Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng: Đam mê là lửa, khó khăn là gió

Việt Quỳnh (thực hiện) 17/03/2019 09:00

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (biệt danh Lekima Hùng) từng tham gia giảng dạy, và nói chuyện về nhiếp ảnh cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức hàng trăm chuyến chụp ảnh khắp mọi miền Tổ quốc, đồng thời cũng là cộng tác viên của nhiều tờ báo trong nước và quốc tế.

Với chiếc xe máy, Lekima Hùng đã vượt qua 7.000 km, qua 28 tỉnh thành ven biển, chụp lại 3.000 bức ảnh cùng một số thước phim tư liệu về rác thải nhựa, mỗi post ảnh trên Facebook đã nhận 4 triệu lượt xem và hàng chục ngàn lượt chia sẻ, quan tâm rất lớn của công chúng.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng: Đam mê là lửa, khó khăn là gió

Chân dung nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng).

Đại đoàn kết chủ nhật đối thoại cùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng. Anh kể:

“Tôi đến với nhiếp ảnh có lẽ do bị ngấm từ nhỏ lúc nào không hay. Từ thời học cấp 1, bạn học và là hàng xóm là con chủ một hiệu ảnh. Mỗi lần muốn rủ bạn đi chơi, tôi phải làm hộ mọi công việc, từ tô màu, làm bao bì hay cả rửa ảnh trong buồng tối. Đến khi đi làm, cách đây khoảng 20 năm, tôi đã có thể mua nhiều máy ảnh cho riêng mình và khi máy ảnh số phát triển tôi đã là quản trị diễn đàn nhiếp ảnh đầu tiên của Việt Nam mười mấy năm trước. Và Lekima chính là nick của tôi khi đó...

Vì sao anh có thể gắn bó với ống kính trong thời gian dài đến thế?

- Nếu ví niềm đam mê là những ngọn lửa, mọi khó khăn là những cơn gió, thì khi ngọn lửa đủ to, gió không những không dập tắt được nó, mà chỉ làm thổi bùng nó lên mà thôi. Tất nhiên trong những năm đầu tiên, cách biết nuôi dưỡng đam mê của mình cũng rất quan trọng.

Ngoài nhiếp ảnh, anh có làm những việc gì khác để nuôi dưỡng đam mê của mình?

- Tôi còn tổ chức các chuyến phototour đi khắp mọi miền Tổ quốc và nước ngoài nữa, các chuyến cho trẻ về thiên nhiên, và cũng có chút cổ phần ở công ty kinh doanh về yến sào.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng: Đam mê là lửa, khó khăn là gió - 1

Một số hình ảnh trong hành trình 7.000 km dọc bãi biển của Lekima Hùng.

Ý tưởng của anh về việc đi dọc Việt Nam để chụp những bức hình về nilon và rác bắt đầu như thế nào?

- Rác thải nhựa đã trở thành vấn nạn toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và đe doạ tương lai của nhân loại. Việt Nam đứng thứ tư thế giới về xả rác thải nhựa ra đại dương. Là người đã đi hết tất cả các tỉnh thành ven biển của đất nước do đặc thù công việc và đam mê của cá nhân, tôi nhận thấy môi trường nói chung và biển Việt Nam nói riêng đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng với tốc độ rất nhanh do rất nhiều nguyên nhân từ nhiều phía.

Một trong những nguyên nhân đó là do nhận thức của đa số người dân về môi trường biển và gìn giữ môi trường biển còn hạn chế. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã có lộ trình rõ ràng và những chương trình hành động mạnh mẽ để giảm rác thải nhựa, thì ở Việt Nam điều này chưa rõ ràng.

Chính vì thế, tôi muốn thông qua hành trình “Save our seas” đi dọc bờ biển đất nước để ghi lại và truyền tải những hình ảnh chân thực nhất về tình trạng rác thải nhựa, nhằm giúp mọi người có thể hình dung điều gì đang xảy ra và hậu quả sẽ ra sao nếu chúng ta không làm gì.

Thực sự tôi cũng phải cám ơn đất nước Phật giáo Bhutan, nơi năm 2017 tôi tổ chức phototour cho các anh chị học viên tới đây. Bhutan là đất nước duy nhất trên thế giới có chỉ số carbon âm, điều đó có nghĩa là Bhutan hấp thụ nhiều carbon hơn lượng carbon thải ra không khí.

“Hãy mơ cùng nhau một giấc mơ!” là lời thủ tướng Bhutan đã phát biểu tuyệt hay về chiến lược môi trường quốc gia của họ. Ở đó, được tận mắt chương trình “Bhutan vì cuộc sống”, tôi đồng cảm và hy vọng sẽ nhân rộng thành “Việt Nam vì cuộc sống”, “Trái đất vì cuộc sống”... Con người đang tự hủy hoại mình khi đang hủy hoại thiên nhiên. Và tôi cũng quyết định đi chụp rác chính trong chuyến đi này.

Anh đã chuẩn bị cho kế hoạch đó ra sao?

- Tôi đã để một năm để tìm hiểu về rác thải nhựa, về xử lý rác ở Việt Nam, về các nơi tôi sẽ đến và cả chuẩn bị tài chính cho chuyến đi nữa. Tháng 8/2018 là thời điểm tôi bắt đầu cuộc hành trình. Do vị trí xuất phát từ Hà Nội, tôi quyết định chia làm 2 chặng cho thuận đường. Từ đầu tháng 8 sang tháng 9: từ thủ đô tới Ninh Bình và từ đó bám theo đường bờ biển vào đất mũi Cà Mau. Sau đó, lại bám dọc biển tới Hà Tiên (Kiên Giang), giáp biên giới Campuchia rồi quay lại TP HCM và gửi xe đi máy bay trở ra Hà Nội. Trong tháng 12/2018, tôi đi tiếp từ Hà Nội xuống Nam Định và dọc biển của 3 tỉnh thành còn lại là Thái Bình, Hải Phòng (qua đảo Cát Bà) và Quảng Ninh tới mũi Sa Vỹ - địa đầu Tổ quốc.

Tôi chuẩn bị một chiếc xe máy đèo sau ba chiếc thùng gồm chủ yếu vật dụng cá nhân và đồ nghề máy ảnh. Do đi xe máy và vào địa hình phức tạp, có thể gặp mưa gió dễ ngã, tôi đã phải dùng hộp đựng đồ nghề chụp ảnh chuyên dụng, loại có khả năng chống va đập và chống nước. Kèm theo là flycam, máy quay chụp dưới nước nhỏ xinh (GoPro), đèn và các dụng cụ cần thiết khác.

Cũng do di chuyển xe máy nên ngoài áo bảo hộ, tôi vẫn dùng các bảo hộ cho chân, hơi nóng và vướng nhưng vì sự an toàn tôi vẫn mặc hàng ngày. Quần áo tôi chuẩn bị sẵn cho 7 ngày có thể giặt một lần. Đường đi nhiều đoạn khó khăn và di chuyển cả trên cát, nên ngoài đèn pin, túi sơ cứu tôi còn chuẩn bị một chiếc còi luôn đeo trên cổ, nếu không may bị làm sao có thể dùng nó cho đỡ mất sức khi phải kêu cứu.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng: Đam mê là lửa, khó khăn là gió - 2

Chặng đường anh đi diễn ra như thế nào? Có những khó khăn hay thuận lợi gì đã đến với anh?

- Trong chuyến độc hành này, tôi gặp những hôm mưa gió, đêm tối không có đèn đường phải đi qua những cung đường xấu, hoang vắng không bóng người, rủi ro bất trắc luôn rình rập. Rồi cả những lúc gặp nguy hiểm, khi đối mặt với các đối tượng đổ rác thải trộm, bị doạ đập máy ảnh…

Thậm chí cả bị ngã xe máy. Nhưng khó khăn nhất vẫn là việc vượt qua chính bản thân mình khi trong suốt một tháng rưỡi, mỗi ngày đều phải dậy rất sớm từ đế 5 đến 6 giờ sáng và đi quãng đường trung bình 200km, dừng lại rất nhiều điểm để chụp ảnh, tới tối, 18 đến 20 giờ mới nghỉ. Nhiều hôm quá mệt, về nơi nghỉ tôi chỉ kịp cắm sạc pin cho các thiết bị mang theo và để nguyên bộ đồ lên giường nằm ngủ.

Tôi đã cố hết sức để chụp tốt nhất, nhiều nhất, tìm hiểu được nhiều nhất từ người dân địa phương và cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ thật khó quên: Những người dân dẫn tôi đến những quán ăn ngon, chọn giúp nhà nghỉ hay thậm chí trả hộ tiền phà và mời về nhà nghỉ; nhiều anh chị em giúp đỡ tôi cả vật chất lẫn tinh thần; các cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin.

Trước khi lên đường, ông bạn tôi đã thiết kế cho cái logo của chuyến đi, nó sẽ không chỉ còn là logo của chuyến đi nữa, tôi cũng đã có dự tính làm những điều liên quan tới rác thải nhựa trong tương lai. Qua đây cho tôi xin chân thành cám ơn tất cả mọi người!

Bí quyết để anh có được những tấm hình làm cho nhiều người “sốc” khi xem?

- Xin chia sẻ một trong những bí quyết: để có thể đi tới một cái đích nào đó trong nhiếp ảnh mà người anh của tôi đã chia sẻ cho tôi khoảng 10 năm trước (và đó cũng là tiêu đề bài báo trên tạp chí Nhiếp ảnh tôi viết về anh khi đó - phóng viên huyền thoại Nick Ut): Phải hiểu kỹ những gì mình chụp! Tôi cho rằng hình ảnh có khả năng truyền tải cảm xúc mạnh mẽ đến người xem bởi tính chân thật và thông tin chứa đựng trong đó. Tôi đã nghiên cứu kỹ về rác thải nhựa, đồng thời cố chờ thời điểm hoặc tìm cách trình bày ấn tượng hơn tới người xem. Như có bãi biển với những gốc cây toàn rác, tôi đã phải chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ, thậm chí ăn lương khô buổi trưa ở chỗ rác đó để rồi cuối cùng bắt gặp ba người phụ nữ cào ngao đi qua trong khung hình.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng: Đam mê là lửa, khó khăn là gió - 3

Anh nghĩ sao khi đưa ảnh toàn về rác và nilon lên, lập tức nhận được hàng chục ngàn chia sẻ và những tương tác?

- Thực sự thì tôi cũng bất ngờ khi một post chia sẻ ở một group facebook thôi cũng có hơn 4 triệu lượt xem và hàng chục ngàn chia sẻ. Chưa nói tới các phương tiện khác như báo chí và truyền hình. Các cơ quan báo, đài và tất cả mọi người đã cho tôi cơ hội lan tỏa những bức ảnh đó. Nếu có thể coi những bức ảnh đó là lời kêu cứu từ đại dương thì tôi rất mừng. Tôi hy vọng hơn vào tương lai.

Từ đó đã thôi thúc anh trở thành một “Đại sứ môi trường”?

- Tôi là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp muốn đóng góp phần nhỏ vào việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về thực trạng ô nhiễm môi trường, qua đó thúc đẩy sự thay đổi tích cực để bảo vệ môi trường thông qua khả năng chuyên môn của mình. Còn lại, tôi thực sự chưa quan tâm nhiều đến điều này. Nhưng nếu làm để biển Việt Nam được sạch hơn, bảo vệ tốt hơn thì tôi cũng sẽ sẵn sàng.

Dự định của anh trong thời gian tới cho môi trường và cho hoạt động nhiếp ảnh?

- Năm 2019 ngoài rác thải nhựa, tôi sẽ đi tới nhiều hòn đảo để chụp tiếp. Tôi cũng sẽ triển lãm ảnh tại Hà Nội vào 6/2019 và muốn có nhiều dịp làm các triển lãm ảnh, các buổi nói chuyện truyền cảm hứng bảo vệ môi trường với học sinh, sinh viên trong cả nước. Bởi tuổi trẻ chính là tương lai. Tôi cũng muốn ra một cuốn sách kể chi tiết hơn về cuộc hành trình của mình cùng những bức ảnh.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng: Đam mê là lửa, khó khăn là gió

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO