Giám sát bản kê khai tài sản đất đai

Việt Thắng 25/04/2017 07:00

Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng,chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết đã có 2.530 vụ án tham nhũng với 5.447 bị can đã bị khởi tố; số vụ truy tố là gần 3.000 vụ và số bị đưa ra xét xử vào khoảng 2.630 vụ. Tổng số tiền bị thiệt hại trong các vụ tham nhũng lên đến 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất.

Trong số này, cơ quan chức năng mới chỉ thu hồi được 4.676,6 tỷ đồng, chưa đầy 8% và trên 219 ha đất. Tham nhũng trong lĩnh vực đất đai lớn nhưng ngăn chặn xử lý lại quá ít so với thực tế khi tài sản được chuyển nhượng cho con cái, họ hàng, người thân một cách dễ dàng nên không thể thu hồi. Đây là vấn đề được đặt ra cho sửa đổi Luật, Phòng chống tham nhũng (PCTN) sắp tới sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.

Luật PCTN hiện hành quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chỉ phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Đây cũng là một kẽ hở để cho những cán bộ lợi dụng, đứng tài sản dưới tên bố hay người thân.

Theo nhiều chuyên gia, cần tập trung chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra PCTN trong một số lĩnh vực trọng điểm, như quản lý đất đai. Bên cạnh đó, tham nhũng có thể qua mặt cơ quan chức năng, nhưng khó qua mặt được nhân dân. Vì vậy cần tăng cường sự tham gia giám sát của người dân, toàn xã hội.

Nhiều người nói đất đai bây giờ chuyển cho con cháu, người thân hay họ hàng thì làm sao? nhưng những chuyện đó không thể qua được tai mắt nhân dân. Đứa con còn ít tuổi nhưng có nhiều tài sản về đất đai thì họ phát hiện được ngay. Hay cán bộ có bao nhiêu nhà cửa thì dân ở dưới cơ sở biết được hết.

Theo ông Lê Như Tiến- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, kê khai xong nhưng hầu như các bản kê khai đó cất vào tủ của những người quản lý nhân sự hoặc để ở một nơi nào rất khó kiểm soát, kiểm tra. Kê khai phải đi đôi với công khai và minh bạch, muốn minh bạch thì chúng ta phải quản lý được dòng tài sản, dòng tiền dịch chuyển như thế nào của mỗi cán bộ, công chức. Xác minh tài sản là một mặt, nhưng quan trọng nhất phải tìm ra nguồn gốc của tài sản đó.

Ông Tiến cũng cho rằng, chừng nào không kiểm soát được dòng tài sản dịch chuyển, mà nó là dòng dịch chuyển ngầm thì khi đó kê khai cũng chỉ để đấy. “Lâu nay tôi thấy cũng chưa xử lý trước pháp luật những ai kê khai không trung thực hoặc bị kỷ luật ở cấp này, cấp khác. Điều đó cũng thể hiện sự chưa nghiêm minh của chúng ta”- ông Tiến nói.

Còn ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, hiện nay cũng chưa có quy định nào để truy ngược xem xét nguồn gốc các khối tài sản đó. Do đó phải có cơ chế, quy định rất rõ để mà xem xét người con có tài sản nguồn gốc từ đâu? Đã nói kê khai tài sản thì mục đích kê khai để làm gì? Phải xem xét để giám sát kiểm tra xem kê khai có đúng không? Do đó cơ quan nhận được bản kê khai tài sản thì phải kiểm tra xác định xem số tài sản kê khai có đúng không.

Trong khi đó, ông Đỗ Đức Hồng Hà- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Dự thảo sửa đổi Luật PCTN tới đây cần tăng cường theo hướng tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng. Quan trọng là phải sửa Luật theo hướng những người có nguy cơ tham nhũng đều phải kê khai và công khai tài sản tại nơi làm việc, tại nơi cư trú để những người cùng đơn vị, những người cùng nơi sinh sống biết được tình hình tài sản cũng như sự biến động về tài sản của người đó. Trên cơ sở đó dư luận sẽ theo dõi, giám sát, phát hiện những biểu hiện nghi ngờ liên quan đến tham nhũng để báo cho các cơ quan có thẩm quyền.

Cũng theo ông Hà, việc sửa Luật PCTN nên tập trung vào những đối tượng là người thân của những người có nguy cơ tham nhũng. Những người này cũng phải kê khai tài sản của mình để tránh tình trạng tài sản tham nhũng được chuyển dịch hoặc lấy tên của người thân. Đặc biệt phải sửa Luật theo hướng quy định tất cả các tài sản phải được đăng ký đúng tên người sử dụng, sở hữu.

“Ví dụ anh mua một chiếc ôtô nhưng không thực hiện sang tên, khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp vi phạm tái diễn, sẽ bị coi là phạm tội, bị đưa ra xử lý trước pháp luật”- ông Hà đưa ra phân tích, đồng thời cho rằng, trường hợp kê khai không đủ, không đúng sẽ buộc phải bổ sung, giải trình. Giải trình không thỏa đáng, có thể bị tịch thu tài sản kê khai không thỏa đáng, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát bản kê khai tài sản đất đai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO