Vun đắp cho ước mơ giữ gìn bản sắc văn hóa Tà Ôi

Nguyễn Thị Sửu (Kê Sửu) (Bí thư Huyện ủy A Lưới) 30/07/2019 08:00

A Lưới sau hơn 40 năm thành lập và phát triển, nay thật sự đã hình thành một diện mạo mới. Nhờ vậy, đã mở ra niềm tin, động lực và hoài bão cho nhiều người dân vùng cao, nhất là thế hệ trẻ vươn lên học tập, tiếp thu kiến thức văn hóa, lĩnh hội tri thức nhân loại. Trong lớp trẻ, tôi đã gặp gỡ và chứng kiến hành trình của họ, có em Ra Pát Ngọc Hà.

Vun đắp cho ước mơ giữ gìn bản sắc văn hóa Tà Ôi

Ra Pát Ngọc Hà rất đam mê văn hóa dân gian dân tộc Tà Ôi.

Ra Pát Ngọc Hà sinh ngày 31/10/2000, dân tộc Tà Ôi, quê ở thôn A Đớt, xã A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Em đã tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018. Vốn có năng khiếu và rất đam mê văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Tà Ôi nói riêng, từ nhiều năm nay, em đều có mặt trong các chương trình biểu diễn, hội thi do trường THPT Hương Lâm, xã A Đớt và huyện A Lưới tổ chức. Nổi bật, hai năm gần đây (2018 – 2019), em thường xuyên nằm trong top đội hình được tuyển cử của huyện A Lưới để tham dự các Hội thi, Hội diễn nghệ thuật dân gian cấp tỉnh, cấp quốc gia: Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung tại Quảng Nam; Ngày hội diễn xướng dân gian các dân tộc Việt Nam khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên tại Lâm Đồng; Ngày hội thổ cẩm các Dân tộc Việt Nam ở Đăk Nông; Ngày hội giao lưu văn hóa Thể thao Du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam – Lào tại Thừa Thiên - Huế… Và, em đã có đóng góp đáng kể vào thành tích của tập thể khi đều đoạt các giải đầu (A và B) của Hội thi. Giải B ở các tiết mục Đệm sáo toát hát ru, Múa hát cha châp, Hòa tấu nhạc cụ,… giải A ở các tiết mục: Trình diễn trang phục, Hòa tấu, Vũ hội Aya koonh,…

Một trong những chuyến về cơ sở, tôi đã ghé thăm nhà em. Ngạc nhiên thay, em không những thành thạo với các điệu dân ca (cha châp, ba boch, kar lơi, ri roi,…), các điệu dân vũ (ajưt, răm, pon,…), các điệu dân nhạc (chiêng, trống, tù và, khèn, sáo, đàn… thuộc các bộ gõ, dây, hơi) mà còn biết chế tác các loại sáo, đàn. Khi hỏi về ý nghĩa và mục đích sử dụng của từng loại ca, nhạc, vũ dân gian được em trình bày một cách say sưa và khá chuẩn xác, luôn nhận được cái gật đầu động viên, ủng hộ của những người lớn, nghệ nhân xung quanh. Em nói về dân ca rằng: “Ba Boch là điệu dân ca đặc trưng nhất của người Tà Ôi, dùng cho cả nam và nữ, hát về nhiều nội dung như Boch nhim (khóc, than thân trách phận, tự an ủi mình hoặc nhắn nhủ mọi người); boch chi ronh (dùng những lời hay ý đẹp để khen ngợi người mình thương, nói lên tâm tư tình cảm, giao duyên nam nữ, trai gái tìm hiểu nhau); boch pasear yang (gọi hồn, cầu an, kể về các hành trình xuống trần cứu người của các vị thần linh); boch ntói ira (trích các câu hát trong truyện cổ).

“Kar Lơi” là thể loại hát đối đáp giàu tính triết lý, dành cho các vị già làng, trưởng bản, trưởng gia tộc, trưởng dòng họ và những người lớn tuổi trong thôn bản, có kinh nghiệm sống để truyền cảm, thắt chặt quan hệ cộng đồng, tỏ ý khuyên răn thế hệ trẻ hãy chăm lo cuộc sống, siêng năng lao động. “Cha Châp” có thể dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Người lớn tuổi hát lên điệu cha châp để giáo dục luân thường đạo lý cho con cái, gia đình hoặc phê phán những thói hư tật xấu trong cộng đồng, xã hội. Còn trai gái Tà Ôi khi đến tuổi trăng tròn mượn điệu hát này để nói lên lòng mình, bày tỏ tình cảm cho người yêu vào những dịp Rayok, đi nương rẫy... “Ri roi” là điệu hát dành cho đàn ông, thường dùng trong đám ma, lễ cải tang (nhằm để tưởng nhớ, dặn dò, hát kể về những chiến công khi người còn sống, tiến đưa người mất về với ông bà tổ tiên). Và, còn có “Hát ru”, dân ca mới về ca ngợi Đảng, biết ơn Bác Hồ…”.

Vun đắp cho ước mơ giữ gìn bản sắc văn hóa Tà Ôi - 1

Em rất chịu khó quan sát và nghiên cứu cách chế tác các loại nhạc cụ. Nay, em đã có thể chế tác được các loại sáo làm từ nguyên liệu tre và nứa. Areng gồm 2 lỗ bấm và phải 2 người chơi, dài 1 gang tay (20cm); Tireel kakăl gồm 4 lỗ, dài 1 gang tay; Ahel gồm 3 lỗ, dài từ 1-3 gang tay; Toát dài 30cm, từ 3-5 lỗ; Toh âl loh gồm 2 lỗ cấm, dài 7 gang tay,… Các loại đàn như Ntrưl, Tappreh Alui, Abel, Pung pang, Nkrao, Nkoaiq, Tapplưng và các loại nhạc làm bằng sừng gồm tù và, karyok ayol. Những sản phẩm của em được đưa vào phục vụ dịp sinh hoạt văn nghệ dân gian của thôn, xã và huyện.

Với năng khiếu và đam mê như vậy, nhưng tại sao em không thi vào chuyên ngành sau tốt nghiệp THPT quốc gia? Em ngóng xa và nhìn tôi thành thật tâm sự: “Đó là mong ước ngày đêm của em nhưng gia đình khó khăn, ba mẹ em không đủ tiền cho em đi học xa. Dân tộc Tà Ôi còn nhiều giá trị văn hóa chưa được tìm kiếm nếu để lâu sẽ mất lối đi…”. Em nói một cách mộc mạc đáng trân trọng!

Thiết nghĩ, chàng trai 19 tuổi, có tài năng nghệ thuật dân gian và còn đại diện cho một trong những dòng họ hiếm của đồng bào Tà Ôi (họ Ra Pát) nếu không có điểm tựa để tiếp bước, đào tạo một cách bài bản và chuyên sâu thì thật là uổng tiếc. Với trách nhiệm một người lãnh đạo và cũng là người con miền núi, yêu bản sắc văn hóa các dân tộc ở mọi miền Tổ quốc, tôi luôn kỳ vọng chàng trai Tà Ôi ấy sẽ biến ước mơ thành hiện thực xanh tươi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vun đắp cho ước mơ giữ gìn bản sắc văn hóa Tà Ôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO