Giảm áp lực cho giáo viên

Lam Nhi 08/06/2021 09:49

Áp lực hồ sơ sổ sách vừa mất thời gian vừa không có tác dụng gì cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy ngoài việc phục vụ thanh - kiểm tra là vấn đề từ lâu đã được phản ánh trong ngành giáo dục. Thời gian qua, giáo viên tiếp tục phản ánh về việc phải soạn thảo giáo án/kế hoạch bài dạy theo mẫu tại Phụ lục IV, Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH mỗi tiết học lên đến gần chục trang giấy.

Đại diện Bộ GDĐT đã trả lời về việc khung kế hoạch bài dạy không phải là mẫu giáo án mà là những hướng dẫn, gợi ý để giáo viên xác định mục tiêu, nội dung và sản phẩm hoạt động học, tổ chức cho HS thực hiện để “Ra câu hỏi/lệnh” đúng, “trúng” vấn đề theo nội dung dạy học và đối tượng HS.

Vì vậy, kịch bản tổ chức các hoạt động trong bài học chỉ cần khoảng 2 -3 trang/tiết; một bài 2 tiết thì Kế hoạch bài dạy chỉ khoảng 3-5 trang. Nhưng thực tế ngay trong chương trình bồi dưỡng Chương trình giáo dục 2018 cho giáo viên đang tiến hành, với giáo viên bộ môn Khoa học tự nhiên lớp 6, mô đun 1, phần Phân tích kế hoạch bài dạy minh họa có 6 bài Kế hoạch bài dạy. Trong đó có 2 bài 11 trang/tiết; 2 bài 10 trang/tiết; 1 bài 9 trang/tiết; 1 bài 8 trang/tiết.

Thực tiễn và lý thuyết đã có những phần chưa tương xứng gây băn khoăn, lo lắng cho giáo viên là điều dễ hiểu!

Nhiều người nhìn vào nghề giáo thì công việc cụ thể là lên lớp, giảng bài, chấm bài cho học sinh, tương tác với gia đình của HS để trao đổi các nội dung liên quan, họp hành, thi đua… Riêng phần soạn giáo án, ai cũng hiểu là việc mỗi giáo viên cần làm để chuẩn bị bài trước khi đứng trên bục giảng.

Đâu đó có ý kiến chỉ cần chép lại giáo án năm trước có lẽ đã không thể đúng, ít nhất là với thời đại ngày hôm nay bởi thực tế, HS rất thông minh. Một tiết học không có gì đổi mới so với ngày này năm trước thì làm sao tạo được cảm hứng cho giáo viên, nói gì đến việc thu hút HS ngồi phía dưới. Chính vì thế, người viết bài này tin rằng việc soạn giáo án với những thầy cô tận tâm với sự nghiệp trồng người là việc làm quan trọng số 1 để có được những tiết học hấp dẫn, sinh động với học trò.

Điều này càng cần thiết khi giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, khi những bài học là “mới tinh”, thầy cô chưa bao giờ dạy thì dĩ nhiên phải nghiên cứu, tìm tòi trước khi đứng lớp. Hoạt động này không chỉ đơn thuần là viết ra kế hoạch một cách máy móc, thậm chí chép lại đâu đó (chẳng hạn kế hoạch bài dạy mua sẵn trên mạng) mà cần sự đào sâu suy nghĩ, tìm hiểu sao cho phù hợp với đối tượng HS mình đang giảng dạy.

Nhiều giáo viên tâm sự với chúng tôi rằng, cũng một bài học ấy nhưng năm nay chị được phân công giảng dạy lớp có nhiều HS học lực tốt thì phải dạy nâng cao hơn, nhưng mặt bằng chung của lớp yếu thì lại phải dạy chậm lại, thậm chí kèm cặp riêng cho những HS yếu kém để các em theo kịp các bạn trong lớp.

Ngược lại, những HS khá giỏi, yêu thích môn học thì có thể mở rộng vấn đề, giao thêm những câu hỏi khó để các em làm thêm ở nhà và cô sẽ chữa sau. Thậm chí, như giáo viên chủ nhiệm của con trai tôi chủ động đề nghị mỗi buổi con ở lại thêm 10’ sau giờ học so với các bạn để cô kèm thêm vì con làm bài rất ẩu, tính nhẩm thì đúng nhưng đặt bút viết lại sai… Cặm cụi như thế hơn một học kỳ, tính thiếu tập trung, làm ẩu của con trai tôi đã cải thiện thấy rõ!

Tất cả những thao tác ấy hầu như không thể hiện trên giáo án mà phụ thuộc vào tâm, tầm của người thầy.

Vì vậy, nên chăng đã đến lúc thay đổi những sổ sách vốn chỉ là áp lực về mặt hành chính khiến thầy cô vất vả, khổ sở để “đối phó” cấp trên, thay vào đó là những đầu tư thực chất cho việc dạy và học. Như tìm thêm tài liệu cho tiết học, tham khảo giờ dạy online của đồng nghiệp qua nhiều trang web chuyên ngành hiện nay… Có như vậy, chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên là điều không cần phải bàn cãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm áp lực cho giáo viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO