Gian nan tìm lại nguồn cội của tộc người Ơ Đu

Bắc Vũ 02/12/2016 14:44

Theo khảo sát, hiện nay dân tộc người Ơ Đu (thuộc dân tộc dưới 1.000 người) hiện chỉ còn gần 600 người, sống chủ yếu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An) và được xác định đây một trong năm tộc người có dân số ít nhất Việt Nam cần phải bảo tồn, lưu giữ. Nhưng hiện nay, tộc người Ơ Đu đang đứng trước nguy cơ mai một…

Nhà sàn của người Ơ Đu.

Níu giữ một tộc người

Đối với người Ơ Đu, họ có rất nhiều phong tục, quan niệm khác với các dân tộc còn lại. Trong đó, người trong cùng một dân tộc không được lấy nhau. Bởi vậy, con dâu, con rể của dân tộc này thường là người dân tộc Thái, Kinh, Khơ mú… Do đó, mới có chuyện người con dâu Thái lưu giữ trang phục của người dân tộc Ơ Đu.

Chị Mạc Thị Tím, trú tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An) là một ví dụ.

Lấy chồng người dân tộc Ơ Đu nên chính những nét văn hóa, trang phục, ngôn ngữ của người Ơ Đu đã làm chị xao lòng.

“Khi về nhà chồng, bản thân mình là người tộc Thái, nhưng sau thời gian sinh sống, mình thấy trang phục của người Ơ Đu rất đẹp, có nhiều hoa văn, trang trí cầu kỳ. Dần dà, mặc thử và rồi đến hôm nay mình cứ mặc nó vào những ngày lễ hội để chứng minh mình là con của người Ơ Đu. Nhưng sâu thẳm trong suy nghĩ của mình chính là góp một phần nào đó để lưu giữ nét văn hóa của người Ơ Đu”, chị Tím chia sẻ.

Chị Mạc Thị Tím, người con dâu của dân tộc Ơ Đu với bộ trang phục truyền thống gần như đầy đủ của người Ơ Đu.

Tuy nhiên, theo chị Mạc Thị Tím, học tiếng Ơ Đu rất khó, cùng với việc ít dùng nên chỉ nói được vài câu chào hỏi chứ để biến thành ngôn ngữ trao đổi hàng ngày chỉ có một số cụ trên 70 tuổi mới nói được.

Nếu như chị Tím là một người con dâu đang còn lưu giữ những nét văn hóa của người Ơ Đu bằng những trang phục, thứ tinh hoa bề nổi của một tộc người thì ba vị “trưởng lão” của dân tộc này lại đang giữ cái hồn cốt của tộc người Ơ Đu, đó là ngôn ngữ.

Ba vị già làng này cũng đã nằm ở cái tuổi xưa nay hiếm, có thể tai đã lãng, trí nhớ không còn minh mẫn nhưng những ngôn ngữ của người tộc mình thì họ vẫn nói vanh vách. Đây chính là kho tư liệu sống cho cộng đồng tộc người Ơ Đu cũng như cho nghiên cứu về sau.

Gặp cụ Lô Văn Nghệ (72 tuổi) trú tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An) trong căn nhà sàn tại khu tái định cư bản Văng Môn, cụ cho biết, lịch sử về dân tộc Ơ Đu đã có từ xa xưa, trước kia người Ơ Đu là một dân tộc hùng cường, phát triển. Nhưng rồi, trải qua những thăng trầm của thời cuộc, đến hôm nay chỉ còn một nhóm nhỏ.

Cũng theo cụ Nghệ, thực sự đến hôm nay, ngôn ngữ Ơ Đu còn lưu giữ là rất ít, nó tồn tại dưới dạng những câu nói cơ bản hàng ngày. Bởi sự thăng trầm của lịch sử, nhưng phần nữa là nó cũng khá khó học, không những vậy do sống trong quần thể của nhiều dân tộc khác nên bị lai tạp, đồng hóa. Do đó, văn hóa người Ơ Đu đang bị mai một dần.

Hiện nay, những từ ngữ cơ bản mà cụ Nghệ và một số già làng còn lưu giữ như Mủ Dị tạ lờ- Bạn ở đâu?, Mủ lam xăng bọ- Bạn có khỏe không? hay Mủ gua chu dinh choan: Mời anh về nhà tôi uống nước. Mặc dù vậy, thì những ngôn ngữ nói của người Ơ Đu một phần phải sử dụng tiếng của người Thái, riêng chữ viết thì chính thức không còn.

Ngoài cụ Nghệ, bản Văng Môn – nơi hơn 450 người Ơ Đu còn sinh sống còn có cụ Lo Văn Bằng (80 tuổi), cụ Lo Thanh Bình. Theo cụ Bằng thì số lượng hơn 300 từ là ngôn ngữ Ơ Đu còn lưu giữ thì cũng mất một phần ba là pha tạp, mượn của dân tộc khác.

“Người Ơ Đu chúng tôi trước kia rất thịnh vượng, từng cai quản một vùng rộng lớn ở miền Tây xứ Nghệ và một phần các tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng (Lào). Và đến hôm nay, trải qua mấy trăm năm, số lượng con người cũng như văn hóa đã mai một nhiều. Việc lưu giữ nền văn hóa Ơ Đu là rất khó khăn, chính như chúng tôi đây cũng chỉ biết rất ít những ngôn từ gốc gác của tộc mình”, cụ Nghệ trầm ngâm.

Cụ Lô Văn Nghệ - một trong 3 người còn nói và hiều được tiếng Ơ Đu.

Vô cùng khó khăn

Theo nghiên cứu thì lịch sử của dân tộc Ơ Đu trước kia thuộc Tiểu quốc Bồn Man, sông xung quan lưu vực sông Nậm Nơn, Nậm Mộ trải dài từ huyện Tương Dương (Nghệ An) và một phần trên đất Lào. Tộc người Ơ đu xưa có một xã hội khá phát triển. Họ sống bằng nghề làm ruộng, phát nương làm rẫy, đào đãi vàng, chài lưới, và buôn bán trên sông, những địa danh như Xiêng Tắm, Xiêng Lăm, Tạ Xiêng... luôn tấp nập thuyền bè xuôi ngược.

Lịch sử chiến đấu giành đất sống luôn xảy ra đối với các dân tộc, tộc người Ơ Đu cũng không tránh khỏi vòng xoáy đó, những cuộc nội chiến để tranh giành đất sinh sống bắt đầu từ đây.

Dân số ít, thế lực yếu người Ơ Đu lại bị dồn vào nơi đầu suối, ngọn khe. Để tránh nguy cơ bị diệt vong, một bộ phận người Ơ đu phải bỏ tiếng nói, tên gọi, phong tục, tập quán của mình, sống đan xen, lệ thuộc vào người Thái, Khơ mú.

Những truyền thuyết của người Thái, Khơ mú đều khẳng định vùng đất thượng nguồn Nậm Nơn, Nậm Mộ xưa đều là đất do người Ơ Đu khai phá, những cái tên hang động, tên suối, ngọn núi còn mang đậm thanh âm của tiếng Ơ Đu.

Theo cụ Lo Văn Bằng, tiếng Ơ Đu khó học, lại không còn chữ viết nên việc mai một văn hóa là không tránh khỏi.

Mất đất, người Ơ đu phải làm thuê, cuốc mướn cho chúa mường, chúa bản của người Thái. Họ bị áp bức, chèn ép về tinh thần và cướp đoạt về địa vị kinh tế, phải chịu cuộc sống khổ cực, cái tên Tày Hạt (theo tiếng Thái là người rách rưới hay đói rách) cũng xuất hiện từ đó.

Và chính điều đó, đã làm cho nên văn hóa người Ơ Đu dần mai một, bởi một thực tế là họ không muốn nhớ lại một thời lịch sử đau buồn của dân tộc mình. Theo ông Lương Văn Tuất, Phó ban Dân tộc (Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An), việc lưu giữ văn hóa của người Ơ Đu rất khó, một mặt vì nền văn hóa của họ đã mai một qua từng năm tháng, nhưng phần lớn chính bản thân người Ơ Đu cũng không muốn nói đến họ vì họ cho rằng dân tộc mình từng là “đứa ở rách rưới” nên không muốn nhớ”.

Tuy vậy, việc lưu giữ văn hóa người Ơ Đu là rất cần thiết không chỉ cho sự đa dạng của văn hóa Việt mà đó còn là lưu giữ một tộc người có ảnh hưởng nhất định trong lịch sử hình thành nước Việt.

Theo ông Tuất, hiện ở huyện Mường Khu, Xiêng Khoảng (Lào) tộc người Ơ Đu đang sinh sống tập trung đông nhất, dân số khoảng 48 hộ, 242 người và đang còn lưu giữ rất nhiều nét văn hóa của người Ơ Đu, thậm chí cả ngôn ngữ và chữ viết. Đây là cơ sở để bảo tồn một tộc người có nguy cơ mai một.

Thông tin từ Ban dân tộc huyện Tương Dương cũng cho hay, hiện nay Chính phủ đã có đề án bảo tồn người dân tộc Ơ Đu ở huyện Tương Dương. Mong rằng đề án này sẽ là cú hích để cho cho tộc người Ơ Đu tại Nghệ An tìm lại được nguồn cội của chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan tìm lại nguồn cội của tộc người Ơ Đu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO