Gian nan câu chuyện bản quyền

Minh Quân 28/01/2019 07:00

Bên cạnh con số 111 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) công bố đã thu được trong năm 2018 thì câu chuyện tác quyền không phải đã hết gian nan.

Gian nan câu chuyện bản quyền

Sky Music bị tố xâm phạm bản quyền nhiều ca khúc.

VCPMC hiện có gần 4.000 thành viên là tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả. Đến nay, Trung tâm đã ký hợp tác song phương với 73 tổ chức quản lý tập thể quyền và nhà xuất bản, đảm bảo thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của Hiệp hội các nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế.

Bên cạnh đó, trong công tác xử lý vi phạm thời gian qua, VCPMC đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các tác giả để xác minh, xử lý vụ việc hiệu quả hơn, tạo sự tác động tích cực đến ý thức tuân thủ pháp luật của người sử dụng âm nhạc. Đồng thời, nhờ công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiên trì vận động, thuyết phục, đến nay nhận thức và ý thức của nhiều doanh nghiệp, nhiều tổ chức, cá nhân ngày càng được nâng cao, nhiều đơn vị đã nghiêm túc thực hiện quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ…

Đặc biệt, trong thời gian qua VCPMC đã và đang tiếp tục đàm phán với các website và các ứng dụng kinh doanh nhạc để thực hiện quyền tác giả, đảm bảo quyền lợi cho các tác giả thành viên. Hiện nay, ngoài các website nhạc, VCPMC cũng đã ký kết hợp đồng với các đơn vị lớn như Youtube, Facebook, tăng cường đối soát tác phẩm, tuyên bố quyền của thành viên để làm căn cứ cho các đơn vị này chi trả, phân phối tác quyền.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, trong quá trình triển khai thực thi quyền tác giả âm nhạc, VCPMC còn gặp những khó khăn. Trong đó, theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn- Tổng Giám đốc VCPMC cho biết: “Bên cạnh các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện quyền tác giả, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa có ý thức và nhận thức đầy đủ trong việc thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả, không thực hiện hoặc đối phó, chờ nếu có kiểm tra, xử phạt mới thực hiện, hoặc tìm cách để không phải trả tiền bản quyền”.

Ông Cẩn cũng thẳng thắn cho rằng, một số tác giả vẫn chưa chú trọng đúng mức trong việc bảo vệ cũng như khai thác quyền tài sản đối với các tác phẩm do mình sáng tác. Một số trường hợp tác giả tuy đã chính thức ký hợp đồng ủy thác với VCPMC để khai thác quyền tác giả ở tất cả các lĩnh vực nhưng lại vẫn tiếp tục ký hợp đồng với các đơn vị, tổ chức, cá nhân khác trong khi không thể tự kiểm soát hết các hình thức sử dụng tác phẩm âm nhạc và việc hợp tác kinh doanh quyền tác giả của các đơn vị này trên thị trường, gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của chính các tác giả, đồng thời gây khó khăn cho VCPMC trong quá trình cấp phép, làm việc, đàm phán với các đơn vị sử dụng âm nhạc.

Đặc biệt, VCPMC còn gặp phải khó khăn từ một số đơn vị sử dụng âm nhạc gây ra như vụ việc Sky Music, Vigo… đã trực tiếp gây ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của tác giả, quấy rối hoạt động của VCPMC cũng như công tác phối hợp thực thi bảo hộ quyền tác giả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.

Trong đó, riêng thiệt hại từ hành vi xâm phạm quyền mà Sky Music gây ra ước tính ít nhất là 3,3 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền tác giả, quấy rối, gây khó khăn đối hoạt động cấp phép của VCPMC. Cùng với đó, nhiều chương trình biểu diễn, sự kiện còn chậm trễ hoặc né tránh thực hiện. Nghị định số 142/2018/NĐ-CP được ban hành trong đó đã bãi bỏ điều kiện thực hiện quyền tác giả tại thủ tục cấp phép tổ chức biểu diễn là chính sách pháp luật gây bất lợi đối với tác giả cũng như gây khó khăn cho công tác bảo vệ quyền tác giả của VCPMC.

Bên cạnh đó, theo nhạc sĩ Hoàng Văn Bình- Phó Tổng giám đốc VCPMC, hiện nay Trung tâm còn gặp những khó khăn do tác động của chính sách pháp luật như quy định bãi bỏ điều kiện về quyền tác giả tại Nghị định số 142/2018/NĐ-CP. Cụ thể, theo ông Bình, ở Điều 6 của Nghị định có quy định việc bãi bỏ thành phần hồ sơ “1 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả” tại thủ tục cấp Giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và Giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

“Thực tế cho thấy rất rõ về tình trạng xâm phạm quyền tác giả tràn lan trong suốt thời gian qua ở nhiều lĩnh vực sử dụng âm nhạc, điển hình là lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả. Hàng trăm chương trình biểu diễn đã né tránh thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Công ước Berne”- nhạc sĩ Hoàng Văn Bình nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan câu chuyện bản quyền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO