Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu: Bao nhiêu thì hợp lý?

Thuý Hằng (thực hiện) 05/03/2022 09:00

Bình luận về phương án giảm Thuế Bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu do Bộ Tài chính đề xuất, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả đánh giá, mức giảm như vậy là đã được tính toán, ghi nhận của cơ quan quản lý hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế trong việc giảm chi phí đầu vào.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước liên tục được điều chỉnh. Ảnh: Quang Vinh

Thưa ông, mức giảm Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ 500 – 1000 đồng/ lít mà Bộ Tài chính đề xuất liệu đã hợp lý?

Ông Ngô Trí Long: Việc tính toán giảm Thuế Bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu ở thời điểm hiện nay là không hề dễ dàng. Bởi lẽ, ngân sách nhà nước đang phải gồng gánh các gói hỗ trợ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trong khi đó, đà tăng giá xăng dầu đang gây áp lực lớn lên nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng nên phải tính toán chấp nhận giảm thu ngân sách để giảm giá loại nhiên liệu đầu vào trọng yếu này. Nếu mức giảm phù hợp, doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh tốt thì có thể đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước. Do đó, giảm Thuế Bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu là cần thiết.

Riêng về mức giảm từ 500 – 1000 đồng/lít tôi thấy là tương đối phù hợp. Đương nhiên cá nhân tôi, người tiêu dùng hay doanh nghiệp còn mong giảm hết Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để giá xăng thấp hơn, nhưng Bộ Tài chính còn phải cân đối ngân sách. Trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã dự kiến các chính sách này sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2022 khoảng 51.400 tỷ đồng. Nay phương án giảm Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mà được thông qua áp dụng thì ngân sách còn bị hụt thu chừng 12.000 tỷ đồng nữa. Do vậy, tạm thời trong bối cảnh hiện nay, mức giảm thuế như đề xuất là phù hợp.

Trong giai đoạn giá xăng dầu tăng như hiện nay, nhiều kiến nghị cho rằng, nên xóa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Vậy quan điểm của ông như thế nào?

- Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Khi giá xăng dầu thế giới tăng, giá trong nước tăng theo là tất yếu. Vấn đề là làm sao để giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá tăng thế giới. Chỉ có thể dùng hai công cụ là thuế và quỹ bình ổn giá xăng dầu. Công cụ thuế cũng đã kiến nghị để thực hiện. Còn quỹ bình ổn giá xăng dầu, cũng đã có thời gian bàn lên bàn xuống nên bỏ hay không nhưng đến bây giờ vẫn giữ. Bởi việc kinh doanh xăng dầu trong nền kinh tế thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá, nhất là khi vẫn phải phụ thuộc tới 70% lượng hàng hóa từ nhập khẩu, trong khi giá xăng dầu thế giới luôn biến động bất thường.

Ông Ngô Trí Long.

Về lâu dài, ông có kiến nghị việc điều hành giá xăng dầu cần thay đổi như thế nào để giá trong nước bám sát giá xăng dầu thế giới?

- Giá xăng dầu phụ thuộc vào tính chất của thị trường xăng dầu. Nếu thị trường có sự cạnh tranh thực sự thì nhà nước không cần tham gia vào định giá mà để thị trường quyết định. Nếu còn doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền thì nhà nước cần định giá trần để điều tiết thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.

Luật Cạnh tranh quy định, doanh nghiệp được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường trong các trường hợp: Một doanh nghiệp chiếm thị phần từ 30% trở lên; hai doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 50% trở lên; ba doanh nghiệp chiếm tổng thị phần là từ 65% trở lên; hoặc bốn doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 75% trở lên…

Thị trường bán lẻ xăng dầu hiện nay có 38 doanh nghiệp cùng tham gia cung cấp nhưng riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm 47% thị phần; 3 doanh nghiệp là Petrolimex, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) chiếm gần 70% thị phần. Do đó nhà nước vẫn phải định giá bán xăng dầu.

Khi nhà nước định giá bán phải quy định tần suất điều chỉnh. Tuy nhiên điều chỉnh từ 3 - 5 ngày/lần cũng rất khó. Do đó, chỉ khi nào thị trường xăng dầu có sự cạnh tranh thực sự thì nhà nước không tham gia vào việc định giá nữa.

Trân trọng cảm ơn ông!

Rà soát chi phí kinh doanh định mức trong giá xăng dầu

Theo Bộ Tài chính, hiện nay mức chi phí kinh doanh định mức đối với các mặt hàng xăng RON95, E5RON92 lần lượt là 1.050 đồng/lít và 1.250 đồng/lít; đối với các mặt hàng dầu diesel 0,05s, dầu hỏa, dầu madut lần lượt là 1.000 đồng/lít; 950 đồng/lít và 561 đồng/lít.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc rà soát, đánh giá điều chỉnh chi phí trong kinh doanh xăng dầu đã và đang được Bộ Tài chính rà soát hàng năm theo quy định và cần phải dựa trên báo cáo chuyên đề chi phí kinh doanh được kiểm toán gửi về Bộ Tài chính (kỳ báo cáo: chậm nhất 31/3 hàng năm). Hiện nay, với xu hướng giá thế giới tăng cao, thì việc tăng chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở sẽ tác động thêm làm tăng giá xăng dầu trong nước và qua đó tác động đến người tiêu dùng.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, để tiếp tục triển khai cho năm 2022 theo quy định, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) đã có công văn số 95/QLG-TLSX ngày 18/2/2022 đề nghị các thương nhân đầu mối báo cáo chi phí kinh doanh theo quy định và gửi về trước 31/3/2022. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tổng hợp, rà soát và đánh giá tình hình.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 5 lần và đều tăng liên tục, trong đó, tại lần điều chỉnh gần đây nhất ngày 1/3, giá xăng E5RON92 là 26.077 đồng/lít; xăng RON95 là 26.834 đồng/lít; dầu diesel là 21.310 đồng/lít...

M.Sang

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu: Bao nhiêu thì hợp lý?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO