Giảm áp lực cho giáo viên và học sinh

Thu Hương 08/04/2020 08:00

Trong bối cảnh chưa biết đến khi nào học sinh mới trở lại trường do diễn biến của dịch Covid-19 thì việc điều chỉnh nội dung dạy học của học kỳ 2 năm học 2019-2020 của Bộ GDĐT là rất cần thiết.

Giảm áp lực cho giáo viên và học sinh

Trong thời điểm dịch bệnh, việc điều chỉnh nội dung dạy học của học kỳ 2 là cần thiết.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), với nhiều kiến thức thuộc phần “tự học có hướng dẫn”, học sinh không được bỏ qua mà cần có phương pháp tự đọc, tự nghiên cứu, thực hiện bài tập… để bổ sung kiến thức, nhất là học sinh lớp 12 chuẩn bị thi THPT Quốc gia.

Theo dõi hướng dẫn tinh giản chương trình phổ thông của Bộ GDĐT vừa ban hành, nhiều ý kiến đồng tình bởi về việc tinh giản được xây dựng cụ thể, chi tiết cho từng môn học của từng lớp học từ lớp 1 đến lớp 12.

Cụ thể, đối với cấp tiểu học, việc tinh giản nội dung chương trình được hướng dẫn cụ thể theo từng tuần dạy học của chương trình, để đảm bảo các nhà trường thuận lợi trong triển khai việc thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước. Cô Trần Thu Hoa, giáo viên môn Tiếng Việt - Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, nội dung giảm tải môn Tiếng Việt khối Tiểu học giúp giáo viên chủ động hơn trong việc dạy theo chủ đề, học sinh dễ ghi nhớ. Các nội dung kiến thức trọng tâm vẫn giữ nguyên, học sinh vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng hiện hành.

Về dung lượng kiến thức, số lượng nội dung lược bỏ hoàn toàn không nhiều chủ yếu hướng đến gộp các bài dạy cùng chủ đề, nhiều phần kiến thức học sinh tự thực hành ở nhà để rèn tinh thần tự giác học bài.

Với những nội dung tinh giản này hầu như sẽ không có ảnh hưởng nhiều về mặt kiến thức, ngược lại, giáo viên sẽ chủ động hơn trong việc dạy theo chủ đề, không bị tách thành các tiết nhỏ, không liền mạch (ví dụ như những bài tập làm văn về văn kể chuyện); Học sinh cũng sẽ dễ dàng ghi nhớ kiến thức, cách làm những bài chính tả được dạy gộp vừa giúp tiết kiệm thời gian vừa giúp học sinh đơn giản hóa những nội dung kiến thức đã học.

Trong khi đó, với môn Toán cấp THCS, cô Nguyễn Thị Ngọc Hà, giáo viên trường THCS Lê Lợi, quận Hà Đông, TP Hà Nội phân tích, môn Toán đã giản lược ở phần hình học không gian, phần hình học thẳng, cung chứa góc, góc tạo bởi tia tiếp tuyến và dây cung. Ngoài ra, nội dung về công thức nghiệm đã được thu gọn, điều này là hợp lý bởi học sinh chỉ cần nhớ một công thức, không cần nhớ nhiều dễ bị rối.

Với nội dung điều chỉnh chi tiết hiện nay, khi trở lại trường cả cô và trò sẽ giảm tải được rất nhiều áp lực về thời gian dạy sao cho không phải nhồi nhét kiến thức “cho bằng hết” như lo lắng trước đó của nhiều giáo viên. Tuy nhiên, một vấn đề khác đặt ra là làm sao để các em học sinh nhanh chóng bắt kịp lại với nhịp độ học tập do thời gian nghỉ học quá dài ngày, nhất là những học sinh cuối cấp. Bởi không giống như sau kỳ nghỉ hè, học sinh sẽ bắt đầu vào năm học mới chứ không phải ngay lập tức “tất bật” với kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10 hay xét tuyển đại học, cao đẳng… đầy căng thẳng.

Vì vậy, ngay từ bây giờ học sinh vẫn cần thường xuyên ôn luyện bài tập dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo thông qua hình thức học trực tuyến và học trên truyền hình, tự học và ôn tập với sự quan tâm, chỉ bảo của gia đình, nhất là ở khối tiểu học chưa được rèn nhiều về việc tự học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm áp lực cho giáo viên và học sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO