Gian nan cuộc chiến hàng giả, hàng nhái

Thanh Giang 01/06/2017 08:35

“Một số sản phẩm “made in Japan” không bán ở thị trường Việt Nam nhưng vẫn bị làm nhái thương hiệu, thậm chí có tình trạng dùng tên thương hiệu để ghi lên sản phẩm kém chất lượng”. Đó là thông tin mà doanh nghiệp Nhật Bản than phiền về tình trạng hàng giả đang được bày bán trên thị trường Việt Nam.

Nhiều mặt hàng tiêu dùng bị nhái thương hiệu.

Nhiều sản phẩm bị làm giả

Ngày 31/5, tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống hàng giả, thực thi quyền sở hữu trí tuệ do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) phối hợp cùng Chi cục Quản lý thị trường TP HCM tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp Nhật cho rằng, quá nhiều sản phẩm đang nhái thương hiệu. Đơn cử như: đồ dùng thể thao, điện tử, điện lạnh,…

Ông Hideki Katano, đại diện Phòng sở hữu trí tuệ Công ty ASICS (công ty chuyên sản xuất các sản phẩm và phụ kiện thể thao) cho hay: Asics là thương hiệu thể thao lớn thứ 4 thế giới sau Adidas, Nike và Puma, hiện Asics. Tháng 3/2017, Asics khai trương cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Vincom Mega Mall Hà Nội, tuy nhiên ở thị trường TP HCM Công ty đã phát những sản phẩm nhái.

Hầu hết những sản phẩm này có chi tiết khác với hàng thật về màu sắc, ông Katano lưu ý người dùng, khi có nghi ngờ về sự thật giả của sản phẩm thì cần kiểm chứng.

Bởi vì, sử dụng hàng giả sẽ không phát huy được tối đa khả năng thi đấu, trình diễn mà còn có nguy cơ cao dẫn đến chấn thương. Tương tự, ông Jun Okubo, đại diện Công ty Yonex cũng cho hay, tại Việt Nam có đủ các dòng sản phẩm giả mạo, không thiếu sản phẩm nào. Nhiều sản phẩm vợt, giày, quần áo của công ty cũng đang bị làm giả.

Không riêng gì mặt hàng quần áo, dụng cụ thể thao, mặt hàng điện tử cũng bị nhái thương hiệu một cách tinh vi, thậm chí có tình trạng dùng tên thương hiệu để ghi lên sản phẩm kém chất lượng.

Đại diện Công ty Panasonic khẳng định, sản phẩm nhái thương hiệu và tình trạng dùng tên thương hiệu này gắn cho các sản phẩm khác không phải là chuyện mới. Theo đại diện này, nhờ có lực lượng chức năng nên lượng hàng giả có giảm. Tuy nhiên, ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn nhiều sản phẩm máy sấy tóc, nồi cơm điện, bình thủy vẫn vô tư bày bán.

Không đủ sức răn đe

Các sản phẩm nhái lợi dụng sự tín nhiệm của thương hiệu chính hãng để đưa sản phẩm nhái len lỏi vào thị trường, bên cạnh việc lừa đảo người tiêu dùng, làm giảm uy tín thương hiệu còn gây ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia.

Ông Mai Ngọc Thạch – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khuê Sài Gòn (nhà phân phối chính thức và bảo hành duy nhất đồng hồ Casio tại Việt Nam) phản ánh: Tem của hãng Casio bị làm giả trên thị trường. Để chống hàng giả, Công ty Anh Khuê phải dán tem chống hàng giả của công ty để hạn chế rủi ro cho khách hàng và cho thương hiệu.

Thế nhưng, năm 2016 lực lượng chức năng cũng đã xử lý, bắt giữ 20 vụ hàng giả nhãn hiệu Casio, tịch thu và tiêu huỷ hơn 500 tang vật. Theo đó, tất cả các tang vật thu giữ đều không có dán tem chống giả của Công ty Anh Khuê Sài Gòn.

Liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, ông Nguyên Thành Phương – Trưởng phòng nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM thông tin, trong năm 2016, đơn vị xử lý 228 vụ hàng hoá giả mạo nhãn hiệu Nike và Converse trên địa bàn TP HCM với 31.801 sản phẩm.

Ngoài ra, qua kiểm tra, còn phát hiện và xử lý 102 vụ với tổng hơn 2.000 sản phẩm đồng hồ giả các nhãn hiệu Rolex, Hermes, Montblanc,…

Trong 5 tháng đầu năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM kiểm tra 198 vụ hàng giả, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, gồm: quần áo, mắt kính, đồng hồ đeo tay, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đinh vít… trị giá hàng hoá vi phạm 1,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thành Phương cho hay, các sản phẩm, thương hiệu hay bị làm giả nhiều gồm có quần áo, giày dép, mắt kính, thực phẩm chức năng, máy mài, máy khoan…

Bàn về nguyên nhân dẫn đến hiệu quả thấp của công tác chống hàng giả, đa số doanh nghiệp khẳng định, quy định xử lý và mức chế tài quá nhẹ cho nên không đủ tính răng đe cao.

Các đối tượng làm giả hoặc kinh doanh sẵn sàng nộp phạt vì mức phạt không đáng kể so với lợi nhuận họ kiếm được. Theo cộng đồng doanh nghiệp, muốn công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng hiệu quả cao biện pháp mạnh chính là tăng chế tài, xử phạt nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp, kinh tế quốc gia.

Năm 2016, lực lượng quản lý thị trường TP HCM đã kiểm tra 5.710 vụ, trong đó có 5.396 vụ vi phạm công tác kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại.

Cơ quan chức năng xử phạt 5.043 vụ, nộp vào ngân sách nhà nước gần 134 tỷ đồng tiền phạt, tiền bán hàng tịch thu và tiền buộc nộp lại từ thu lợi bất chính. Song song đó, lực lượng chức năng chuyên ngành tiếp tục thi hành 153 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt gần 6,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 19 vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả với trị giá hàng hoá vi phạm khoảng 16,3 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan cuộc chiến hàng giả, hàng nhái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO