Giảm chứng chỉ trong công tác cán bộ

Nguyên Khánh 20/03/2021 07:00

Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức chiều qua 19/3, Bộ Nội vụ cho biết, sẽ giảm tải chứng chỉ trong công tác cán bộ. Cụ thể, việc giảm tải các chứng chỉ bắt đầu từ việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành 4 thông tư không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Quang cảnh buổi họp báo, chiều 19/3 của Bộ Nội vụ.

Theo ông Trương Hải Long - Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ, hưởng ứng việc giảm tải chứng chỉ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có Thông tư số 18 quy định về chức danh của cán bộ, công chức viên chức thuộc lĩnh vực nông nghiệp cũng không cần dùng chứng chỉ ngoại ngữ và tin học. Đặc biệt, Bộ Nội vụ cũng đã có thông tư lấy ý kiến về việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức chuyên ngành văn thư thuộc Bộ Nội vụ.

“Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ tin học là chủ trương đúng đắn, tạo được sự đồng thuận của dư luận, chúng tôi đang gấp rút sớm ban hành Thông tư này” - ông Long cho biết.

Trả lời câu hỏi liệu có thông tư hướng dẫn chung trên toàn quốc về loại bỏ chứng chỉ ngoại ngữ tin học hay không? Ông Long chia sẻ, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức cuộc họp phối hợp giữa các bộ để sửa đổi các chứng chỉ này đảm bảo sự đồng bộ, công bằng cho công chức trong tất cả các ngành cũng như giảm tải về văn bằng, chứng chỉ cho cán bộ công chức.

Tuy nhiên đại diện Vụ Công chức viên chức cũng cho biết, bỏ chứng chỉ nhưng không có nghĩa là bỏ hai kĩ năng ngoại ngữ, tin học mà việc kiểm tra các kĩ năng này sẽ thực chất hơn.

Trả lời câu hỏi nhiều chứng chỉ chức danh nghề nghiệp như là những giấy phép con “hành” cán bộ công chức, viên chức khi thi thăng hạng chứng danh nghề nghiệp, đại diện Vụ Công chức viên chức cho biết, theo quy định của Luật Viên chức có quy định, viên chức được bổ nhiệm phải đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, phải có quy định chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Quy định là quy định chung, nhưng thực tế có những chức danh nghề nghiệp trước đây không có, trong trường hợp, cán bộ, công chức viên chức chưa có chứng chỉ này phải tham gia học để thi thăng hạng.

Tuy nhiên, trường hợp giáo viên tâm tư vì do một số thông tư của Bộ Giáo dục - Đào tạo có sự thay đổi gây ra những cách hiểu khác nhau.

“Tôi đánh giá cao Bộ Giáo dục-Đào tạo đã nhận ra vấn đề và đã có động thái giải quyết những vướng mắc liên quan đến chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giải quyết một phần tâm tư, vướng mắc của giáo viên” - ông Long nói.

Theo ông Trương Hải Long, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ có ý kiến nghiên cứu, sửa đổi căn cơ những vướng mắc liên quan đến chứng chỉ chức danh nghề nghiệp . Chứng chỉ gì, cần thi gì, học thì cần bổ sung thì sẽ phải bổ sung, nếu có rồi sẽ không học, không thi để tránh trùng lặp.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trước đây quy định trong Nghị định 18, sau đó là Nghị định 101. Trong Luật Công chức, Luật Viên chức cũng quy định vấn đề này. Năm 2019 Quốc hội cũng sửa 2 luật này, trong luật có nhiều điểm mới so với trước, đặc biệt là quy định về đào tạo cán bộ, công chức theo vị trí việc làm thì phải rà soát lại những vấn đề liên quan đến khung năng lực. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khi làm các văn bản liên quan đến những vấn đề cụ thể như quy định các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, hay bất kỳ nội dung nào, phải có nội dung quy định chuyển tiếp cho người phát sinh từ thời điểm ban hành thông tư.

“Khi làm các văn bản phải quan tâm điều khoản chuyển tiếp thì mới khả thi. Không thể để tình trạng người ta có chứng chỉ rồi lại đi học lại” - ông Thăng nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phải tổng rà soát lại toàn bộ, các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Cái nào dùng để bổ nhiệm, cái nào bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, cái nào tự nguyện, cái nào bắt buộc phải làm rõ. Vấn đề này sẽ phân cấp cho các bộ ngành chịu trách nhiệm sửa đổi cho phù hợp thực tiễn.

Không có văn bản nào quy định tuổi tối thiểu để bổ nhiệm

Về việc bổ nhiệm con gái Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc giữ chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khiến dư luận quan tâm, ông Nguyễn Duy Thăng cho biết, tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh lãnh đạo phải tuân theo Quy định 89 của Bộ Chính trị. Đây là quy định chung về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo... Nội dung này được giao cho cấp Tỉnh ủy có thẩm quyền quyết định về việc bổ nhiệm.

“Như vậy, phải tuân thủ theo Quy định 89 của Bộ Chính trị và các tiêu chuẩn của địa phương để xác định tiêu chuẩn cho chức danh Phó Giám đốc Sở ở đây là gì” - ông Thăng nói. Ông Thăng cũng giao Thanh tra Bộ Nội vụ rà soát, trao đổi lại với tỉnh Vĩnh Phúc xem tiêu chuẩn cụ thể của vị trí, chức danh này là gì.

“Giám đốc, rồi Phó Giám đốc Sở thì ngạch công chức tối thiểu là gì?” - ông Thăng nói và nhấn mạnh nếu chưa có quy định cụ thể của địa phương thì phải căn cứ vào quyết định của Bộ Nội vụ. Về thời gian công tác và tuổi bổ nhiệm có phù hợp, ông Thăng khẳng định, không có văn bản nào quy định tuổi tối thiểu để bổ nhiệm, chỉ quy định tuổi tối đa như số nhiệm kỳ, số năm công tác còn lại. “Không có quy định nào yêu cầu phải 50 tuổi, 40 tuổi mới được bổ nhiệm. Mà ta chỉ có quy định trần tuổi tối đa” - theo ông Thăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm chứng chỉ trong công tác cán bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO