Giám sát việc thực hiện quyền trẻ em

Minh Quang 18/04/2019 09:00

Tại chương trình phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi, trên cơ sở các tiêu chí cũng như tình hình thực tiễn xảy ra trong thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao lựa chọn giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Nội dung này sẽ được trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp tới.

Giám sát việc thực hiện quyền trẻ em

Trẻ em cần được phát triển trong môi trường lành mạnh.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Quốc hội cần lên tiếng về việc thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em trong thời gian qua, nhìn từ góc độ tư pháp. Nhắc tới những vụ việc vừa qua gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là những vụ việc xâm hại cả tinh thần và thể xác trẻ em, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ quan điểm: Quốc hội cần lên tiếng về vấn đề này.

Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào năm 1990 mà không bảo lưu điều, khoản nào; cùng với đó là những nỗ lực trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; tiếp đó ngày 5/4/2016, Luật Trẻ em đã được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện các quyền trẻ em... Nhưng trên thực tế, việc triển khai chính sách, pháp luật về quyền trẻ em vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại; vấn đề về trẻ em chưa được nhận thức rõ và đủ, dẫn đến hạn chế trong triển khai thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Sự vào cuộc của các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em còn chưa sâu sát. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực với trẻ em, kể cả trong môi trường học đường và trong gia đình ngày càng gia tăng.

Cùng với đó, lâu nay việc tham gia của trẻ em trong gia đình và nhà trường vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề của truyền thống văn hoá Á Đông khi áp đặt ý kiến của người lớn tuổi lên trẻ em. Do vậy, trẻ em buộc phải tuân thủ. Ngoài ra, do tâm lý của chính trẻ em, năng lực, nhận thức của trẻ em còn hạn chế, chưa tự tin và chủ động thực hiện quyền này; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thiếu và yếu về năng lực, thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc phát triển quyền tham gia của trẻ em.

Một thông tin từ Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 1111 mới đây cũng cho thấy, chỉ từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/3/2019, Tổng đài đã tiếp nhận hơn 300.000 cuộc gọi đến. Tổng đài đã tư vấn 6.794 ca, can thiệp 207 ca. Trong đó số trẻ bị bạo lực là 74 ca (chiếm 35,8% số ca hỗ trợ, can thiệp của Tổng đài); trẻ em bị xâm hại tình dục là 63 ca (chiếm 30,4%). Điều này phản ánh tình trạng trẻ em bị xâm hại bạo lực không nhỏ, song trên thực tế vẫn còn nhiều em chưa được tiếp cận, hoặc chưa có điều kiện tiếp cận với Tổng đài. Như vậy khi cần cầu cứu, cần sự trợ giúp rõ ràng các em vẫn chưa biết trông cậy vào ai, ở đâu…

Trong khi hiện nay cho dù có nhiều cơ quan cùng thực hiện giám sát quyền trẻ em, nhưng lại chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát độc lập quyền trẻ em. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới những “lỗ hổng” trong quá trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đại đa số mọi sự vụ liên quan đến bạo hành trẻ em thường được các cơ quan có trách nhiệm, tổ dân phố, hoặc các tổ chức đoàn thể, thậm chí ngay cả Hội Bảo vệ quyền trẻ em… biết khi việc đã rồi.

Trước đây đã từng có những nhóm nghiên cứu đề xuất thành lập Tiểu ban Giám sát độc lập quyền trẻ em, thuộc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Cơ quan này nhằm tăng sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình giám sát việc thực thi pháp luật, chính sách cho trẻ em. Còn theo UNICEF, việc thành lập cơ chế giám sát độc lập có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện quyền trẻ em. Cơ chế này sẽ tạo được mối quan hệ mật thiết giữa luật pháp và việc thực thi trong đời sống; đồng thời, với sự giám sát của các tổ chức độc lập, những biện pháp khắc phục các vi phạm về quyền trẻ em sẽ được giải quyết nhanh chóng. Tổ chức giám sát độc lập đóng vai trò thông tin đến cơ quan quản lý nhà nước về những vấn đề liên quan đến trẻ em. Vì vậy tại cuộc họp vừa qua, việc dự kiến trong năm 2020 Quốc hội giám sát chuyên đề tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em, đang được người dân kỳ vọng rằng công tác thực hiện Luật Trẻ em nói chung cũng như việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em sẽ được coi là ưu tiên hàng đầu.

Mới đây, phát biểu về những khuyến nghị ưu tiên cho kế hoạch năm 2019 liên quan đến bảo vệ và chăm sóc trẻ em, 1 trong 4 nội dung được bà Lesley Miller - Quyền Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh chính là việc phòng, chống bạo lực trẻ em. Theo bà Lesley Miller, bạo lực đối với trẻ em có thể xảy ra mọi nơi, ngay cả những nơi lẽ ra an toàn nhất đối với trẻ đó là gia đình và trường học. Vừa qua, nhiều vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện và lên án. Điều này không có nghĩa ngày càng có nhiều vụ bạo hành trẻ em mà ngày càng có nhiều người hiểu và lên tiếng về những vụ bạo hành trẻ em. Do đó rất cần Quốc hội, Chính phủ có nhiều nỗ lực nghiêm túc để phòng, chống bạo lực trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát việc thực hiện quyền trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO