Giám sát xử lý 52 dự án không hiệu quả, lãng phí

Việt Thắng 15/11/2022 18:36

Hậu giám sát sẽ tiếp theo dõi xử lý căn bản các vấn đề mà kết quả giám sát đã chỉ rõ.

Ngày 15/11, tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, trả lời báo chí về “hậu giám sát” đối với việc xử lý 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết: hậu giám sát làm rõ một số những vấn đề danh mục dự án lãng phí trong sử dụng vốn nhà nước các dự án than, điện, dầu khí chậm tiến độ, và các dự án đất đai hoang hoá lãng phí. Báo cáo chi tiết đã trình Quốc hội. Trong đó có nêu rõ danh mục 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc trong giai đoạn 2016-2021.

Theo ông Lâm: Qua giám sát đã chỉ ra hạn chế tồn tại nhưng chưa có điều kiện đi sâu làm rõ cụ thể tính chất mức độ và trách nhiệm. Do vậy hậu giám sát phải tiếp theo dõi xử lý căn bản các vấn đề mà kết quả giám sát đã chỉ rõ. Theo tinh thần đó Nghị quyết của Quốc hội trên cơ sở vấn đề tồn tại đã chỉ ra qua giám sát xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm tới đây để thực hiện Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Bao gồm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền siết chặt kỷ luật kỷ cương trách nhiệm trong vấn đề tổ chức thực hiện, phát động phong trào toàn dân đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm, phòng chống lãng phí trên các lĩnh vực; đổi mới và xây dựng các chương trình kế hoạch.

Để thực hiện nhiệm vụ này, ông Lâm cho biết, Quốc hội yêu cầu giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn ĐBQH, và HĐND các cấp đẩy mạnh thực hiện 5 nhiệm vụ trên, và giao nhiệm vụ tăng cường giám sát các nội dung liên quan đến thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong kế hoạch giám sát hàng năm. Lồng ghép với các nội dung giám sát chuyên sâu việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm phòng chống lãng phí vào kế hoạch giám sát chuyên đề. Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban phải đổi mới tăng cường công tác thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, tăng cường giám sát ban hành tổ chức thực hiện các văn bản, theo dõi đôn đốc việc giám sát chấp hành văn bản. Đặc biệt giao cho Uỷ ban tài chính ngân sách của Quốc hội Ủy ban Tài chính ngân sách chủ trì, phối hợp với các tỉnh thành trực thuộc trung ương đôn đốc các cơ quan tổ chức giám sát việc xử lý 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.

Ông Lâm cũng cho biết, theo tinh thần chỉ đạo này Uỷ ban Tài chính ngân sách sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan của Quốc hội đôn đốc việc khắc phục những vấn đề chỉ ra tồn tại hạn chế đang nằm trong 4 danh mục dự án trên. Giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức khắc phục những vấn đề tồn tại trong các dự án, công trình. Trong đó trong năm 2023 phải hoàn thành rà soát thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin số liệu để đề xuất các phương án điều chỉnh khắc phục. Trong năm 2023 cũng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các luật liên quan đến thực hành tiết kiệm chống lãng phí. “Chính phủ phải đẩy nhanh lộ trình cải cách thuế trong năm 2023, xử lý các văn bản ban hành không đúng thẩm quyền, nâng cao chất lượng thẩm định, dự toán thu chi ngân sách nhà nước trong các năm về sau và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công”-ông Lâm cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát xử lý 52 dự án không hiệu quả, lãng phí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO