Giãn cách đã đủ an toàn?

Minh Quang 06/05/2020 08:08

Kể từ ngày 4/5, học sinh (HS) nhiều tỉnh thành “tựu trường” trở lại trong cái nắng gắt tháng 5. Dẫu háo hức mong ngày gặp lại sau một kỳ nghỉ phòng Covid-19 khá dài, nhưng thầy trò đều mang tâm trạng e dè, lo lắng bởi phải học tập trong những điều kiện khác biệt. Như việc lớp học chia thành nhóm nhỏ, bắt buộc phải thực hiện các yêu cầu giãn cách và vệ sinh phòng dịch; không tổ chức các hoạt động tập thể tại sân trường; tổ chức chào cờ trong lớp học…

Giãn cách đã đủ an toàn?

Ngày đi học trở lại của học sinh Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Tại Hà Nội, để đảm bảo giãn cách học sinh theo quy định của Bộ GDĐT, đa số các trường THCS và THPT đã tiến hành chia nhỏ lớp học. Như vậy, các em được học luân phiên theo buổi hoặc theo lịch cách ngày để đảm bảo mật độ HS trong mỗi lớp. Tại một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương…khi trở lại trường, học sinh không chỉ đeo khẩu trang mà còn đeo cả tấm chắn giọt bắn trong lớp học khi trở lại trường, để phòng chống dịch Covid-19.

Sau ngày trở lại trường đầu tiên, những hình ảnh về nón chắn giọt bắn của HS ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Không ít băn khoăn được đặt ra cách phòng dịch như vậy là người lớn đang thương hay là hại các con? Theo phân tích từ các chuyên gia y tế, nón chắn chỉ dành cho những người chăm sóc trực tiếp bệnh nhân, đối diện với người bệnh, khi họ ho thì có kiếng chắn ngăn giọt bắn bất ngờ. Việc mang nón tấm chắn chỉ phù hợp cho học sinh lúc ra chơi, các em vui đùa nhiều khi ho thì người đối diện tránh không kịp. Còn sử dụng suốt và liên tục trong giờ học là điều không nên, thời tiết lại nắng nóng. Tấm chắn có khoảng cách sát mặt, khiến tầm nhìn bị ảnh hưởng, nhìn không rõ, mỏi mắt, có khả năng ảnh hưởng thị lực. Đó là chưa kể các em nghịch nhau có thể kiếng tấm chắn bể gãy, sẽ dẫn đến nhiều câu chuyện ngoài ý muốn khác…

Với yêu cầu giãn cách mà các trường đang thực hiện, trên thực tế việc này cũng hề đơn giản. Ví như khi ngồi trong lớp còn có thể thực hiện được, tới giờ ra chơi thì thật khó để yêu cầu các em không được đứng gần nhau. Cho dù theo quy định, HS không được tụ tập khi ra chơi, nhưng trẻ em vốn hiếu động, ưa vận động nên thật khó để bắt các con ngồi yên một chỗ trong suốt buổi học (với khẩu trang kín mít và không có điều hòa). Vì thế mà việc HS hẳn sẽ tranh thủ nghỉ giải lao để túm tụm trò chuyện, vui đùa- dù có thể chỉ trong chốc lát… Các thầy cô giáo dù có gồng mình hết sức cũng khó quản lý và bao quát xuể.

Rồi lại có những ý kiến từ các phụ huynh phân tích, vẫn biết theo khuyến cáo của Bộ Y tế, dịch bệnh dễ lây lan hơn trong môi trường bật điều hòa, nhưng với thực tế hiện nay, khi chúng ta đã qua gần 20 ngày không có ca bệnh lấy lan trong cộng đồng, (có thể nói dịch đang được kiểm soát tương đối tốt), trong lớp học các con đã chấp hành việc giãn cách tốt, đeo khẩu trang đầy đủ, trước khi vào lớp các con cũng được đo thân nhiệt, thì có nên gỡ bỏ bớt quy định về việc không được sử dụng điều hòa trong lớp học hay không? Trên thực tế nhiều cơ quan, đơn vị cũng đã trở lại làm việc bình thường, người lớn đã được sử dụng điều hòa, tại sao HS lại không thể?

Điều đáng quan tâm hơn nữa là việc giãn cách lớp học kết hợp với học trực tuyến như hiện nay, giáo viên phải làm việc gấp đôi bình thường. Các thầy cô bị áp lực và rất vất vả, vấn đề đặt ra là việc hỗ trợ các thày cô sẽ được ngành giáo dục thực hiện ra sao? Trong khi cuộc chiến chống Covid-19, cũng như khôi phục cuộc sống, nếp sinh hoạt “hậu” Covid còn nhiều thách thức, rất cần một giải pháp căn cơ và tổng thể để những người trong cuộc không bị thiệt thòi.

Như thế, giãn cách HS đã đủ an toàn hay chưa? Rõ ràng chúng ta mới đang giải quyết vấn đề trong khuôn viên, phạm vi trường học. Theo như phân tích của ông Nguyễn Tùng Lâm- Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), những tiêu chí như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang,… không đáng lo ngại. Điều lo nhất khi HS đi học lại không chỉ là khoảng cách chỗ ngồi của các em trong phòng học mà chính là khi HS bước ra khỏi phòng học. Lo nhất là giờ ra chơi, ra về, các em ôm vai bá cổ hoặc ngồi tụm lại chuyện trò thân mật với nhau, cùng ăn chung, uống chung. Thế nên, cái chính là giáo dục ý thức phòng dịch bệnh cho học sinh và giáo viên.

Xung quanh những băn khoăn về giãn cách, đại diện Bộ GDĐT cũng cho hay: Tùy theo điều kiện cụ thể, các nhà trường linh hoạt thực hiện tổ chức dạy học trong giai đoạn “giao thời”, khi dịch chưa chấm dứt hoàn toàn để giữ an toàn cho học sinh. Bộ GDĐT không quy định cứng phải đảm bảo đúng khoảng cách 1,5m. Đây là khuyến cáo để các nhà trường căn cứ vào đó có các giải pháp triển khai.

Như vậy, những yêu cầu về phòng chống dịch của Bộ Y tế, Bộ GDĐT để đảm bảo những điều kiện an toàn khi HS trở lại trường là cần thiết, nhưng khi triển khai thực hiện, cần căn cứ vào tình hình thực tế, không nên áp những qui định quá cứng nhắc. Làm sao để thầy và trò không chủ quan, nhưng cũng không quá bị gò bó; không phải dạy và học trong tình trạng quá ư dè dặt…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giãn cách đã đủ an toàn?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO