Giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Khanh Lê 20/05/2017 10:00

“Sau 1/4 thế kỷ với nhiều thành tựu phát triển con người ấn tượng, nhiều người vẫn bị bỏ lại phía sau, với nhiều rào cản mang tính hệ thống, khó lượng giá được, ngăn cản họ vươn lên bắt kịp các nhóm còn lại. Nhu cầu cấp thiết hiện nay của chúng ta là tập trung hơn nữa vào những đối tượng bị gạt ra ngoài lề và hành động nhằm xoá bỏ các rào cản này, đảm bảo phát triển bền vững cho tất cả mọi người”. Đây là phát hiện chính của Báo cáo phát triển con người 2016, với tiêu đề “Phát triển con người ch

Người dân Mường Nhé (Điện Biên) được hỗ trợ giống cây.

Nhiều thách thức

Theo Báo cáo phát triển con người 2016, chỉ số Phát triển con người HDI tổng quát của Việt Nam tăng 1% lên 0,683 và ở mức trung bình, xếp hạng 115 trên tổng số 188 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm trước.

Chỉ số này được cải thiện nhờ tăng trưởng GDP, chỉ số y tế ở mức cao trong khi chỉ số giáo dục tăng chậm hơn. Chỉ số IHDI - đo lường mức độ bất bình đẳng - cũng tương đối tốt, chênh lệch 17,8% so với chỉ số HDI, tốt nhất khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Báo cáo cho thấy mặc dù tiến bộ trung bình về phát triển con người được cải thiện trên mọi khu vực trên toàn cầu trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2015, nhưng 1/3 dân số thế giới vẫn tiếp tục sống với mức phát triển con người thấp, theo kết quả đo lường Chỉ số phát triển con người (HDI).

Theo UNDP, 2 nhóm bị tụt hậu ở Việt Nam là dân tộc thiểu số (DTTS) và người di cư từ nông thôn ra thành thị. Bất bình đẳng đối với DTTS là vấn đề dai dẳng, đã có cải thiện nhưng khoảng cách vẫn còn rất lớn. Trong khi nghèo thu nhập của toàn quốc là 7% thì tỉ lệ này ở DTTS là 23%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vị trí địa lý, hạn chế về cơ cấu, các định kiến xã hội về trao quyền, cơ hội và khả năng tiếp cận dịch vụ công.

“Người di cư thường không nghèo về thu nhập, nhưng nghèo đa chiều và có sự chênh lệch lớn giữa người di cư và người dân địa phương. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ cơ cấu thể chế và các phương án chính sách”, UNDP cho biết thêm.

Trong những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển DTTS của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Song Ủy ban Dân tộc cũng thừa nhận, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức mới có thể hoàn thành được mục tiêu đề ra. Kết quả thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ đối với DTTS đang còn cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước.

Nhiều chỉ tiêu liên quan đến xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thiếu đói, phổ cập giáo dục tiểu học, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, nâng cao sức khỏe bà mẹ, vệ sinh môi trường… ở các vùng đồng bào DTTS sinh sống còn thấp hơn tương đối nhiều so với kết quả ở các khu vực đồng bằng và đô thị.

Có một thực tế vẫn rất đáng quan tâm là ở các vùng DTTS tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm đến 47%, trong khi họ chỉ chiếm chưa đến 15% dân số cả nước, số hộ DTTS tái nghèo còn rất phổ biến... Theo ông Nguyễn Cao Thịnh- Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban Dân tộc), cả nước có 23,1% hộ DTTS và 13,6% cận nghèo.

“Nếu mỗi năm giảm bình quân 4% thì có 3 dân tộc phải 20 năm nữa (đến ngoài năm 2035 mới thoát nghèo; 14 dân tộc ít nhất 10 năm nữa (đến năm 2025) mới thoát nghèo và 10 dân tộc ít nhất 7 năm sau (đến năm 2020) mới thoát nghèo. Còn nếu mức độ giảm nghèo dưới 4% thì thời gian trên sẽ còn xa hơn”, ông Thịnh thông tin.

Đổi mới cách tiếp cận về chính sách

Báo cáo phân tích đánh giá thực trạng kinh tế-xã hội của 53 DTTS của Ủy ban Dân tộc cũng cho thấy, một số vấn đề thường thấy và nổi cộm ở các nhóm DTTS là kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết thống; Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ chưa được lưu tâm, mới chỉ có 64% các ca sinh được thực hiện tại các cơ sở y tế; tỷ lệ người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế thấp (chưa đến 45%); tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi còn thấp; Nữ giới thiệt thòi hơn nam giới về nhiều mặt, bao gồm cả tiếp cận giáo dục, việc làm; Việc tiếp cận cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc còn hạn chế; Gần 1/3 số hộ DTTS thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo…

Trước những tồn tại trên tại hội thảo: Thúc đẩy phát triển DTTS- Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Ủy ban Dân tộc tổ chức mới đây nhiều đại biểu cho rằng, cần luật hóa vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc trong hệ thống pháp luật quốc gia làm cơ sở thể chế hóa thành hệ thống chính sách; đổi mới cách tiếp cận và xây dựng chính sách cho vùng và DTTS đảm bảo yêu cầu khoa học và hiệu quả; thí điểm cơ chế Trung ương chỉ ban hành chính sách khung gắn với mục tiêu cụ thể cần đạt được và phân cấp cho địa phương tổ chức thực hiện chính sách để phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm và phù hợp, hiệu quả của các chính sách...

Còn bà Louise Chamberlain - Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam cho rằng, cần chú ý nhiều hơn nữa đến việc trao quyền cho các nhóm yếu thế nhất trong xã hội và thừa nhận tầm quan trọng của việc để họ tham gia nhiều hơn vào các quy trình hoạch định chính sách. Phân tích sâu sắc hơn để cung cấp thông tin quá trình hành động, bao gồm việc chuyển đổi theo hướng đánh giá thành tựu phát triển ở các lĩnh vực như cơ hội tham gia và quyền tự chủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Không để ai bị bỏ lại phía sau

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO