Giảm thiệt hại do thiên tai: Cảnh báo sớm, di dời dân

Nhóm phóng viên 20/11/2020 14:00

Nên cạnh việc truyền thông, cơ quan chức năng phải làm quyết liệt, có biện pháp hành chính để hỗ trợ người dân di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.

Miền Trung năm nào cũng phải hứng chịu bão lũ, thậm chí bão chồng bão, lũ chồng lũ. Nhưng hiếm có năm nào mưa lũ gây ra những vụ sạt lở đất đá lại lớn và dồn dập như những ngày vừa qua. Từ ngày 4 đến 31/10, các tỉnh miền Trung trải qua 3 đợt lũ, 4 cơn bão. Mưa lũ lớn kéo theo hàng loạt vụ sạt lở đất đá khiến 159 người chết, 71 người mất tích; hàng ngàn ngôi nhà bị sập, tốc mái và ngập sâu trong nước. Hàng vạn con gia súc, gia cầm bị chết. Thiệt hại, dù chưa có số liệu thống kê chính thức, song phải nói là vô cùng lớn.

Vậy làm cách nào để có thể hạn chế những mất mát do mưa lũ, sạt lở đất gây ra? Tại cuộc tọa đàm "Lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay nhân tai?" do Báo Đại Đoàn Kết vừa tổ chức, vấn đề được đặt ra là, chúng ta phải xem lại cách ứng xử với thiên nhiên, bên cạnh đó, cần sớm đưa ra bản đồ cảnh báo tổng thể, cũng như cảnh báo cụ thể trong từng thời điểm, đồng thời chính quyền ở những địa phương liên quan cần có sự vào cuộc quyết liệt may ra mới giảm thiểu được những thiệt hại về người và tài sản…

Các chuyên gia, khách mời tại buổi tọa đàm “Lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay nhân tai?” do báo Đại Đoàn kết tổ chức hôm 5/11 tại Hà Nội.

Cần có nhiều ứng dụng khoa học công nghệ mới

Qua nghiên cứu các số liệu từ đợt thiên tai xảy ra tại miền Trung vừa qua, các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng “rất bất thường” và “dị thường”, mấy chục năm mới có một lần. Tuy nhiên, khác với nhiều đợt thiên tai trước, lần này những cảnh báo của các nhà khoa học được đưa ra từ rất sớm.

Theo ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), đợt thiên tai vừa rồi ở miền Trung khốc liệt hơn cả đợt thiên tai lịch sử năm 1999. Các chuyên gia về địa chất đánh giá nguyên nhân chính là miền Trung có khu vực đồi núi cao, phân cắt mạnh, về địa chất có nhiều loại đất đá cổ bị đập vỡ nứt nẻ, tạo ra lớp vỏ phong hóa dài, nhiều lớp đất sét, là điều kiện hết sức bất lợi để nếu mưa lâu ngày thì nước chứa trong lớp phong hóa này nhão, kéo lực trượt xuống phía dưới. “Cùng với đó, các hoạt động dân sinh cần mở đường, cần san ủi để có mặt bằng nhà ở, trường học, trong đó có cả các hoạt động thủy điện để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, thì việc chúng ta cắt taluy, tạo ra cắt mất chân sườn dốc là nguyên nhân kích hoạt thiên tai có thể xảy ra”, ông Thành nói.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, đợt thiên tai xảy ra tại miền Trung vừa rồi rất bất thường và dị thường. Chưa bao giờ trong 20 ngày, miền Trung chịu tới 4 cơn bão, bão chồng bão, lũ chồng lũ. Tuy nhiên việc này cũng đã được cảnh báo từ rất sớm.

Cảnh báo sớm nhưng tại sao lại vẫn xảy ra những tổn thất lớn như vừa qua? Theo ông Hiệp, vừa rồi chúng ta thiệt hại về người chủ yếu do sạt lở đất. Việc sạt lở đất diễn ra rất phức tạp và không theo quy luật. Những chỗ sạt lở đất lớn vừa rồi, kể cả ở trạm kiểm lâm 67, đoàn kinh tế 337 hay mới nhất ở Nam Trà My, đây là những chỗ ổn định lâu dài, không có trong bản đồ cảnh báo.

“Rõ ràng, chúng ta cần phải có ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn trong cảnh báo. Hiện hơn 10 tỉnh nguy cơ thiên tai cao đã có bản đồ về sạt lở. Nhưng bản đồ sạt lở tỷ lệ đang là 1/50.000, để triển khai được trên thực tế thì cần tối thiểu là 1/10.000, không thì phải 1/5.000, và để xây dựng các điểm cụ thể thì cần 1/500. Với bản đồ 1/50.000, ngay lập tức di chuyển nhiều xã thì không thể làm được. Chúng tôi thấy sắp tới Chính phủ, Thủ tướng sẽ có rất nhiều chỉ đạo. Chúng ta nhìn thấy thực tế như vậy thì sẽ phải có chỉ đạo và đầu tư cho công tác này”, ông Hiệp cho biết.

Trong khi đó, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia Trần Hồng Thái, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chủ yếu dựa vào việc kết hợp, lồng ghép các bản đồ địa hình, độ dốc, thảm phủ trên bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất kết hợp với dự báo mưa từ các mô hình số, ước lượng mưa từ ảnh vệ tinh, rađa, đo mưa tự động.

Khi xuất hiện các hình thế thời tiết có thể gây mưa lớn, trong điều kiện số liệu và công nghệ hiện nay đã cho phép dự báo sớm được mưa lớn diện rộng ở vùng núi trước 1 - 2 ngày, từ đó cảnh báo được nguy cơ xuất hiện hiện tượng lũ quét, sạt lở đất trên khu vực rộng, nhiều tỉnh.

Hiện nay, Bộ TNMT đã chỉ đạo Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tiệm cận, sử dụng các sản phẩm cảnh báo lũ quét hiện đại bậc nhất trên thế giới (như của Hoa Kỳ) làm công cụ hỗ trợ cảnh báo. Tuy nhiên, lũ quét, sạt lở đất thường chỉ xuất hiện ở một vài điểm trong tỉnh, thời gian xuất hiện không đồng thời và việc cảnh báo chi tiết đến huyện, xã hoặc khu vực có nguy cơ cao, rất cao chỉ có thể thực hiện trước

Ông Trần Hồng Hải phân tích thêm: Cảnh báo sạt lở đất dựa trên nhiều yếu tố, trong đó yếu tố tĩnh là địa hình địa mạo, cấu trúc địa chất, yếu tố động là tác động của mưa, động đất... Càng có nhiều thông tin, càng thăm dò, khảo sát chi tiết thì càng dự báo được chính xác.

Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là đơn vị được giao thực hiện điều tra, khảo sát, thăm dò các thông số về địa chất để đưa ra cảnh báo về sạt lở đất. Thời điểm hiện tại, dự án này mới hoàn thành được việc cảnh báo tại các tỉnh miền núi phía Bắc và cảnh bảo tới cấp xã; việc cảnh báo được thực hiện trước từ 3-6 giờ trên diện chứ không thể cảnh báo điểm, không thể biết tại ngọn đồi nào, tuyến đường nào, khu vực nào vào thời điểm nào có thể sạt lở đất đá. Tại các khu vực còn lại, công tác cảnh báo sạt lở đất mới cảnh báo được tới cấp huyện, chưa cảnh báo được tới cấp thôn, xóm.

Để hạn chế những thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra, mới đây Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ra 9 nhiệm vụ, giải pháp lớn, trong đó có việc: Xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm với tỷ lệ thích hợp. Vấn đề này đã được chỉ đạo, được triển khai, nhưng mới chỉ xây dựng được bản đồ với tỷ lệ lớn, chưa xác định chính xác các điểm nguy hiểm để sơ tán dân. Trên cơ sở bản đồ, sẽ quy hoạch, phân bổ lại, bố trí lại dân cư và có những chủ trương đầu tư để đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời sơ tán khẩn cấp trước khi có sạt lở đất, lũ quét. Đây là kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Tăng cường công tác phối hợp

Cần ghi nhận công tác cảnh báo, dự báo trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng, song thực tế đòi hỏi cần độ chính xác cao hơn. Có mặt tại cuộc tọa đàm “Lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay nhân tai?” do báo Đại Đoàn kết tổ chức hôm 5/11, PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng: Các nước trên thế giới cũng không có phương án khả thi ngăn chặn sạt lở đất. Việc cảnh báo phòng tránh phải thường xuyên khi mùa mưa bão xảy ra. Giờ chúng ta đã làm nhưng không đủ độ kịp thời, chưa đủ quyết liệt và khẩn trương. Các nhà khoa học cảnh báo địa chất các tỉnh miền Trung từ trước đó nhưng chưa đủ quyết liệt.

Liệu có sự vênh lệch nào giữa việc cảnh báo từ các nhà khoa học tới chính quyền địa phương? PGS.TS Trần Tân Văn cho rằng, sự vênh lệch là có. “Từ phía chúng tôi, mới chỉ quan tâm được động tác là chuyển giao thôi, còn chưa để ý kịp là người ta có sử dụng, ứng dụng kịp thời không”, ông Văn thẳng thắn. “Hiện nay chúng tôi mới chỉ chuyển giao được đến cấp tỉnh, Sở NNPTNT, Sở TNMT, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão. Nhưng chưa chuyển tới cấp huyện, cấp xã. Đó có lẽ là một trong những mấu chốt”.

"Tôi nghĩ, trong thời gian tới, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa để kịp thời thông tin tới người dân sống tại những khu vực có nguy cơ. Song song với đó, các địa phương cần có ngay phương án để kịp thời tuyên truyền, vận động sơ tán dân khỏi những khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét…", PGS.TS Trần Tân Văn

Theo ông Văn, việc nghiên cứu cần chuyển giao cho địa phương, đảm bảo người được chuyển giao phải hiểu được kết quả, sử dụng đúng lúc, kịp thời. Bên cạnh đó, cần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung về dự báo, cảnh báo. Trước mùa mưa lũ phải điều động lực lượng chức năng đi các nơi, rà soát lại việc phòng tránh, các địa điểm nào có nguy cơ để cảnh báo. Những bản đồ về nguy cơ sạt lở đất sau 3 tới 5 năm phải làm lại và chuyển giao lại. Chúng tôi nghĩ các nội dung cảnh báo cần điều chỉnh, cần thay đổi sau mỗi đợt mưa lũ. Tiếp đó, chúng ta sẽ phải tiếp tục đốc thúc các nhà quan lý, lên tiếng với chính quyền địa phương. Mối quan hệ, như vậy, phải chặt chẽ hơn.

Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Thanh Ca, Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường cho rằng, các nhà khoa học đã đưa thông tin, đã tuyên truyền nhưng trên thực tế ít người nghe. Vì vậy bên cạnh việc truyền thông, cơ quan chức năng phải làm quyết liệt, có biện pháp hành chính để hỗ trợ người dân di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, phải điều tra với tỷ lệ 1/1.000 để khoanh vùng nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thiệt hại do thiên tai: Cảnh báo sớm, di dời dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO