Giảm chứng chỉ cho giáo viên: Xu thế tất yếu

Minh Quang 03/06/2021 07:50

Xung quanh đề xuất của Bộ Nội vụ về việc loại bỏ chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức, trong đó có chứng chỉ liên quan đến chức danh nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo, đại diện Bộ GDĐT cho hay điều này hoàn toàn sát với thực tiễn.

Từ tháng 3/2021 trong thẩm quyền và trong quy định của pháp luật, Bộ GDĐT cũng đã chính thức bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên.

Bỏ chứng chỉ nghề nghiệp cho giáo viên cần triển khai càng sớm càng tốt. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Điều chỉnh giảm số lượng chứng chỉ

Ông Đặng Văn Bình- Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) chia sẻ, việc rà soát các chứng chỉ bồi đưỡng đối với công chức, viên chức của các Bộ, ngành thời gian vừa qua là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bộ GDĐT cũng đã có văn bản số 1242/BGDĐT-NGCB, ngày 31/3/2021 do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ký, báo cáo Thủ tướng về các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức ngành giáo dục.

Theo ông Bình, tại thời điểm này việc rà soát và có những điều chỉnh quy định về công tác bồi dưỡng, cấp và sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức của tất cả các ngành, lĩnh vực và việc làm cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển và đòi hỏi của thực tiễn. Sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, sự vào cuộc của các Bộ, ngành thời gian vừa qua cũng khẳng định cơ quan quản lý nhà nước các cấp đã thực sự cầu thị, nghiêm túc lắng nghe ý kiến phản biện của dư luận xã hội cũng như của các đối tượng trực tiếp chịu tác động của chính sách để xây dựng, điều chỉnh các chính sách đảm bảo vừa đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Việc rà soát quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đã được Bộ GDĐT chủ động triển khai và đề xuất với Bộ Nội vụ từ năm 2020. Cụ thể là trong quá trình góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP và xây dựng các thông tư thay thế các thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT/BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng đã 2 lần ký văn bản gửi Bộ Nội vụ đề cập đến nội dung này.

Tại thời điểm năm 2020, các ý kiến đề xuất của Bộ GDĐT đã được Bộ Nội vụ xem xét, nghiên cứu. Tuy nhiên, do các quy định của Luật Viên chức và Nghị định 101 nên chưa thể có điều chỉnh riêng với viên chức ngành giáo dục.

Dự kiến trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ GDĐT sẽ làm việc trực tiếp với Bộ Nội vụ về một số vấn đề liên quan đến chính sách tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức ngành giáo dục, trong đó sẽ trao đổi cụ thể hơn về các nội dung đề xuất nêu trên của Bộ Nội vụ để tiếp tục khẳng định sự đồng thuận từ phía Bộ GDĐT.

Dẫu thế, ông Đặng Văn Bình nhấn mạnh, với đề xuất hiện nay của Bộ Nội vụ thì không phải là sẽ bỏ hết quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên mà là điều chỉnh giảm số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.Với định hướng như vậy, nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ thì Bộ GDĐT sẽ sớm triển khai việc sửa đổi các các quy định tại chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên cũng như các quy định về thi/xét thăng hạng và chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Triển khai càng sớm càng tốt

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Tự Ân- Giám đốc Quỹ quốc gia đổi mới GDPT nhận định, việc thăng hạng giáo viên lâu nay là thực hiện theo qui trình ngược.

Theo đó giờ đây trong quá trình bồi dưỡng giáo viên, nên chuyển tối đa có thể được các chuyên đề trong “Tiêu chuẩn và trình độ đào tạo, bao gồm bằng cấp và chứng chỉ bồi dưỡng” sang nội dung quy định trong “Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ”.

Đặc biệt, việc bồi dưỡng giáo viên để có kỹ năng thay SGK mới là rất hệ trong và thiết thực cho mọi giáo viên lúc này. Trong khi công cuộc đổi mới chương trình và SGK thường kéo dài gần 20 năm. Theo đó, nên lựa chọn và đưa các các modun bồi dưỡng thay SGK vào bồi dưỡng chứng chỉ hạng của viên chức là giáo viên.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng giáo dục phải thực học. Muốn biết trình độ tin học, ngoại ngữ của một người đến đâu, chỉ cần phỏng vấn, thực hành xử lý văn bản… trong một khoảng thời gian ngắn là rõ. Những chứng chỉ thi gấp rút nói thẳng ra nhiều nơi có thể mua được bằng tiền thì chất lượng ứng cử viên hẳn là một câu hỏi lớn mà nếu chỉ nhìn vào hồ sơ, có thể để lọt những ứng cử viên không đạt yêu cầu.

Ông Nhĩ kiến nghị: “Bỏ những chứng chỉ tin học, ngoại ngữ hay các chứng chỉ nghề nghiệp không cần thiết, mang tính chất hình thức sớm ngày nào tốt ngày đó. Điều này sẽ giúp giảm bớt thủ tục rườm rà, không cần thiết đối với công chức, viên chức. Thay vào đó là các yêu cầu nâng cao nghiệp vụ, cọ xát thực tế công việc đòi hỏi cần gì thì bổ sung nấy sẽ hữu hiệu hơn”.

Hiện việc bỏ các chứng chỉ không cần thiết với ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức nói chung, với nghề giáo nói riêng đang được dư luận đồng tình. Câu chuyện giữ hay bỏ chứng chỉ không chỉ là của Bộ Nội vụ mà cần sự vào cuộc của tất cả các Bộ ngành liên quan. Nhất là khi ngành giáo dục đã “đột phá” với quy định bỏ chứng chỉ ngoại ngữ tin học từ tháng 3/2021, nhiều ý kiến đã bày tỏ mong muốn các ngành khác cũng sớm bãi bỏ những quy định rườm rà, mang nặng tính hình thức này.

Từ bước đột phá của Bộ GDĐT, đã đến lúc chúng ta chấm dứt tình trạng máy móc và hình thức chủ nghĩa trong tuyển dụng, nâng hạng, bổ nhiệm khi chỉ căn cứ vào văn bằng. Đánh giá trình độ cán bộ phải căn cứ vào năng lực thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm chứng chỉ cho giáo viên: Xu thế tất yếu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO