Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói gì về việc thu phí xe vào nội đô?

Lê Khánh 30/10/2021 19:32

Chiều 30/10, trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết Online, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, mức thu phí xe vào nội đô dự kiến khoảng 50 nghìn đồng/ lượt.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin mức thu phí xe vào nội đô.

Mức thu hợp lý?

Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí và lưu lượng xe thu phí (được xác định dựa trên số liệu thu phí của Tổng cục đường bộ và đếm lưu lượng, dự kiến số lượng không đi vào khu vực thu phí...) dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng/lượt.

Tuy nhiên, theo nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm Thành phố. Dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng.

Ông Viện khẳng định: “Bản chất của loại phí này theo rà soát của chúng tôi là không trùng lắp với bất kỳ loại phí nào đang có. Sở đã xác định đối tượng thu phí ko bao gồm các loại xe vận tải hàng hoá, chỉ thu phí đối với vận tải hành khách, đặc biệt là xe cá nhân ko cần thiết đi vào vùng thu phí, đảm bảo không làm tăng chi phí xã hội”.

Bên cạnh đó, các đối tượng bị thu phí là các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông .

Các phương tiện được miễn phí: xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe Công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng, xe ô tô vận tải hàng hóa,...).Các đối tượng được giảm phí; xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, ...).

Việc thu phí phải đảm bảo tác động mạnh mẽ, nhằm thay đổi hành vi của người tham gia giao thông theo hướng tích cực, khiến người dân tự điều chỉnh lộ trình, hoặc chuyển sang phương tiện giao thông công cộng khi di chuyển vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Dự kiến áp dụng từ năm 2024

Thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND thông qua Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030" với 37 nhóm giải pháp đồng bộ kết hợp các biện pháp hành chính và kinh tế.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố, UBND Thành phố đã triển khai 28/37 nhiệm vụ. Kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung trong đầu tư theo quy hoạch, tỷ lệ đất giành cho giao thông tăng hơn.

Vận tải hành khách công cộng được mở rộng và nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến vành đai 1-2-3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh. Vành đai 4, vành đai 3 chưa được đầu tư.

Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ, theo như dự kiến. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt theo yêu cầu đề ra. Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp đặc biệt vào giờ cao điểm và các dịp lễ, tết tập trung đông người.

Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân theo Nghị quyết số 04217/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố, trong đó có “giải pháp thu phí phương tiện xe cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm hạn chế ùn tắc giao thông” là hết sức cần thiết.

Về lộ trình thực hiện thu phí vào nội đô, ông Viện cho biết, dự kiến HĐND TP thông qua Đề án: “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” tại kỳ họp cuối năm 2021 về loại phí và khung phí”.

Từ năm 2022-2023 sẽ hoàn thiện các điều kiện thu phí, xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí. Phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí.

Năm 2024 sẽ trình HĐND TP ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND TP quyết định trong năm 2024.

Bên cạch đó, điều kiện Pháp lý, xây dựng, hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan làm căn cứ pháp lý để thực hiện việc thu phí như Nghị quyết HĐND (xác định loại phí; phạm vi thu phí; mức thu phí; chính sách miễn giảm cho các đối tượng phải thu phí); kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành và HĐND - UBND Thành phố, quy định về quản lý phương tiện giao thông đường bộ; quy định về người đăng ký phương tiện giao thông, có trách nhiệm mở tài khoản và gắn các thiết bị thu phí không dừng; quy định về xử lý truy thu đối với lái xe không nộp phí và quy định về xử lý phạt đối với các đối tượng cố tình không nộp phí; trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, quản lý và vận hành việc thu phí và người nộp phí cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Sử dụng công nghệ thu phí các phương tiện giao thông trên phạm vi cả nước, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về phương tiện giao thông trên toàn quốc gắn với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để có thể thực hiện được thu phí không dừng và xử lý vi phạm bằng hình ảnh (phạt nguội) đảm bảo không ùn tắc giao thông tại khu vực thu phí.

Đảm bảo điều kiện về cơ sở hạ tầng và phương án quản lý thu phí: Lập dự án đầu tư xây dựng các trạm thu phí và xây dựng phương án tổ chức quản lý thu, chi và sử dụng nguồn thu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện việc đầu tư xây dựng theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói gì về việc thu phí xe vào nội đô?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO