Giảm thiểu gánh nặng thiên tai

Duy Khang (thực hiện) 12/11/2017 06:30

Sử dụng công nghệ tiên tiến có thể dự đoán chính xác năng suất lúa, cây trồng, từ đó giúp cho các nhà hoạch định chính sách định hướng được kế hoạch trong vấn đề an ninh lương thực, như việc xuất khẩu lượng gạo bao nhiêu, ổn định mức giá thế nào… Và một trong những công nghệ hỗ trợ cho kế hoạch đó là công nghệ viễn thám. Theo PGS.TS Phạm Quang Hà- Viện Quy hoạch nông nghiệp, bằng việc sử dụng tín hiệu do công nghệ này cung cấp, có thể tính toán được năng suất lúa với độ chính xác tới 90% - 92%,


Công nghệ viễn thám nhiều tác dụng trong lĩnh vực nông nghiệp.

PV: Thưa ông, Việt Nam đã sử dụng công nghệ viễn thám nhiều chưa, và những lợi ích mà nó mang lại thế nào?

PGS.TS Phạm Quang Hà: Đây là một công cụ hiện đại giúp chúng ta quan sát những diễn biến hàng ngày của các loại cây trồng trên phạm vi khá rộng, qua đó người ta biết được cây trồng đang ở trạng thái nào, tốt hay xấu, cần thu hoạch ngay hay không. Tác dụng tốt nhất của công nghệ này là cho thông báo khách quan. Ví dụ nguy cơ mất mùa khi có một trận bão, lũ,

Công nghệ này không thể thay đổi được sự thật là cơn bão đó sẽ gây ra mất mùa nhưng nó hỗ trợ cho mục đích ra quyết định của những người sử dụng nó. Các nước trên thế giới đã sử dụng công nghệ này rất phổ biến, nhờ đó họ biết được diễn biến mùa màng của các cây trồng như lúa, cà phê, hồ tiêu… để có những chính sách kịp thời cho người nông dân trồng cây. Các nhà khoa học Việt Nam hiện cũng đã làm chủ được công nghệ này. Và nhiều nơi, nhiều vùng của Việt Nam đã áp dụng thông thường ở quy mô lớn. Đơn cử như những diễn biến về nguy cơ mất rừng, không ai vào được rừng ở những nơi sâu xa, hiểm trở, những nơi con người không thể vào được thì công nghệ này sẽ thâm nhập.

Hay việc chinh phục đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, những chương trình quy mô lớn đó sử dụng công nghệ viễn thám rất hiệu quả. Cái khó là sử dụng công nghệ này ở quy mô gần để áp dụng ở những vùng có quy mô nhỏ hơn, ví dụ áp dụng lên thửa ruộng trồng rau chẳng hạn. Câu hỏi đặt ra là: Công nghệ viễn thám đã tham gia để đánh giá được vấn đề mất mùa ở Nam Định, Thái Bình hay các tỉnh khác trong vụ lũ vừa rồi hay chưa. H ay các vấn đề về dịch bệnh trên cây cối, như cây sắn, dừa, cà phê… hoặc những vấn đề phát sinh hàng ngày trên cây cối, công nghệ này đã tham gia chưa? Cũng như những vấn đề về sức khỏe của con người, đời sống thực vật canh tác cũng diễn biến hàng ngày, và chúng ta cần có công nghệ đề giám sát nó. Điều chúng tôi mong muốn là như vậy, nhưng thực tế hiện nay việc áp dụng công nghệ này vào những vấn đề quy mô nhỏ, tỉ mỉ là chưa nhiều, độ chính xác chưa cao.


PGS.TS Phạm Quang Hà.

Ông có thể đưa ra những đánh giá về hiệu quả của việc sử dụng công nghệ này đối với nền nông nghiệp nói chung cũng như đối với người nông dân nói riêng?

-Công nghệ viễn thám không thể đứng đơn độc mà phải có sự kết hợp của các công nghệ khác như công nghệ bản đồ chẳng hạn. Đây chỉ là công nghệ hỗ trợ để các nhà hoạch định chính sách quyết định. Ví dụ về vấn đề bảo hiểm. Sản xuất theo lộ trình phải đạt hiệu quả, nhưng mà nhỡ không may xảy ra thiên tai, sự cố, vì nông nghiệp thường đối diện với nhiều rủi ro. Và công nghệ viễn thám có thể dự báo được những rủi ro đó. Thông thường, sau những sự cố về thiên tai, sẽ có sự đền bù cho người nông dân theo hướng: Hoặc nhà nước hỗ trợ, cho không, hoặc cơ quan bảo hiểm sẽ tham gia chi trả. Nhưng tất cả đều phải có chứng cứ tại chỗ chứ không thể là chứng cứ của ngày hôm qua. Lúc này công nghệ viễn thám sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc xác định mức độ rủi ro của mỗi nông hộ để giúp cho Nhà nước, công ty bảo hiểm có những chi trả công bằng nhất, hợp lý nhất. Đó là những tác dụng đối với nông hộ. Còn đối với ngành nông nghiệp, tôi lấy ví dụ cơn lũ lịch sử diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã gây ra thực trạng mất mùa ở nhiều địa phương, khiến cho nền nông nghiệp thiệt hại nặng nề.

Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch dự trữ lương thực ra sao, kế hoạch xuất khẩu gạo thế nào, các địa phương mất đi bao nhiêu phần trăm năng suất lúa… chúng ta mất đi 10% hay 20% trong kế hoạch mà chúng ta vạch ra cho an ninh lương thực. Để tìm ra những con số cụ thể đó, thông thường sẽ có hai cách: Một là huy động nguồn nhân lực đi điều tra, thống kê tại từng địa phương, từng hộ gia đình và cách hai là sử dụng công nghệ viễn thám kết hợp kiểm chứng hiện trường. Và tất nhiên, khi sử dụng công nghệ viễn thám độ chính xác sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc cán bộ đến tận nơi để thống kê. Bằng việc sử dụng tín hiệu do công nghệ này cung cấp, có thể tính toán được năng suất lúa với độ chính xác tới 90% - 92%, giúp cho kết quả nhanh và tiết kiệm hơn nhiều phương pháp thống kê có nhiều sai số.

Hỗ trợ rất nhiều cho các nhà quản lý trong việc hoạch định chính sách, hỗ trợ cho nông hộ khi có rủi ro, thiên tai gây ra mất mùa, tuy nhiên công nghệ này gắn kết ra sao với bảo hiểm nông nghiệp?

-Sản xuất nông nghiệp thường xuyên đối diện với rủi ro về thời tiết. Về nguyên tắc chúng ta mua bảo hiểm nhưng chẳng ai muốn sự cố xảy ra. Mua bảo hiểm là để phòng nếu có sự cố thì công ty bảo hiểm sẽ hỗ trợ cho những thiệt hại mà sự cố đó gây ra. Vậy khi có sự cố, cơ quan bảo hiểm sẽ đền bù thế nào cho một nông hộ, một tỉnh, một địa phương… thì dứt khoát phải có số liệu cụ thể để công ty có thể chi trả tiền đền bù, thì đây chính là công cụ để giám sát sự thiệt hại đó và đảm bảo sự hỗ trợ kịp thời cho người mua bảo hiểm. Vấn đề bảo hiểm nông nghiệp cũng đã được đặt ra lâu nay. Tôi cho là, sớm hay muộn, bảo hiểm nông nghiệp sẽ trở nên phổ biến, tất cả các nông hộ đều cần phải mua bảo hiểm vì đó là vấn đề rất thiết thực. Cũng như trước đây không có bảo hiểm y tế còn bây giờ ai cũng có. Theo lộ trình bảo hiểm nông nghiệp sẽ phải là bắt buộc. Tất cả chúng ta mong muốn có một nền sản xuất ổn định, thì trong sự ổn định đó là bảo hiểm. Và công nghệ viễn thám chính là công cụ hỗ trợ đắc lực cho sự ổn định đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thiểu gánh nặng thiên tai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO