Giảm nghèo bền vững

Trần Duy Hưng 14/01/2017 09:25

Ly hương, ly nông giờ đã không còn là chuyện lạ. Một phần do tốc độ đô thị hóa quá mạnh, phần khác còn là do thu nhập ở khu vực nông thôn thấp, khiến nhiều hộ gia đình nông dân gặp khó khăn. Khoảng cách nông thôn- thành thị bị kéo giãn. Đây không phải là những chuyện của riêng làng quê nào. Dời làng, tìm về thành thị hoặc những nơi có điều kiện phát triển hơn để mưu sinh là một thực tế, cần được nhìn nhận đúng để có hướng giải quyết.

Giảm nghèo bền vững

Ảnh minh họa.

Có một thực tế: nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa ở nước ta dẫu được ghi nhận đã có những thay đổi, phát triển nhất định nhưng cái nghèo, cái khó vẫn đeo bám nhiều gia đình. Không ly hương sao được khi mà nhiều làng xã vẫn chỉ độc canh cây lúa.

Không đi sao được khi hạn hán, lũ lụt vẫn thay nhau hoành hành. Giải pháp “ra đi” có thể giúp nhiều gia đình ở khu vực nông thôn hay những khu vực còn khó khăn khác cải thiện được thu nhập trước mắt, nhưng mặt khác tình trạng này đã và đang để lại cho xã hội quá nhiều hệ lụy...

Nói vậy để thấy rõ hơn: đẩy mạnh phát triển KT-XH khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện để người dân ở những khu vực này thoát nghèo, thoát một cách bền vững, hơn thế có thể có cuộc sống khá giả ở ngay chính làng quê, thôn bản của mình, để họ không muốn, không cần phải ly hương... bao giờ cũng cần, giờ đây càng cần.

Thực tế thì Nhà nước và xã hội chưa bao giờ lơ là nhiệm vụ có tính chiến lược này. Ngược lại, nhiều năm nay Nhà nước đã ban hành và kiên trì thực hiện nhiều chính sách phát triển những khu vực trên, mỗi khu vực lại có những chính sách riêng, đi liền là rất nhiều trí tuệ, tiền bạc thực hiện.

Hiệu quả thu được cũng rất lớn, cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất và dân sinh ở đây được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo nhờ vậy được giảm mạnh. Thành tích giảm nghèo nói chung của Việt Nam được cộng đồng thế giới ghi nhận...

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của các địa phương, vùng miền, rộng hơn là của cả nước đã thực sự bền vững hay chưa? Nhìn vào thực tế hiện nay thì chưa thể yên tâm về sự bền vững.

Đơn cử, lũ lụt liên tiếp ở miền Trung vừa qua gần như đã “xóa sổ” bao nhiêu nỗ lực, kết quả giảm nghèo ở khu vực này lâu nay. Tương tự, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, lũ không về đã và đang đẩy nhiều người dân ở đây vào tình thế người nghèo thì nghèo hơn, người đã thoát nghèo lại có nhiều nguy cơ tái nghèo.

Những chuyến xe đò chở người dân ở đây lên TP HCM, lên Bình Dương, Đồng Nai...kiếm kế mưu sinh mới do vậy đang nhiều hơn, chật chội hơn. Rõ nhất là, trước Tết Đinh Dậu này, có đến cả chục tỉnh vẫn phải đề nghị Chính phủ cấp gạo cứu đói cho dân.

Rồi, trước Tết này, như mọi Tết khác, Mặt trận Tổ quốc, rồi các tổ chức, hội đoàn khác lại đôn đáo khắp nơi, vận động cộng đồng chăm lo người nghèo ăn Tết. Đơn giản, trong xã hội những người nghèo khó vẫn còn nhiều quá, cần có sự chia sẻ, hỗ trợ của cộng đồng, dù chỉ là trong những ngày Tết...

Nói vậy để thấy, để xã hội bớt đi những cảnh đời “đến Tết trong nhà vẫn không có gì”, để giúp nhiều hộ dân ở khu vực nông thôn và các vùng miền còn nhiều khó khăn khác thoát nghèo, thoát một cách bền vững, để KT-XH ở những khu vực này phát triển một mặt rất cần nhà nước tiếp tục xây dựng, ban hành hệ thống các chính sách, mặt khác rất cần những chính sách phải có tính chiến lược, có tính động lực, phù hợp và hiệu quả.

Đơn cử, là nông dân thì phải gắn bó, sinh sống bằng ruộng đồng. Nhưng như đã biết, đời sống nông nghiệp nước ta lâu nay bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhất là tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, thiếu sự liên kết, phần nhiều trong số 11 triệu hộ nông dân trên cả nước hiện nay đang trong cảnh đơn độc trên thửa ruộng của mình.

Thu nhập thấp, bấp bênh khiến nhiều hộ nông dân không thể thoát nghèo bằng đồng ruộng. Điều họ cần hiện nay là các chính sách của nhà nước có thể giúp họ dễ dàng liên kết trong sản xuất, kết nối được với thị trường, sản phẩm của họ làm ra không bị ế ẩm, phải bán rẻ mạt; giúp nông thôn của họ kết nối được với thành thị, giúp nông nghiệp kết nối với công nghiệp để cùng phát triển, chia sẻ lợi ích.

Họ cũng mong những công trình nhà nước đầu tư phải phù hợp, phát huy hiệu quả, không phải nơi để cán bộ dự án lợi dụng xà xẻo. Ví như không thể làm con kênh kinh phí cả chục, trăm tỷ đồng nhưng khi ruộng đồng của họ cần kênh mương lại chẳng có nước; không thể có trạm bơm nhưng cứ đóng cầu giao hệ thống điện lại bị sập nguồn...

Ngày 12/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu tổng quát: “Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra”.

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình lên tới 48.397 tỷ đồng. Mong sao Chương trình sẽ được các bộ ngành, địa phương triển khai một cách hiệu quả, thực sự là động lực, cơ hội giúp nhiều người nghèo hiện nay thoát nghèo một cách bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm nghèo bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO