Gian nan nghề múa

Thanh Hoa 15/07/2019 08:00

Đằng sau những hình ảnh lộng lẫy trên sân khấu, là quá trình dạy và học cực kỳ khổ cực để có được một diễn viên múa. Mà hào quang nếu có cũng thật ngắn ngủi.

Gian nan nghề múa

Một tiết mục trong chương trình “Kí ức Hội An”.

Từ những “cái nôi”

Nhắc đến công tác đào tạo nghệ thuật múa của nước ta, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến 3 cái nôi đào tạo gồm Học viện Múa Việt Nam, Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và Trường Múa TP HCM. Tuy nhiên, đằng sau những thành công trên sân khấu múa thì từ người học đến các giảng viên đào tạo phải trải qua vô vàn những khó khăn trong việc “đãi cát, tìm vàng”.

Để khán giả được chiêm ngưỡng những động tác chuẩn xác, những kĩ thuật chuẩn mực của ballet, của múa dân gian, dân tộc, múa truyền thống, múa đương đại trong mỗi tác phẩm múa đòi hỏi cả một quá trình học tập và rèn luyện không những của riêng các diễn viên. Mà đằng sau đó là sự lao tâm, khổ tứ, sự dìu dắt, chỉ bảo tận tụy của đội ngũ các thầy, cô giáo - những người hàng ngày, hàng giờ rèn rũa tỉ mỉ cho các học sinh trường múa từng thế tay, thế chân, từng chi tiết động tác, ngôn ngữ, nét biểu cảm trên khuôn mặt.

Có thể nói, mục đích cuối cùng của công tác đào tạo ở bất kì ngôi trường nào cũng là nhằm trang bị những kĩ năng cần thiết giúp học sinh, sinh viên có khả năng hội nhập và thích ứng với thực tiễn của đời sống xã hội khi ra trường. Đối với công tác đào tạo nghệ thuật múa thì kĩ năng nghề nghiệp lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi với múa mọi năng lực, kĩ năng đều hiển lộ một cách khách quan qua các động tác, kĩ thuật, phong thái và tư duy sáng tạo – đó là những tiêu chí nghệ thuật mà bất kì học sinh, sinh viên múa nào cũng phải trải qua.

Nếu nhìn hoạt động bề nổi, có thể thấy nghệ thuật múa hiện nay có tần suất hoạt động và phủ sóng ở hầu khắp các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội... Có thể nói, trong hầu hết các sự kiện, lễ lạt, kỉ niệm lớn, nhỏ của các ngành, nghề, cho đến các sự kiện trọng đại của đất nước đều có bóng dáng của các nghệ sĩ, diễn viên múa tham gia. Vậy nguồn cung ứng các nghệ sĩ múa đó từ đâu? Có lẽ không đâu khác ngoài đội ngũ học sinh, sinh viên hùng hậu của chính 3 cơ sở đào tạo này. Tiêu biểu, trong 2 show diễn thực cảnh thường kì phục vụ khách du lịch như “Tinh hoa Bắc Bộ” tại Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) thì phần lớn lực lượng diễn viên đòi hỏi kĩ thuật đều là học sinh – sinh viên của Học viện Múa Việt Nam. Hoặc trong show diễn thực cảnh “Kí ức Hội An” tại Công viên Ấn tượng Hội An, các diễn viên múa tham gia show diễn đảm nhiệm các vai diễn chính của vở đều được tuyển mộ khách quan, nghiêm ngặt, được trả thù lao khá cao đều là các học sinh – sinh viên tốt nghiệp ở 3 cơ sở đào tạo trên.

Điểm lại các cuộc thi chuyên ngành như thi tài năng biểu diễn múa, thi biên đạo trẻ, các cuộc thi do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức những năm gần đây thì các thí sinh trẻ đoạt giải cao như Thanh Hằng, Thái Phương Ngọc, Sùng A Lùng, Hoàng Thái Sơn... đều là các học sinh, sinh viên của 3 ngôi trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Học viện Múa Việt Nam và Trường Múa TP HCM.

Sự xuất hiện của học sinh, sinh viên múa trong các sân chơi nghệ thuật hay tại các cuộc thi chuyên ngành do Cục, do Hội tổ chức cũng là thời cơ để các em khẳng định vị thế, thương hiệu của cơ sở đào tạo, và đó cũng là cơ hội cho các em giao lưu, học hỏi, thể hiện bản lĩnh sân khấu, tăng cường khả năng thích ứng và hòa nhập với thực tế khi rời ghế nhà trường, tạo cơ hội tiếp cận và thăng tiến trong chuyên môn, nghệ thuật.

Còn đó nỗi lo

Nhìn lại trong các Cuộc liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc, toàn quân và nhiều sự kiện trọng đại của đất nước gần đây... rõ ràng không thể vắng bóng được các biên đạo mà tên tuổi đã được khẳng định trong làng múa như NSND Hữu Từ, NSND Kiều Lê, NSND Thu Hà, NSƯT Trần Ly Ly, NSƯT Tạ Thùy Chi... Điểm qua một số gương mặt nghệ sĩ múa như vậy, chúng ta đều nhận thấy rằng tất cả họ đều là những nghệ sĩ múa xuất thân từ 3 cái “lò đào tạo” múa danh tiếng này. Thành quả mà các nghệ sĩ múa gặt hái được cũng chính là những thước đo khẳng định uy tín và công lao của các thầy cô giáo đã dìu dắt họ trong những bước đi đầu tiên khi mới chập chững bước vào nghề. Chính những người thầy, người cô ấy là người đầu tiên gây dựng nền tảng, là người tạo bệ phóng và truyền thụ niềm say mê, yêu nghề cho các nghệ sĩ múa vững bước trên lộ trình nghệ thuật của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh những sự lạc quan, tươi sáng thì vẫn còn đó nhiều nỗi lo âu, trăn trở của các thầy cô giáo múa là phải làm sao nâng cao năng lực hơn nữa cho các học sinh, sinh viên múa trong xu thế hội nhập; là giải quyết từ khâu đầu vào cho đến đầu ra cho học trò khi tốt nghiệp; bởi vẫn còn biết bao học sinh – sinh viên múa khi ra trường còn bơ vơ, bộn bề trăm ngả bởi chưa có chốn dung thân; biết bao học sinh – sinh viên múa phải xoay sở đủ phương cách từ chạy show ngắn hạn đến kinh doanh nhỏ lẻ để đối phó với nỗi lo “cơm áo, gạo tiền” trong cái xã hội đầy rẫy những cạnh tranh, cám dỗ...

Rồi những nghệ sĩ múa bước đầu đã tìm được chốn nương náu cho nghề, bước đầu có cơ hội bộc lộ tài năng và nhiệt huyết với nghề vẫn canh cánh khôn nguôi nỗi lo “thất nghiệp” khi hết tuổi biểu diễn, khi sức khỏe không đáp ứng nổi những đòi hỏi khắc nghiệt của nghề múa.

Ngay cả đối với những nghệ sĩ sáng tạo, phần nào khẳng định tên tuổi vẫn phải đối mặt với muôn vàn nỗi lo làm sao cho khán giả không quay lưng lại với mình, làm sao để đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ngày càng đa dạng, phong phú trong cái guồng quay hội nhập đa phương của xã hội hiện đại. Đó là những thực trạng mà các nghệ sĩ múa phải đối mặt, và cũng là thực trạng mà những người thầy, người cô, những giảng viên nghề múa không thể ngoảnh mặt làm ngơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan nghề múa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO