Giáo dục và kỳ vọng đổi mới

Thu Hương 30/01/2020 08:00

So với Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 hiện đang được áp dụng, Luật Giáo dục 2019 có những điểm mới rất đáng chú ý.

Giáo dục và kỳ vọng đổi mới

Ảnh minh họa.

7 điểm mới cơ bản

Thứ nhất, làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục.

Thứ hai, luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH1. Sách giáo khoa triển khai chương trình GDPT, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình GDPT về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa, thực hiện việc xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa (Điều 32).

Thứ ba, bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận và việc chuyển đổi loại hình trường trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; quy định cụ thể vị trí, chức năng, thành phần hội đồng trường

Thứ tư, quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học.

Thứ năm, quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm.

Thứ sáu, quy định chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập.

Thứ bảy, quy định về đầu tư và tài chính cho giáo dục. Luật Giáo dục quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước (Khoản 1 Điều 96).

Ngoài ra, Luật Giáo dục đã sửa đổi quy định quản lý chặt chẽ nguồn thu, chi tài chính, quản lý tài sản theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý sử dụng tài sản công đối với các cơ sở giáo dục công lập; nhấn mạnh trách nhiệm giải trình, thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định của pháp luật (Điều 95, Điều 101…).

Từ những đổi mới cơ bản nêu trên, theo các chuyên gia, Luật Giáo dục 2019 đang mở ra rất nhiều những cơ hội cho sự nghiệp đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của các Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2019 và nhiều luật khác, để việc triển khai Luật Giáo dục 2019 được đúng lộ trình và sớm đi vào thực tiễn, cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn và các văn bản dưới luật khác. Thời gian từ nay đến khi Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực chỉ còn 6 tháng, Ban Soạn thảo cần sớm triển khai và đưa ra lấy ý kiến dư luận rộng rãi để các chuyên gia, nhà quản lý, thầy cô giáo và những người quan tâm được trao đổi, góp ý, từ đó làm sáng rõ hơn những điểm còn băn khoăn có thể gặp phải trong quá trình thực thi Luật.

Thay đổi chính sách đối với giáo viên

Làm sao để thu hút người giỏi vào học ngành sư phạm là vấn đề đặt ra lâu nay đối với ngành giáo dục không chỉ mỗi dịp tuyển sinh đại học mà là câu hỏi thường trực với tất cả những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Luật Giáo dục 2019 đã bước đầu đặt ra những quy định cơ bản liên quan tới nhà giáo. Cụ thể là chính sách nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học; quy định nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ. Đối với sinh viên sư phạm, theo luật mới, được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học.

Theo GS Đào Trọng Thi- nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, những chính sách này rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ đội ngũ giáo viên là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục, đặc biệt khi Chương trình GDPT mới sẽ chính thức triển khai từ năm học 2020-2021. Hiện Bộ GDĐT và các bên liên quan đang có những tính toán, điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên. Bộ đã đặt hàng Trường ĐH Kinh tế quốc dân xây dựng lại toàn bộ định mức làm việc của giáo viên theo Chương trình GDPT mới; xem với chương trình ấy, trong 1 buổi, 1 ngày, 1 tuần, giáo viên phải làm việc bao nhiêu thời gian; quy đổi theo 40 giờ làm việc theo quy định của Nhà nước thì sẽ ra được có bao nhiêu tiết phải đứng lớp, bao nhiều tiết chuẩn bị; từ đó ra được số giáo viên trên lớp.

Với riêng sinh viên ngành sư phạm, mặc dù lâu nay chúng ta có chính sách miễn học phí nhưng qua thực tế tuyển sinh hàng chục năm qua cho thấy, đây vẫn chưa thực sự trở thành động lực khuyến khích sinh viên vào học ngành sư phạm, nhất là trong bối cảnh nhiều ngành nghề trong xã hội hấp dẫn hơn, lương và thu nhập bình quân tăng cao hơn.

Tương tự như vậy, với chế độ hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm sắp tới cũng sẽ chỉ là một giải pháp “phần ngọn”. Để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, cần có giải pháp đồng bộ hơn. Trong đó, gốc rễ chính là cơ hội việc làm, là điều kiện công tác và cuộc sống nhà giáo được cải thiện qua chính sách tiền lương và môi trường làm việc.

Chỉ khi có những thay đổi mang tính căn bản này thì sư phạm mới trở về đúng vị trí là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Khi đó, bài toán nâng cao chất lượng giáo viên cũng sẽ được giải bởi cơ chế đãi ngộ tốt sẽ tự đào thải những người không phù hợp về năng lực, trình độ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục và kỳ vọng đổi mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO