Giảm áp lực cho học sinh

HOÀNG NGÂN 17/04/2022 07:41

Một số liệu thống kê mới đây cho thấy, có tới ba triệu trẻ em Việt Nam cần chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Sau những câu chuyện buồn liên quan đến việc một số học sinh tự tử hồi cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua, mới đây, lại thêm một học sinh có ý định nhảy lầu tự tử. Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, hôm 12/4, lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn chặn và cứu một nam sinh học lớp 9 có ý định tự tử từ tầng 19 tòa nhà Licogi 13 (đường Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội).

Quá trình giải cứu, lực lượng cứu hộ đã phải dùng đến nhiều biện pháp, trong đó có đu dây xuống tầng 19 để kịp thời ngăn cản nam sinh tự tử. Vào thời điểm đó, nam sinh đang cầm dao cố thủ ở ban công, trong trạng thái căng thẳng, hoảng loạn và có ý định nhảy lầu. Qua tìm hiểu được biết, nam sinh này sinh năm 2007, hiện học lớp 9 tại một trường thuộc địa bàn Hà Nội. Nguyên nhân ban đầu được cho là học sinh này bị áp lực dẫn tới ý định tự tử.

Từ câu chuyện này, kết hợp với những câu chuyện học sinh tìm tới cái chết để chấm dứt những áp lực trong thời gian qua, cho thấy, đã đến lúc nhà trường, gia đình và xã hội cần nhanh chóng thực hiện những biện pháp giải tỏa áp lực với tuổi học đường. Bởi ngoài những vụ việc thương tâm trên, gần đây tình trạng bạo lực học đường, học sinh bị trầm cảm cũng có xu hướng gia tăng.

Một số liệu thống kê mới đây cho thấy, có tới ba triệu trẻ em Việt Nam cần chăm sóc sức khỏe tinh thần. Theo khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có 330 trẻ ở vùng Tây Bắc có ý định tự sát, trong đó 70 trẻ đã tử vong.

Hai trong số các nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tổn thương tâm lý trẻ em đã được chỉ ra đó là áp lực học tập và kỷ luật khắc nghiệt của gia đình. Bên cạnh đó, là những tác động tiêu cực từ xã hội, từ mạng Internet, sự thờ ơ không quan tâm, thiếu kỹ năng làm cha mẹ cũng là những nguyên nhân liên quan đến tình trạng tổn thương tinh thần của trẻ.

Đồng hành và hãy giảm áp lực cho con trẻ! Điều này một lần nữa được đặt ra và cần phải thực hiện sớm, nghiêm túc, bài bản và khoa học. Bởi sau hơn hai năm dịch bệnh, trẻ em không được đến trường, đã gây ra những đứt gãy tâm lý mà người lớn khó có thể đo đếm được. Ở lứa tuổi ham vận động, thích giao lưu tương tác với bạn bè, đã bị hạn chế và kiềm tỏa trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, khi “bó gối” ở nhà, những áp lực từ cha mẹ, những câu chuyện khó khăn trong mỗi gia đình, hay trẻ tiếp cận với các hội nhóm xấu độc trên mạng đã khiến “vùng xám” trong tâm trí trỗi dậy khiến các em có cách hành xử manh động hơn.

Chính vì thế, việc cho học sinh được trở lại trường học trực tiếp là vô cùng cần thiết. Nhưng ngành giáo dục cũng đừng vì thế mà thúc đẩy nhanh quá trình học tập theo kiểu tăng tốc, đốt cháy giai đoạn. Hãy tạo ra nhiều hình thức vừa học vừa chơi để các em làm quen nhau, giao lưu, giải tỏa tâm lý. Đừng vội bắt học sinh với những áp lực học tập mới, bởi điều đó dễ gây ra tâm lý tiêu cực.

Cùng với nhà trường, gia đình cũng là trụ cột quan trọng để đồng hành với con đi qua tuổi học đường nhiều giông bão. Nên giảm áp lực cho con, thay vào đó, theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ nên tăng thời gian quan tâm, trò chuyện và giữ kết nối trực tiếp với con càng lâu càng tốt. Chỉ có sự đồng hành rất tình cảm với con, mới có thể sớm phát hiện những biểu hiện bất thường, những sang chấn tâm lý mới nảy sinh và kịp thời có phương pháp phù hợp. Bởi ý kiến của nhiều bác sĩ uy tín cho thấy, một số trẻ em bị trầm cảm trong thời gian gần đây, khi đưa đến bệnh viện khám, điều trị đã có những dấu hiệu tăng nặng. Điều đó chứng tỏ cha mẹ chưa quan tâm đúng mức và không phát hiện kịp thời…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm áp lực cho học sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO