Giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp cần hợp tình, hợp lý

L.H - Thu Vũ 05/05/2017 08:00

Bộ LĐTB&XH mới công bố dự thảo Nghị quyết điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nếu chỉ giảm với người sử dụng lao động là không công bằng bởi kinh tế suy thoái, người lao động cũng phải gánh không ít khó khăn.

Giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp cần đảm bảo sự công bằng cho người lao động.

Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người sử dụng lao động được Bộ LĐTB&XH đề xuất phương án giảm mức đóng của DN cho người lao động từ 1% lương tháng hiện nay xuống còn 0,5% lương tháng. Nếu mức thu mới được Quốc hội thông qua, Bộ LĐTB&XH tính toán điều này sẽ giúp DN tiết kiệm mỗi năm khoảng 3.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, mức giảm đóng góp trên chỉ áp dụng với người sử dụng lao động, còn người lao động không được giảm. Như vậy, người lao động hằng tháng vẫn phải đóng 1% lương vào quỹ BHTN.

Lý giải giảm mức đóng, Bộ LĐTB&XH cho rằng, đó là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Với mục tiêu giảm chi phí cho DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh nên cần thiết giảm mức đóng vào quỹ BHTN đối với người sử dụng lao động. Việc giảm mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động cũng là hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo điều kiện để bảo vệ vị trí việc làm, phòng tránh thất nghiệp cho người lao động tại DN.

“Hiện DN Việt Nam phải đóng khoảng 34% quỹ lương cho BHXH, phí công đoàn, đây là mức đóng cao nhất trong khu vực ASEAN. Việc giảm mức đóng BHTN cần được thực hiện sớm để tạo điều kiện cho DN bớt khó khăn”, đại diện Bộ LĐTB&XH lý giải.

Mới đây trong phiên họp “hỏa tốc” để cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của QH về điều chỉnh mức đóng Quỹ BHTN đối với người sử dụng lao động quy định tại Điều 57 Luật Việc làm, các đại biểu đều ủng hộ quan điểm hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN.

Tuy nhiên, đề xuất trong dự thảo Nghị quyết đã không thuyết phục được đa số thành viên Thường trực Ủy ban ngay từ vấn đề cốt lõi nhất - có bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động hay không?

Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng đánh giá giải pháp điều chỉnh mức đóng như Bộ LĐTB&XH đề xuất là hiệu quả không cao, sự tác động đến chi phí và kết quả hoạt động của DN là không đáng kể.

Cơ quan này cũng đề nghị Bộ LĐTB&XH cân nhắc kỹ việc điều chỉnh giảm tỷ lệ đóng góp vào Quỹ BHTN, bổ sung báo cáo đánh giá tác động về tình hình cân đối Quỹ đến hết năm 2019 và dự báo giai đoạn tiếp theo sau năm 2019, chi tiết từng chế độ để làm căn cứ đề xuất mức đóng cho phù hợp, bảo đảm khả năng cân đối Quỹ khi thực hiện đầy đủ các chế độ BHTN theo quy định, tránh trường hợp sau khi điều chỉnh, ngân sách nhà nước sẽ lại phải hỗ trợ, gây áp lực lớn đối với ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

Cùng băn khoăn này, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, không nhất trí với dự thảo Nghị quyết và nêu dẫn chứng: Một doanh nghiệp có 1.000 lao động với mức lương bình quân là 5 triệu đồng/người/tháng (đây là mức bình quân khá cao so với thực tế) thì tổng quỹ lương của DN là 5 tỷ đồng/tháng. Nếu giảm 0,5% mức đóng BHTN thì mỗi tháng DN này cũng chỉ giảm được 25 triệu đồng/tháng.

Nếu DN có quy mô dưới 100 lao động, (thực tế hiện nay nước ta đang có đến 90% DN có quy mô này) thì số tiền đóng BHTN chỉ giảm được 2,5 triệu đồng/tháng.

Số tiền này so với chi phí của DN là không đáng kể và cũng không thể nhờ đó mà nâng cao sức cạnh tranh của DN được. Nhấn mạnh điều này, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lưu ý, hiện nay, các khoản đóng góp của người lao động cũng đã khá nhiều, đời sống của đa phần người lao động hưởng lương, nhất là công nhân vẫn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Vì thế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến nghị, nếu giảm mức đóng góp BHTN thì giải pháp hợp tình, hợp lý hơn cả chính là giảm đều cho cả người sử dụng lao động và người lao động.

Khẳng định nếu chỉ giảm cho người sử dụng lao động thì không công bằng, ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, hiện nay không chỉ các DN gặp khó mà người lao động cũng đang gặp khó khăn.

“Bộ LĐTB&XH từng đưa ra lý do việc đóng BHTN chỉ người lao động hưởng lợi nhưng quan điểm này chưa đúng. Từ khi có đóng BHTN, người sử dụng lao động được hưởng nhiều, vì khi tham gia quỹ này người sử dụng lao động không phải trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Nên giảm thì cần có sự bình đẳng, nếu không sẽ gặp sự phản ứng của người lao động...”- ông Quảng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp cần hợp tình, hợp lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO