4 kỳ nghỉ trong năm, nên chăng?

Nguyên Hương 23/02/2020 08:00

Việt Nam đã cơ bản khống chế được virus Covid-19, dự kiến học sinh sẽ trở lại trường học vào đầu tháng 3. Tuy nhiên, trong lúc căng thẳng đối phó với bệnh dịch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đưa ra đề xuất: Tính đến phương án cho học sinh nghỉ 4 kỳ thay vì 2 kỳ trong đó kỳ nghỉ hè dài như hiện nay. Đề xuất này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

4 kỳ nghỉ trong năm, nên chăng?

Hãy để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Ảnh: NLĐ.

Nhiều ưu điểm

Tại cuộc họp ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội tuần trước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đề xuất Bộ GDĐT xây dựng kế hoạch và tổ chức 4 kỳ nghỉ trong một năm như nhiều quốc gia khác.

Tại sao lại nghỉ 4 kỳ chứ không phải 2 kỳ như hiện nay, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, nếu có 4 kỳ nghỉ thì tổng thời gian nghỉ hè vẫn là 3 tháng, trong đó nghỉ hè kéo dài 35 ngày, nghỉ Tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại mỗi kỳ kéo dài 2 tuần. Ông cho biết, việc này còn đảm bảo kích cầu tiêu dùng và phân luồng, phân bố lại tình hình giao thông của thành phố tốt hơn. Đề xuất này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các nhà quản lý giáo dục.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (quận Nam Từ Liêm) cho rằng đề xuất này khá hợp lý. “Phương án này hoàn toàn khả thi và nếu làm được sẽ rất tốt. Nhiều nước ở Bắc Bán cầu hay Nam Bán cầu cũng đã làm được điều này dù thời tiết và tập quán sinh hoạt ở các nơi rất khác nhau”.

Theo ông Khang, việc kéo dài kỳ nghỉ hè lên 3 tháng có nhiều nhược điểm như thời gian nghỉ dài khiến kiến thức của học sinh “rơi vãi”. Việc khởi động năm học sau sẽ là một sức ì lớn, do đó rất vất vả cho giáo viên. Nếu kỳ nghỉ hè chỉ kéo dài 35 ngày, rõ ràng sẽ giảm được điều đó và khởi động năm học mới cũng sẽ dễ dàng hơn.

“Chúng ta có cách gọi 2 học kỳ nhưng thực chất vẫn có 4 module kiến thức là giữa học kỳ I, II; cuối học kỳ I, II. Cuối học kỳ I thường trùng với kỳ nghỉ Tết và cuối học kỳ II là dịp nghỉ hè. Cho nên, nếu lấy bớt thời gian của gần 2 tháng hè chia cho thời gian Tết và 2 kỳ nghỉ 2 tuần giữa mỗi học kỳ là hợp lý. Điều này sẽ tạo ra các “chặng” để có những “điểm nghỉ” cho cả học sinh và giáo viên”.

Bên cạnh đó, theo ông Khang, nếu chia thành “4 chặng” như vậy sẽ có lợi về mặt tổ chức giảng dạy và tổ chức học tập.

“Trước mỗi kỳ nghỉ 2 tuần sẽ có hoạt động ôn tập và thi cử để “chốt” lại kiến thức. Như vậy cũng rất cân đối và linh hoạt. Bởi, nếu đến cuối học kỳ I mới bắt đầu ôn tập lại kiến thức của cả học kỳ sẽ rất mệt vì phải ôn tập dài hơn. Nhưng nếu chốt nửa học kỳ đầu, thì nửa học kỳ sau việc kiểm tra cũng gọn hơn, ôn tập cũng sâu hơn và việc thi cử đối với học sinh cũng nhẹ nhàng đi”. Tuy nhiên, ông Khang cũng băn khoăn là phương án này nếu được chấp thuận thì cần được triển khai đồng loạt trên 63 tỉnh thành thay vì chỉ áp dụng ở Hà Nội hay một vài địa phương.

Nên cân nhắc kỹ lưỡng

GS.TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, đây là một ý kiến cần tham khảo, tuy nhiên sắp xếp thế nào cần có các nhà khoa học, nhà chuyên môn tính toán, từ yếu tố thời tiết, địa lý đến sinh hoạt xã hội, thói quen, tập tục, những ngày lễ hội khác nhau... rồi mới tính toán. Theo ông Dong, các kỳ học và kỳ nghỉ ở các nước không phải đều giống nhau mà tùy tình hình cụ thể của mỗi nước. Thông thường, nếu những nước có nền kinh tế và sự phát triển tương đồng nhau thì sẽ tổ chức năm học, các kỳ thi, kỳ nghỉ... tương đối giống nhau.

Chẳng hạn, nếu chương trình tương đồng các nước tổ chức phổ thông phải 12 năm, nhưng có nước chỉ là 9 năm-10 năm, có nước lại 13 năm..., tuy nhiên hầu hết chọn 12 năm. Trong 12 năm học ấy, người ta sẽ tính toán bao nhiêu buổi học và bao nhiêu tiết học tương ứng kèm theo, từ đó bố trí giữa học tập và nghỉ ngơi cho hợp lý để học sinh có đủ khả năng tiếp cận tri thức.

Không chỉ phụ thuộc vào chương trình học mà còn dựa vào tình hình thời tiết, vì sao lại nghỉ hè tới 3 tháng bởi vì dịp hè rất nóng, học sinh đi học thời điểm đó rất vất vả cho nên chúng ta mới cân nhắc phương án nghỉ như vậy. Chưa kể, ở Việt Nam, Tết cổ truyền diễn ra sau Tết Tây, thậm chí sát Tết Tây, nếu nghỉ Tết Tây dài rồi lại nghỉ tiếp Tết cổ truyền nữa thì không ổn.

Như vậy nghỉ thế nào, học ra sao tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó không thể bỏ qua yếu tố thời gian làm việc của các bậc phụ huynh. Chẳng hạn, ở các nước như Nga, Canada vào mùa đông, sinh hoạt khoa học và các cơ quan phần lớn 9-10h sáng mới bắt đầu và họ làm thông tầm luôn cho đến 3h chiều, chỉ dành khoảng 30 phút cho bữa trưa, nhưng ở ta thì không thể áp dụng như vậy. Thế nên, lịch học và lịch nghỉ của học sinh cần linh hoạt, phù hợp với sinh hoạt, đời sống của người dân và tốt nhất nếu có nghiên cứu cách phân kỳ mới thì cần phải nghiên cứu kỹ, trưng cầu dân ý.

Nhiều ý kiến đề nghị nếu đổi lịch nghỉ phải cân nhắc rất nhiều vấn đề, đặc biệt là thói quen của xã hội bao năm qua. Phải tính toán sự tương đồng về ngày nghỉ của cha mẹ để có thể quản lý con. Tức phải thay đổi lớn, không chỉ lịch học, lịch nghỉ của con mà cả lịch nghỉ của cha mẹ. Hơn nữa phải thiết kế chương trình học của từng cấp sao cho không bị căng về lịch học. Chẳng hạn dài thời gian năm học nhưng số tiết học trong một buổi cần ít hơn để học sinh không bị học muộn quá. Ngoài ra, cần tính toán và lập thời gian cho các kỳ thi phù hợp bởi sẽ kéo theo thời điểm tổ chức các kỳ thi thay đổi. Đặc biệt, cần có nghiên cứu, khảo sát cụ thể về sự đồng thuận của xã hội.

Trong khi đó nhiều ý kiến lại đề nghị nên giữ nguyên lịch nghỉ như hiện tại đó là thực hiện 2 kỳ nghỉ. Tuy nhiên, có thể tăng thời gian nghỉ tết và giảm nghỉ hè, còn nghỉ giữa của hai học kỳ thì không cần thiết vì sẽ làm ngắt đoạn quá trình học tập nhiều quá không tốt đối với học sinh. Không những thế, nhiều bậc cha mẹ băn khoăn về việc lấy ai trông con khi nhiều kỳ nghỉ như vậy, nhất là đối với trẻ ở độ tuổi mầm non.

Lịch học và lịch nghỉ của học sinh cần linh hoạt, phù hợp với sinh hoạt, đời sống của người dân và tốt nhất nếu có nghiên cứu cách phân kỳ mới thì cần phải nghiên cứu kỹ, phải cân nhắc nhiều vấn đề, đặc biệt là thói quen của xã hội. Phải tính toán sự tương đồng về ngày nghỉ của cha mẹ để có thể quản lý con. Tức là phải thay đổi lớn, không chỉ lịch học, lịch nghỉ của con mà cả lịch nghỉ của cha mẹ. Hơn nữa phải thiết kế chương trình học của từng cấp sao cho không bị căng về lịch học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    4 kỳ nghỉ trong năm, nên chăng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO