Văn hoá đường phố: Trong cuộc sống đương đại

Uyên Nguyễn 03/06/2019 08:00

Nằm trong chuỗi hoạt động của cuộc thi thiết kế và làm video Creative Hunter 2019 do các sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức, vừa qua buổi workshop với chủ đề “Văn hóa đường phố: Nét truyền thống và hiện đại” đã được tổ chức.

Văn hoá đường phố: Trong cuộc sống đương đại

Bà Quyên chia sẻ về văn hóa Việt Nam trong buổi workshop.

Theo đó, qua buổi trao đổi, các bạn trẻ có cái nhìn đa chiều về văn hóa đường phố trong cuộc sống đương đại, từ đó có những cảm hứng sáng tạo tạo nên những tác phẩm của chính mình. Buổi workshop gồm 3 phần chính, trong đó 3 phần đầu xoay quanh chủ đề văn hoá đường phố, bao gồm Triển lãm nghệ thuật về văn hóa đường phố và talkshow về chủ đề văn hoá đường phố.

Tại buổi workshop, với nhiều năm kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa, đặc biệt là các sự kiện dành cho các bạn trẻ, bà Nguyễn Lệ Quyên – Đại diện Trung tâm Văn hóa Hà Nội, đã mở đầu buổi trò chuyện bằng những chia sẻ rất chi tiết với các bạn sinh viên về văn hóa Việt Nam và những ảnh hưởng của nó đến thế hệ các bạn trẻ hiện tại.

Bà Quyên cho rằng, việc các bạn trẻ quan tâm và tìm hiểu về văn hóa là rất quan trọng. Bởi nó không chỉ đơn giản là mang đến kiến thức và nền tảng văn hóa cho các bạn mà nó còn là kĩ năng, là yêu cầu bắt buộc khi các bạn đi làm, đặc biệt là các bạn làm việc trong lĩnh vực truyền thông.

Bà Quyên chia sẻ: “Tôi rất thích một định nghĩa về văn hóa mà tôi nghĩ rằng thông qua định nghĩa đơn giản này, các bạn có thể hiểu được văn hóa là gì. Đó là văn hóa được bắt nguồn từ chữ La tinh “Cultus” mà nghĩa gốc là gieo trồng, được dùng theo nghĩa Cultus Agri là “gieo trồng ruộng đất” và Cultus Animi là “gieo trồng tinh thần” tức là sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người”.

Cũng theo bà Quyên, nhà triết học Anh Thomas Hobbes đã từng nói: “Lao động dành cho đất gọi là sự gieo trồng và sự dạy dỗ trẻ em gọi là gieo trồng tinh thần”. Vậy chúng ta có thể hiểu rằng văn hóa là bao gồm tất cả những sản phẩm của con người. Do đó, văn hóa bao gồm cả hai khía cạnh gồm phi vật chất của xã hội như ngôn ngữ, tư tưởng, giá trị và các khía cạnh vật chất như nhà cửa, quần áo, các phương tiện…

Cả hai khía cạnh cần thiết để làm ra sản phẩm và đó là một phần của văn hóa. Con người có khả năng hình thành văn hóa và với tư cách là thành viên của một xã hội, con người tiếp thu văn hóa, bảo tồn nó đồng thời truyền đạt nó từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở Việt Nam, chúng ta có một nền văn hóa phong phú và đa dạng trên tất cả các khía cạnh, người Việt cùng cộng đồng 54 dân tộc có những phong tục đúng đắn, tốt đẹp từ lâu đời, có những lễ hội nhiều ý nghĩa về sinh hoạt cộng đồng, những niềm tin bền vững trong tín ngưỡng, sự khoan dung trong tư tưởng, giáo lý khác nhau của tôn giáo, tính cặn kẽ và ẩn dụ trong giao tiếp truyền đạt của ngôn ngữ, từ truyền thống đến hiện đại của văn học, nghệ thuật.

Cũng trong buổi trò chuyện, ông Hoàng Anh – Giám đốc sáng tạo trang fanpage Cổ Động đã có những chia sẻ với các bạn trẻ về những điều các bạn cần phải làm khi tìm hiểu về văn hóa đặc biệt là khi khai thác chủ đề văn hóa đường phố. Ông Hoàng Anh cho rằng, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của toàn cầu hoá và thế giới phẳng. Đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì sự đảo lộn và thay đổi các giá trị văn hoá đang là một vấn đề rất lớn của xã hội. Thế hệ mới được nuôi dưỡng cũng bởi văn hoá tiêu dùng và mang tính thời điểm, đến rất nhanh và đi cũng rất nhanh. Cuộc sống công nghiệp hóa, đô thị hóa ồn ào, nên những giá trị văn hoá đặc biệt là văn hoá truyền thống đôi khi không còn thích hợp với số đông. Chỉ có một bộ phận lớn tuổi ở vùng nông thôn là thấy hợp, còn thanh niên đô thị và thế hệ Z thấy xa lạ. Vì vậy, số lượng công chúng của những loại hình văn hoá đó ngày càng ít. Đến lúc nào đó, có thể, nó chỉ còn trong bảo tàng. Văn hóa là như thế. Cái gì không còn thích hợp thì sẽ không được công chúng đón nhận và sử dụng.

Ông Hoàng Anh cũng đưa ra những lời khuyên cho các nhà truyền thông tương lai, mong muốn các bạn trẻ hay thay đổi tư duy của chính mình. Ở đó với các bạn trẻ muốn truyền thống tồn tại phải vận động, thay đổi để phù hợp. Trong quá trình tiếp biến văn hóa, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đang được đương đại hóa để phù hợp với đối tượng công chúng mới, đặc biệt là các bạn trẻ. Đó là một nhu cầu cần thiết. Đương đại hóa để phục vụ thị trường. Đó là thị hiếu. Những loại hình nghệ thuật khác cũng vậy. Bây giờ, người ta hay nói đến chuyện truyền thống “mix” đương đại. Mix ở đây là mix tư tưởng, phải hiểu thấu cái cổ truyền mới làm được hiện đại tốt. Đó là sự kết hợp giữa dân gian và ngôn ngữ đương đại để tạo thành một thứ ngôn ngữ ở giữa, gọi là dân gian đương đại, hay là một cái gì khác.

“Tôi nghĩ, dân gian đương đại là gì, mọi người cũng đang đi tìm. Dân gian chỉ là một phần nhỏ của truyền thống. Chúng ta có thể lấy cảm hứng từ truyền thống để thể hiện xã hội hiện đại, diễn tả thông điệp mà chúng ta muốn gửi gắm” – ông Hoàng Anh bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hoá đường phố: Trong cuộc sống đương đại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO