Giám sát bữa ăn học đường: Phụ huynh vào cuộc

Thu Hương 24/03/2019 07:30

Từ những vụ ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn bán trú xảy ra thời gian qua cho thấy lỗ hổng trong quy trình kiểm tra, giám sát việc đưa thực phẩm vào trường học nói riêng và các bếp ăn tập thể nói chung. Nhà trường cũng phải tham gia giám sát, và cũng rất cần sự giám sát của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Hơn ai hết, giáo viên và phụ huynh chính là những “mắt xích” quan trọng nhất trong vấn đề này.

Giám sát bữa ăn học đường: Phụ huynh vào cuộc

Cần giám sát chặt chẽ việc đưa thực phẩm vào nhà trường.

Để phần nào nắm được bữa ăn học đường của con được thực hiện ra sao, có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, phụ huynh cần thay phiên nhau kiểm tra (cả theo lịch đặt trước, cả kiểm tra đột xuất).

Sát sao với từng bữa ăn

Chị Kim Ngân (402 A1D1, KĐT Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, qua thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ từ bữa ăn bán trú ở trường của các con, chị cảm thấy rất hoang mang. Mặc dù không có thời gian để ở trường của con nhiều, nhưng chị thường xuyên đối chiếu thông tin về thực đơn hàng ngày ở trường và các món con ăn thực tế qua camera và lời kể của con gái. “Tôi hỏi con ăn ở trường có thích không, hay là trưa bà đón về ăn? Con luôn luôn trả lời là cơm ở trường rất ngon, con thích đi học. Con còn nhớ được thực đơn hôm nào có bún bò Huế, hôm nào thịt kho trứng cút, canh rau mồng tơi... Chứng tỏ, nhà trường đã “ghi điểm” trong mắt con ở bữa ăn” – chị Ngân nói.

Là phụ huynh có con học tại trường mầm non Phạm Tu (Thanh Trì, Hà Nội), chị Phạm Hải Lý (P403, ct16, KĐT Hồng Hà, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết tuần qua, nhóm chat của phụ huynh trong lớp nóng nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi thời gian con ở trường nhiều hơn ở nhà, số bữa ăn ở trường là từ 3-4 bữa trong khi ở nhà chỉ có 1 bữa tối nên tất nhiên chị rất quan tâm đến việc ăn ở trường có đảm bảo sạch sẽ, an toàn và đủ dinh dưỡng hay không. Vì lớp không có Ban đại diện phụ huynh nên một số phụ huynh có thời gian hẹn nhau gặp Ban giám hiệu để hỏi chi tiết về bữa ăn của các con. Nhà trường đã cung cấp đầy đủ thông tin về đơn vị cung ứng nguyên vật liệu cho trường, quy trình tiếp nhận, chế biến thức ăn... đều đúng theo quy định của Bộ Y tế và cũng cho biết: nhà bếp luôn luôn mở cửa để các phụ huynh vào kiểm tra đột xuất không cần báo trước... nên cũng phần nào giúp bố mẹ yên tâm hơn về bữa ăn của các con.

Đã đúng quy trình?

Trên thực tế, ở nhiều trường, khi cánh cổng trường khép, không ai biết bữa ăn của các con được tổ chức ra sao. Nhà trường không có cơ chế để phụ huynh kiểm tra, thậm chí là trải nghiệm thực tế bữa ăn của các con. Hoặc nếu có, cũng là những buổi kiểm tra được báo trước, nặng về tính trình diễn của nhà trường với các bậc phụ huynh, với đoàn kiểm tra... Chẳng thế mà một số vụ việc được phát hiện đều là khi phụ huynh “đột nhập” vào trường bằng cách mang thuốc cho con, xin đón con về sớm... Hầu như không có nhà trường nào tự phát hiện thực phẩm “có vấn đề” để thay đổi nhà cung cấp khác...

Đơn cử như vụ việc hơn 200 trẻ xét nghiệm bị nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh được phát hiện trong tuần qua, một câu hỏi lớn đặt ra là thời gian qua, các nhà trường thực hiện bữa ăn bán trú đã tuân thủ đúng quy trình từ khâu đưa thực phẩm vào trường học đến khi chế biến bữa ăn cho trẻ hay chưa?

Giám sát bữa ăn học đường: Phụ huynh vào cuộc - 1

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Bộ Y tế đã ban hành quy định xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể cho những đơn vị làm dịch vụ này. Các trường học tổ chức ăn bán trú cho trẻ đều phải có hồ sơ, chứng minh đủ các điều kiện theo thông tư số 15/2012/TT-BYT và Thông tư 30/2012/TT-BYT quy định. Sau đó nộp hồ sơ về Phòng, Sở GDĐT, cơ quan y tế để thẩm định hồ sơ, cử đoàn về kiểm tra. Nếu đủ điều kiện thì được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong quá trình tổ chức bếp ăn tập thể cho học sinh, các nhà trường tuân thủ quy tắc 1 chiều gồm: 1. Khu vực kho; 2. Khu tiếp nhận nguyên liệu; 3. Khu sơ chế, chế biến thực phẩm chín; 4. Khu ăn uống.

Đặc biệt, Thông tư quy định, các bếp ăn tập thể phải lấy nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng. Như vậy, các trường bắt buộc phải mua nguyên liệu ở nơi có hóa đơn chứng từ, tức là từ các công ty cung cấp thực phẩm có tư cách pháp nhân, được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm…

Như sự việc tại Bắc Ninh, vì Trường mầm non Thanh Khương không lưu giữ lại thực phẩm đúng quy định nên mẫu thịt lợn nghi bị nhiễm sán mà phụ huynh phản ánh không còn để gửi đi xét nghiệm.

Huy động Ban phụ huynh cùng giám sát

Từ những vụ ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn bán trú xảy ra thời gian qua cho thấy hiện đang có lỗ hổng trong quy trình kiểm tra, giám sát việc đưa thức ăn vào trường học nói riêng và các bếp ăn tập thể nói chung. Bởi theo bà Trần Việt Nga (Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), cam kết hay là giấy chứng nhận là những cơ sở ban đầu. Ban đầu có thể họ làm tốt, đạt tiêu chuẩn để cấp các hồ sơ giấy tờ, nhưng sau này có thể lại vi phạm. Vì vậy, cần chú trọng vào kiểm soát quy trình: nguồn nguyên liệu ở đâu, cơ sở nào cung cấp, chất lượng ra sao. Nhà trường cũng phải tham gia giám sát, mỗi trường học/nơi sử dụng bếp ăn tập thể nên có những cán bộ chuyên trách việc đó, để trước hết có thể phát hiện nguyên liệu có đạt chuẩn không, chế biến có đảm bảo hay thực phẩm có nhiễm vi sinh không...

Bên cạnh đó, vai trò quan trọng của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Bởi không ở đâu cơ quan quản lý có thể giám sát được 100%. Hơn ai hết, chính phụ huynh học sinh, giáo viên của nhà trường cần tham gia việc giám sát vấn đề an toàn, giá trị dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ.

Chẳng hạn, trong quá trình tiếp nhận thực phẩm hàng ngày từ phía công ty cung cấp tới nhà trường, Ban đại diện phụ huynh có thể phân công mỗi ngày một người tham gia chứng kiến, ký nhận. Chắc chắn, trong số hàng trăm nghìn phụ huynh có con tham gia ăn bán trú ở trường sẽ có thể sắp xếp luân phiên để làm việc này… Công khai, minh bạch trong quá trình tiếp nhận thực phẩm, đảm bảo an toàn trong chế biến và lưu mẫu theo đúng quy định của Bộ Y tế sẽ hạn chế được tối đa việc ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.

Chia sẻ quan điểm này, anh Trần Thanh Sơn - Trưởng Ban đại diện phụ huynh lớp 5A6 (trường tiểu học Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, tại trường tiểu học Thịnh Liệt, giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh với nhà trường có kế hoạch cụ thể để từng lớp tham gia việc giám sát bữa ăn bán trú của con. Chẳng hạn, các thành viên trong Ban đại diện phụ huynh của các lớp sẽ luân phiên tham gia tất cả các khâu tổ chức bữa ăn bán trú, như: Tiếp nhận thực phẩm, kiểm tra bếp ăn, nguồn nước có sạch sẽ không? Phân chia suất ăn cho các con ra sao? Dụng cụ chia đồ ăn đạt yêu cầu không? Các con ăn có ngon miệng không? Vấn đề dinh dưỡng nhà trường cung cấp cho các con có đúng như thực đơn đã công bố trước đó không?...

Từng trực tiếp tham gia kiểm tra một số công đoạn, anh Sơn cho biết ngoài những buổi kiểm tra theo kế hoạch, cũng có lần anh kiểm tra đột xuất thì đều thấy nhà trường, nhà bếp làm như vậy là tương đối ổn. “Tận mắt kiểm chứng quy trình chế biến đồ ăn đảm bảo của nhà trường, tôi rất an tâm. Bên cạnh đó, bữa cơm bán trú không chỉ dành cho học sinh mà nhiều giáo viên trong trường cũng ăn luôn ở trường để chiều dạy tiếp. Nhất là với khối mầm non và tiểu học, đa số các cô giáo đều ăn cơm trưa luôn tại trường, sau khi các con ăn. Được chế biến trong cùng một bếp ăn và nhiều món trong các suất ăn cho giáo viên cũng giống như của học sinh nên tôi cho rằng chính các thầy cô cũng sẽ là những người kiểm chứng quan trọng về độ an toàn của những bữa ăn bán trú. Quan trọng nhất là cần phải ăn chín, uống sôi để hạn chế tối đa những nguy cơ có thể xảy ra từ bữa ăn” – anh Sơn bày tỏ.

Trước thực trạng một số cơ sở giáo dục vẫn để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh lây qua đường tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, uy tín của nhà trường, gây hoang mang và bức xúc trong xã hội, Bộ GDĐT có công văn đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các Sở GDĐT phối hợp với Sở Y tế thực hiện biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, Bộ yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật an toàn thực phẩm, chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm, thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ GDĐT về công tác y tế trong trường học.

Đồng thời các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cán bộ quản lý về an toàn trong trường học, chống ngộ độc thực phẩm. Các cơ quan kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến - vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, tuân thủ quy trình giao nhận theo đủ ba bước, lưu mẫu thức ăn đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát bữa ăn học đường: Phụ huynh vào cuộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO