năm trường kỳ kháng chiến để viết nên khúc khải hoàn Giải phóng Thủ đô và quay trở về khoảnh khắc Hà Nội tưng bừng, hân hoan, hào sảng của mùa thu lịch sử 64 năm về trước, khi đoàn quân lớp lớp tiến về Thủ đô.

Từ thời khắc trọng đại ấy, Hà Nội và cả nước đi lên với những bước chuyển mình quan trọng. Trưng bày được chia thành 2 nội dung chính: Ra đi… Hẹn một ngày về và Hà Nội ngày trở về.

Trong đó, phần nội dung “Ra đi… Hẹn một ngày về” là những câu chuyện trong 9 năm kháng chiến gian khổ, trường kỳ với biết bao gian nan, thử thách, để biến lời thề sắt son với Thủ đô yêu dấu thành hiện thực.

Tại không gian trưng bày này công chúng được biết đến một tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của toàn thể đồng bào, chiến sỹ đứng lên đánh giặc cứu nước; một Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn, nơi nuôi chí bền gan chiến đấu của cả dân tộc; một Hà Nội thời tạm chiếm vừa đổi thay, vừa pha trộn, vừa tạm bợ và Chín năm làm một Điện Biên với biết bao gian nan, máu, xương đã đổ xuống cho ngày giải phóng Thủ đô…

Còn với phần trưng bày “Hà Nội ngày trở về” là những câu chuyện của 64 năm về trước khi Hà Nội hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô; là sự vươn mình đổi thay của Thủ đô và đất nước trên con đường hội nhập và phát triển.

Đặc biệt, với trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về” lần đầu tiên hơn 20 hiện vật gắn liền với sự kiện giải phóng Thủ đô được giới thiệu tới công chúng. Đó là, tập thơ “Gặt mùa” (tập I, II), ông Lê Tám, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội sáng tác trong thời gian phụ trách phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến và bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1951 – 1953; Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho các chiến sỹ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954 Báo “Tiền phong” (báo của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội, số đặc biệt đón mừng ngày giải phóng Thủ đô)…

Tại lễ khai mạc người xem cũng đã trực tiếp được gặp các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia công tác tiếp quản Thủ đô như: Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh tiếp quản Nhà tù Hỏa Lò, Đại tá Dương Niết tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt, Đại tá Doãn Thạch Khôi tiếp quản Nhà máy nước Yên Phụ, Đại tá Lê Duy Tư tiếp quản Tòa án tối cao, Trung tá Lê Văn Hữu tiếp quản Thư viện quốc gia… cùng nhiều nhân chứng lịch sử đã cống hiến, bảo vệ Thủ đô trong những ngày tạm chiếm như: ông Đỗ Đăng Long, Lê Văn Ba, Dương Tự Minh, Trung tướng Phạm Hồng Cư….

Có thể thấy, mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh và phỏng vấn được thể hiện trong trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về” sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về ký ức một thời hào hùng của quân và dân ta đã chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo để đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng Thủ đô. Đạn bom, chia cắt và đau thương đã lùi về quá khứ, cuộc sống mới ở Thủ đô tiếp tục được dựng xây và phát triển. Những công trình kiến trúc được tiếp quản ngày nào, giờ trở thành Di sản văn hóa “Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”. Trưng bày sẽ kéo dài đến hết ngày 30/1/2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bồi hồi nhìn lại 'Hà Nội ngày trở về'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO