Đưa dịch vụ công về gần dân hơn nữa

Hải Nhi 19/12/2018 17:56

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực lưu ý, tỉnh Phú Thọ cần tăng khả năng tiếp cận của người dân bằng cách đưa các dịch vụ hành chính công tới gần dân hơn nữa, để người dân ở xã không phải lên huyện, người dân ở huyện không phải lên tỉnh giải quyết các thủ tục hành chính.

Đưa dịch vụ công về gần dân hơn nữa

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại buổi làm việc.

Chiều 19/12, Đoàn giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam do Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại UBND tỉnh Phú Thọ về giám sát việc thực hiện cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước năm 2018.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Phú Thọ Lê Tiến Hưng cho biết: Về cải cách hành chính, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công tác CCHC của tỉnh được đánh giá cao, thông qua các Chỉ số: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Phú Thọ: Năm 2016 xếp thứ 29/63; năm 2017 xếp thứ 27/63 tỉnh, thành trong cả nước. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của tỉnh Phú Thọ: Năm 2016 xếp thứ 21/63. Năm 2017 xếp thứ 11/63 tỉnh. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) cấp tỉnh; tỉnh Phú Thọ đã đạt mức độ hài lòng chung là: 86,65%; Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh Phú Thọ: Năm 2016 xếp thứ 4/63; năm 2017 xếp thứ 23/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Tỉnh đã thực hiện đưa 100% TTHC có liên quan đến, cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp vào giải quyết thông qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Thực hiện nghiêm việc rà soát các TTHC trong các cơ quan, đơn vị. Triển khai, xây dựng Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ. Triển khai 5 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại UBND cấp huyện. Đây là bước đột phá trong cải cách TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức trong giải quyết các TTHC.

Về thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước: Công tác chọn mẫu điều tra được thực hiện nghiêm túc, theo đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Việc triển khai điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng về sự phục vụ hành chính đã được thực hiện đúng theo các văn bản hướng dẫn của cấp trên, đảm bảo chính xác, đúng đối tượng và thời gian theo quy định.

Đưa dịch vụ công về gần dân hơn nữa - 1

Quang cảnh buổi làm việc.

Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Hưng vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc bởi cải cách hành chính là một lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, bao trùm toàn bộ hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, có nhiều vấn đề phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát đánh giá cao những giải pháp tỉnh Phú Thọ thực hiện CCHC thời gian qua, nhưng với mục tiêu giảm thời gian trong thực tế vẫn còn tình trạng trả kết quả chậm cho người dân. Thứ hai là việc áp dụng công nghệ thông tin còn hạn chế.

Quan tâm tới việc tạo điều kiện cho người dân, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật UBƯ MTTQ Việt Nam cho rằng: Việc cắt giảm được bao nhiêu thủ tục, thời gian trả kết quả là những mong muốn để phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Có nhận xét càng cấp tỉnh càng hiện đại, tới cấp xã còn nhiều khó khăn nhưng dân lại gần với các cấp xã phường hơn.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị làm rõ: Các vấn đề liên quan đến kiểm soát TTHC ở các cấp. Việc giảm thủ tục đề nghị cần nói rõ từng thủ tục, bên cạnh đó đánh giá thời gian giải quyết. Vấn đề đơn giản hoá thủ tục còn hạn chế nên khả năng tiếp cận của người dân chưa cao.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đặc biệt lưu ý vấn đề tăng khả năng tiếp cận của người dân bằng cách chuyển các dịch vụ công tới gần dân hơn nữa, để dân ở xã không phải lên huyện, dân ở huyện không phải lên tỉnh giải quyết các thủ tục hành chính. Như vậy phải tăng khả năng tiếp cận của người dân, nhất là các thủ tục về đất đai, phải đặt ra việc liên thông. Đồng thời làm rõ dịch vụ trực tuyến đã triển khai nhưng hạn chế do đâu. Việc điều tra xã hội học, cần kiến nghị làm thế nào để khắc phục tính hình thức trong điều tra đánh giá sự hài lòng của người dân một cách thực chất nhất.

Đưa dịch vụ công về gần dân hơn nữa - 2

Ông Hoàng Công Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ trao đổi với Đoàn giám sát.

Về nguyên nhân khó khăn, ông Hoàng Công Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phân tích: Do thực hiện quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế và khu vực, nên hệ thống văn bản pháp luật của nhà nước được ban hành nhiều, không ổn định dẫn đến khó khăn trong triển khai, thực hiện ở cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó Nguồn kinh phí chi cho hoạt động CCHC còn hạn chế, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại, cũng như đầu tư các trang thiết bị phục vụ... Kinh phí chi trả tiền công cho điều tra viên còn quá thấp nên chưa khuyến khích được sự tận tâm và nhiệt tình trong công việc...

Đánh giá cao việc UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo tích cực trong công tác cải cách TTHC. Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực mong muốn, tỉnh Phú Thọ tiếp tục khắc phục khó khăn, phát huy ưu điểm, quan tâm tới việc giải quyết ở cơ sở. Thứ hai công khai minh bạch và lắng nghe ý kiến là rất quan trọng. Quan tâm giải quyết những vấn đề vướng mắc ở liên ngành, như vậy mới liên thông được nên cần phải có giải pháp cụ thể. Không nên chạy theo thành tích.

Đưa dịch vụ công về gần dân hơn nữa - 3

Đoàn công tác thăm Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ.

*Cùng ngày, Đoàn giám sát đã làm việc với Sở Tài Nguyên và Môi trường; TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ về giám sát việc thực hiện cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước năm 2018.

Tại TP Việt Trì, báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nội vụ UBND TP Việt Trì cho biết: Nổi bật trong công tác cải cách thủ tục hành chính là những sáng kiến, cải tiến mô hình mới trong cải cách hành chính. Thực hiện chủ trương xây dựng "chính quyền thân thiện", TP Việt Trì hiện đang thực hiện thí điểm tại UBND phường Tiên Cát việc gửi Thư chúc mừng với các trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, và có thư chia buồn đối với các trường hợp khai tử. Sau thời gian triển khai, sự quan tâm, động viên kịp thời đó đã tạo được thiện cảm, lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân trên địa bàn đối với Chính quyền.

Và thí điểm tại UBND phường Nông Trang về giải pháp ứng dụng nhắn tin thông báo đến từng hộ gia đình về những nội dung tuyên truyền chủ trương, chính sách. Phổ biến, hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến qua hệ thống Một cửa dịch vụ công trực tuyến. Trong thời gian tới, mô hình “Chính quyền thân thiện” sẽ được thành phố nhân rộng, khuyến khích các phường, xã trên địa bàn tiếp tục triển khai, góp phần từng bước nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước.

Báo cáo với Đoàn công tác, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Hết năm 2013, trên địa bàn tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu được 93,26%. Dần đang sử lý cấp đất trái thẩm quyền. Đang tổ chức đo đạc lại. Về thủ tục hành chính riêng lĩnh vực đất đai, năm 2019 sẽ tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính. Giấy phép khai thác khoảng sản 116 giấy phép. Trong đó cấp Bộ là 12 giấy phép, cấp tỉnh là 104 giấy phép cấp vật liệu xây dựng thông thường.

Đồng tình với ưu điểm CCHC thời gian qua của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, tuy nhiên Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng đề nghị Sở tiếp tục quan tâm chỉ đạo CCHC theo tinh thần của tỉnh, Bộ, Chính phủ.

“Chúng ta rất quan tâm tới sự công khai minh bạch đến quy hoạch, tỷ lệ cấp giấy phép. Đặc biệt là lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Liên quan tới cấp phép khai thác cát rất bức xúc thời gian qua, chúng ta cần xử lý để thông tin rõ ràng đến người dân, như vậy mới tạo được niềm tin trong nhân dân”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa dịch vụ công về gần dân hơn nữa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO