Giám sát để các vụ việc không chìm vào im lặng

Ảnh: Hoàng Long 08/03/2016 14:48

Sáng 8/3 tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở năm 2015.

Quang cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng đại diện các cơ quan, tổ chức tham gia chương trình phối hợp giám sát.

Bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của công dân.

Theo đánh giá, chương trình phối hợp được ký kết giữa 5 cơ quan, tổ chức đã phát huy được vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phát huy tốt chức năng giám sát và phản biện của Mặt trận và các tổ chức thành viên, đồng thời đề cao trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước.

Đáng chú ý, hoạt động giám sát của các đoàn giám sát liên ngành ở Trung ương và địa phương giám sát đối với một số vụ việc tồn đọng, kéo dài tại cơ sở được thực hiện nghiêm túc, qua giám sát đã phát hiện những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị.

Cụ thể trong năm 2015, Đoàn giám sát liên ngành đã tiến hành giám sát việc giải quyết khiếu nại về việc thi hành án của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh đối với các công dân Trần Thị Dung, Trần Thị Lan, Trần Thị Lợi trú tại huyện Tân Biên; Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác quản lý và phát triển chợ tại Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nội và Thanh Hóa.

Giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử 5 bị cáo Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Việt Sơn, và Đặng Văn Tuyên trong vụ án hình sự xảy ra tại thôn 6, xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang....

Liên quan đến vụ án 5 bị cáo Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Việt Sơn, và Đặng Văn Tuyên trong vụ án hình sự xảy ra tại thôn 6, xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang....từ năm 2012 đã có 13 phiên xử được mở ra tiếp theo nhưng có tới sáu phiên xử bị hoãn, bảy phiên xử tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng CQĐT vẫn không làm rõ được các yêu cầu của tòa. Năm ông Thái, Tiếp, Quang, Tuyên, Sơn vẫn liên tục kêu oan. Trong phiên tòa thứ 14, TAND tỉnh Tuyên Quang lại trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung.

Để giám sát vụ việc trên, từ ngày 12/8/2015 đến ngày 14/8/2015, Đoàn giám sát liên ngành đã tiến hành giám sát vụ việc trên tại tỉnh Tuyên Quang. Qua giám sát, Đoàn đã phát hiện một số thiếu sót, sai phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Từ đó Đoàn kiến nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có ý kiến để đề nghị các cơ quan Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao chỉ đạo Công an tỉnh Tuyên Quang và Công an huyện Hàm Yên, Viện KSND tỉnh Tuyên Quang và Viện KSND huyện Hàm Yên, Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang rút kinh nghiệm, kiểm điểm những thiếu sót, vi phạm trong quá trình tiến hành tố tụng.

Đoàn cũng đề nghị Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam có ý kiến chỉ đạo Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang, Hội Luật gia tỉnh Tuyên Quang, Đoàn Luật sư tỉnh Tuyên Quang quán triệt, chỉ đạo các thành viên chủ động, tích cực tham gia vào hoạt động bào chữa trong trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa theo quy định pháp luật.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh phát biểu.

Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh việc Mặt trận cùng các cơ quan và tổ chức thành viên tham gia chương trình phối hợp giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo đã làm được nhiều việc hữu ích được người dân đánh giá cao. Việc chọn những vụ việc khiếu nại tố cáo, phức tạp kéo dài để làm điểm đi giám sát địa phương đế có những kiến nghị, đề xuất với các cơ quan,ban ngành, địa phương giải quyết triệt để tránh oan sai cho người dân.

Thứ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long cũng cho rằng việc Mặt trận và các cơ quan, tổ chức đi giám sát những chỉ có thể đề xuất kiến nghị chứ không có thẩm quyền giải quyết xử lý.

Thứ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long phát biểu.

Nếu chúng ta không đeo bám đến cùng thì việc giám sát không có tác dụng và kết quả giám sát dễ bị chìm đi. Trong năm 2016 những vụ việc đã giám sát và có kiến nghị giám sát cần tiếp tục đeo bám theo dõi kết quả xử lý các vụ việc, ông Long đề xuất.

Lựa chọn giám sát các vụ việc “điểm nóng”

Về phương hướng triển khai chương trình phối hợp công tác năm 2016 các cơ quan tham gia chương trình ký kết sẽ tập trung tiếp tục phối hợp tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về pháp luật khiếu nại, tố cáo nhằm giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo; Tiếp tục triển khai hoạt động tư vấn pháp lý cho nhân dân: Liên đoàn Luật sự Việt Nam tiếp tục cử luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, Hội Luật gia Việt Nam cử Luật gia tham gia hướng dẫn, tư vấn pháp lý cho công dân, trong đó ưu tiên giải quyết các trường hợp theo đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ.

Các bên tham gia chương trình phối hợp lựa chọn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, vượt cấp, đông người, phức tạp, “điểm nóng”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, vi phạm quyền, lợi ích chính đáng của công dân để xem xét, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về hướng xử lý, giải quyết; Phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phối hợp giải quyết, xử lý kịp thời những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp.

Đảm bảo có Luật sư tham gia tư vấn pháp lý miễn phí mỗi tuần

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan tổ chức tham gia chương trình phối hợp giám sát giải quyết khiếu nạo tố cáo ở cơ sở qua đó giúp MTTQ Việt Nam thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. Thành công của sự phối hợp chính là tất cả các nội dung ký kết đều được triển khai thực hiện có kết quả bằng việc tạo được cơ chế làm việc giữa 5 cơ quan, triển khai tư vấn pháp lý miễn phí cho công dân, triển khai giám sát ở quy mô quốc gia đối với một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài.

Về chương trình phối hợp giám sát trong năm 2016, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cơ quan, tổ chức hoàn thành ký kết chương trình phối hợp trước 30/3.

Đối với nội dung giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài trong năm 2016, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ở Trung ương 5 cơ quan tham gia chương trình giám sát cần tiếp tục bàn thảo lựa chọn từ 1 đến 2 vụ việc có ý nghĩa trong cả nước để tiến hành giám sát. Tại các địa phương Mặt trận các tỉnh, thành phối hợp với các cơ quan liên quan chọn một vụ việc bức xúc để báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai giám sát.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân UBTƯ MTTQ Việt Nam
đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan tổ chức tham gia chương trình phối hợp giám sát giải quyết khiếu nạo tố cáo.

Đặc biệt người đứng đầu Mặt trận lưu ý trong chương trình giám sát năm 2016, Ban chỉ đạo cần có đầu mối để tiếp tục đôn đốc, theo dõi các kết quả đã giám sát để các vụ việc không chìm vào im lặng.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục phối hợp với Liên đoàn Luật sư tiếp tục phối hợp để tổ chức tư vấn tiếp dân trên tinh thần tuần nào cũng có luật sư tham gia tư vấn pháp lý miễn phí cho công dân. Cùng với đó đẩy mạnh công tác truyền thông với sự vào cuộc của hệ thống báo chí của Mặt trận và các đơn vị tham gia giám sát để tạo được sự quan tâm của dư luận xã hội cũng như sự lắng nghe của các cơ quan, ngành địa phương về kết quả giám sát...

Từ kết quả mới chỉ có 30/63 tỉnh thành phố đã ký kết chương trình phối hợp và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung giám sát, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị chậm nhất đến tháng 6/2016 phải tập huấn cho 33 tỉnh còn lại để giới thiệu kinh nghiệm và tổ chức triển khai thực hiện.

Hơn 600 lượt người dân được tư vấn pháp lý miễn phí

Trong năm 2015, thực hiện chương trình phối hợp công tác trợ giúp pháp lý, Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Trụ sở tiếp dân Trung ương đã chủ động phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức tốt các lớp tập huấn, tạo điều kiện để Liên đoàn Luật sư Việt Nam kịp thời đề xuất luật sư tham gia trợ giúp pháp lý cho công dân tại Trụ sở tiếp dân Trung ương, phát huy tích cực vai trò của luật sư trong việc giải thích, tuyên truyền pháp luật cho công dân, giảm thiểu những đơn thư khiếu nại, tố cáo không có căn cứ, không đúng quy định, góp phần giảm tải bức xúc trong nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội. Từ ngày 14/7/2015 đến 24/9/2015 Liên đoàn Luật sư đã cử 100 luật sư tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí trong 50 ngày làm việc hành chính; có hơn 600 lượt người dân đã được tư vấn pháp luật và tuyên truyền giải thích pháp luật...

Một số hình ảnh tại hội nghị:

Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.

Anh Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát để các vụ việc không chìm vào im lặng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO