Giám sát cán bộ

Hoàng Mai 09/10/2017 07:35

Trước việc Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị ra quyết định kỷ luật người đứng đầu thành phố Đà Nẵng và đặc biệt việc Trung ương bỏ phiếu đồng thuận cho ông Nguyễn Xuân Anh thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng đã là một minh chứng rất rõ nét việc Đảng đang nỗ lực chỉnh đốn và trong công cuộc chỉnh đốn ấy tuyệt nhiên không có bất cứ một vùng cấm nào được vẽ ra giống như một chiếc “vòng kim cô” chụp lên các cơ quan giám sát, bảo vệ pháp luật trong Đảng.

Thực tế, chẳng ai có thể vui nổi khi một người đồng chí, đồng đội của mình bị kỷ luật.

Ảnh minh họa.

Nhưng, trong cuộc đấu tranh chống tự diễn biến, tự chuyển hóa điều này là khó tránh khỏi nếu Đảng thật sự muốn đi đến cùng trong công tác xây dựng Đảng.

Có chăng sự tiếc nuối này là sự tiếc nuối cho một người trẻ, trong một điều kiện hiếm có để phấn đấu và phát triển.

Trong thực tế, người trẻ ấy đã đi tới “đỉnh cao” quyền lực ở một thành phố lớn, phát triển vào hàng thứ 3 trong cả nước. Và nếu không mắc sai phạm dẫn đến “cú ngã” này, ông Xuân Anh có thể là một hạt giống thật sự, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Nói như ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thì, ông cảm thấy buồn khi lần đầu tiên, một ủy viên Trung ương Đảng tuổi còn trẻ bị kỷ luật vì những vi phạm liên quan đến kỷ luật Đảng, vi phạm đạo đức người cộng sản.

Nỗi buồn của ông Túc - một người đã dành trọn những năm tháng công tác cho sự nghiệp của Đảng, của Mặt trận - là rất có lý.

Bởi, Đảng đã mất nhiều công sức để đào tạo nên những cán bộ cao cấp và đặt trọn niềm tin vào họ, nhưng giờ vì những lý do khác nhau họ đã phụ lòng tin của Đảng.

“Việc ông Nguyễn Xuân Anh - người trẻ nhất trong số các lãnh đạo cấp Ủy viên Trung ương bị kỷ luật đã là câu trả lời cho những ai còn băn khoăn trước tuyên bố của Tổng Bí thư đó là không có một vùng cấm, vùng an toàn nào. Tôi rất mừng vì điều đó”- ông Nguyễn Túc nêu quan điểm.

Cũng khá đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Túc, nguyên Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông cho rằng: Hình thức kỷ luật của BCH TƯ dành cho ông Nguyễn Xuân Anh là thỏa đáng, thể hiện sự nghiêm minh trong kỷ luật của Đảng, đặc biệt theo Nghị quyết Trung ương 4.

“Quyết định kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Anh sẽ là bài học để nhắc nhở, răn đe những trường hợp khác, những sai phạm cuối cùng cũng sẽ bị đưa ra ánh sáng, bị xử lý, không có cách nào, thế lực nào có thể che đậy được”- ông Cuông nhận định.

Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong rất nhiều cuộc họp đã nhắc rất nhiều lần đến nỗi buồn khi Đảng phải kỷ luật đồng chí của mình. Với một người gần như cả đời gắn bó với công tác Đảng thì đây là một nỗi đau khó có thể diễn tả.

Trở lại với ngày làm việc thứ ba tại Hội nghị Trung ương 6 vào cuối tuần qua, Trung ương đã dành nhiều thời gian để phân tích, đánh giá những khuyết điểm mà ông Xuân Anh mắc phải.

Đặc biệt, Thông cáo ngày làm việc của Hội nghị nêu rõ, trên cương vị người đứng đầu cấp ủy thành phố, ông Nguyễn Xuân Anh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành uỷ; cá nhân ông đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; vi phạm tiêu chuẩn cấp uỷ viên.

Những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Xuân Anh - theo đánh giá của Trung ương - là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Chính vì vậy, sau khi thảo luận và cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

Nhưng chê trách và đáng tiếc cho trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào sự thật xem khâu bổ nhiệm cán bộ của chúng ta đã thật sự đúng đắn hay chưa? Nói như ông Lê Văn Cuông thì cần có sự nghiêm túc, nhìn nhận lại những “khoảng tối” trong công tác cán bộ.

Những khoảng tối ấy chính là sự “đốt cháy giai đoạn”; là sự “bổ nhiệm thần tốc” với một quy trình chưa thể gọi là chặt chẽ, đúng đắn. Chẳng hạn như trường hợp ông Xuân Anh, rõ ràng có sự cơ cấu vội vàng, gấp gáp.

Một người chưa có trải nghiệm thực tiễn; mà đã được bố trí vào các vị trí quan trọng thì khó có thể gọi là sự xem xét chuẩn xác. Đến khi, cán bộ ở vị trí mới có biểu hiện “sốc” trong quá trình tiếp nhận và điều hành công việc; khi ấy, do thiếu rèn luyện tu dưỡng, do thiếu thực tiễn; lại bị cám dỗ bởi vật chất thì thật khó để không mất cán bộ.

Chính trong môi trường thực tiễn, khi một cán bộ phải gánh trên vai một gánh nặng quá nhiều lần so với sức của mình mới thấy sự yếu kém trong năng lực lãnh đạo của cán bộ; còn không nếu là một cán bộ công chức bình thường sẽ khó có thể nhận thấy.

Chính từ trường hợp vấp váp của ông Nguyễn Xuân Anh và một số cán bộ trẻ gần đây có thể thấy rõ, quá trình rèn luyện cùng với trình độ quản lý, bằng cấp là rất quan trọng.

Cùng với đó, các tổ chức Đảng, đoàn thể cũng cần tăng cường khả năng giám sát để sớm nhận ra những nguy cơ đối với cán bộ mà cảnh báo và chỉ đường cho cán bộ đi đúng hướng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát cán bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO