Cách nào để bảo vệ học sinh?

Văn Minh 23/12/2018 09:00

Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra sự việc thầy cô giáo bạo hành học sinh dẫn đến chấn thương thân thể và tâm lý các em. Đặc biệt sự việc xâm hại tình dục hàng loạt học sinh xảy ra tại một trường dân tộc nội trú ở Phú Thọ thực sự là hồi chuông cảnh báo về vấn đề đạo đức học đường.

Cách nào để bảo vệ học sinh?

Vi phạm đạo đức nghiêm trọng

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục, hay cứ 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất một đứa trẻ bị xâm hại tình dục. Số lượng các vụ trẻ em nam bị xâm hại tình dục không được thống kê riêng.

Mới đây nhất, ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, đã bị bắt tạm giam với cáo buộc xâm hại tình dục nhiều nam sinh trong một thời gian dài. Chiều 15/12, lãnh đạo UBND huyện Thanh Sơn, cho biết, công an huyện này đã ra quyết định khởi tố và bắt ông My để điều tra hành vi Dâm ô với người dưới 16 tuổi, theo Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015.

Mới đây, ngày 18/12 tại hội nghị tổng kết 10 năm trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) giai đoạn 2008-2018 tại Yên Bái, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ rất đau lòng và kịch liệt lên án với vụ việc này.

Bộ trưởng cho rằng đó cũng là bài học xương máu cho việc giáo dục giới tính của học sinh. Với các cháu trong trường nội trú, xa nhà, các thầy cô phải đóng vai trò như bố mẹ trong gia đình, nhưng nếu các thầy cô không gương mẫu, mà còn có những hành vi phi đạo đức thì không thể chấp nhận được, đành rằng đây là trường hợp cá biệt. Qua đây, Bộ trưởng nhấn mạnh đến vai trò của thầy giáo, cô giáo trong các trường dân tộc nội trú không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, dạy đạo đức lối sống cho học sinh dân tộc thiểu số.

Trong một diễn biến liên quan, chiều 18/12, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 12287/VPCP-KGVX thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo đưa Hiệu trưởng Trường PTDTNT Trung học cơ sở Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ ra khỏi ngành ngay khi có đủ căn cứ về hành vi xâm hại tình dục học sinh.
Nguyên nhân nào?

Theo các chuyên gia pháp luật có nhiều nguyên nhân dẫn đến xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có trẻ nam, nhưng có hai nguyên nhân chính là khoảng trống trong hệ thống pháp luật và nhận thức xã hội. Chế tài xử phạt tuy có nhưng không tương xứng với hành vi xâm hại. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em dù đã có bằng chứng rõ ràng, thậm chí có dấu hiệu hình sự, lại được xử lý theo cách “hòa giải”.

Cùng một hành vi xâm hại tình dục trẻ em nhưng nạn nhân là bé gái thì người phạm tội có thể bị tử hình, còn nạn nhân bé trai thì chỉ bị xử tù hơn 10 năm. Theo các chuyên gia bảo vệ trẻ em, khi bị xâm hại tình dục, sự tổn thương về thể xác lẫn tinh thần của các bé trai không hề nhẹ nhàng hơn các bé gái. Thậm chí hậu quả bé trai phải gánh chịu còn nặng nề hơn vì các em phải chịu đựng sự “kỳ thị kép”. Là nạn nhân của tình trạng lạm dụng tình dục đã là một cơn ác mộng khủng khiếp, nhưng quan niệm của xã hội về việc các bé trai phải mạnh mẽ, không thể nào là nạn nhân khiến cho vết thương tâm lý của các em còn nặng nề hơn. Các bé trai nạn nhân thường chọn cách im lặng vì xấu hổ. Đây cũng là điều mà những kẻ xâm hại lợi dụng để thoát tội.

Mặc dù số nạn nhân nữ bị xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao hơn nhưng các nạn nhân nam có rất ít sự lựa chọn trong việc điều trị tâm lý. Các em cần có bác sĩ trị liệu và bác sĩ lâm sàng được đào tạo, có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực xâm hại tình dục trẻ em nam. Đối với nhiều nạn nhân xâm hại tình dục trẻ em nam thì việc kể lại câu chuyện bị lạm dụng rất khó khăn. Nếu các em gặp phải các bác sĩ trị liệu thiếu kinh nghiệm về xâm hại tình dục trẻ em nam thì câu chuyện càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Tại Việt Nam, Luật Trẻ em 2016 đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần rất lớn trong việc thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của trẻ em. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự 2015 đã dành 5 điều luật về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có quy định về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi. Mặc dù vậy, ở nước ta tình trạng xâm hại tình dục trẻ em chưa giảm nhiều về tính chất cũng như số lượng.

Ảnh hưởng nghiêm trọng

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Tú Lan- Hội Cựu giáo chức thành phố Hà Nội cho rằng, qua vụ việc này, chúng ta thấy rõ việc giáo dục giới tính và khả năng tự bảo vệ cho học sinh khỏi xâm hại tình dục vẫn còn mờ nhạt trong nhà trường nên cần phải được tuyên truyền rộng rãi hơn nữa.

Bà Lan cũng cho rằng việc bị lạm dụng tình dục gây hậu quả sâu sắc, tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ em nam. Các em thường bị trầm cảm, căng thẳng sau sang chấn, lớn lên lạm dụng rượu bia, chất kích thích, nguy cơ tự tử cao gấp 2 lần so với những người đàn ông khác.

Cùng quan điểm, TS Trần Thành Nam- Trường ĐH Giáo dục, thành viên của Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam cho rằng, quấy rối tình dục học đường có thể ảnh hưởng để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh về môi trường an toàn. Nạn nhân trở nên quá nhạy cảm với các tình huống nguy cơ dẫn đến hạn chế năng lực của mình khi tham gia giao thông vào ban đêm, khi sử dụng phương tiện cộng cộng, khi ở trong khu nhà để xe… Thậm chí, trẻ sẽ bị rơi vào một loạt hệ quả tiêu cực như sợ hãi, lo âu, stress, cảm giác xấu hổ, tội lỗi, cảm thấy bản thân thấp kém, giảm giá trị, mất lòng tin vào người khác, rối loạn chức năng tình dục…

Về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng trong việc tuyển chọn, đào tạo giáo viên cần có phương thức để phát hiện, loại bỏ những người có “bệnh” ra khỏi môi trường giáo dục, tránh hậu quả đáng tiếc. Ông cũng tỏ ra băn khoăn với phương thức bảo vệ trẻ em như hiện nay, có thể còn có rất nhiều câu chuyện, trường hợp bị xâm hại khác nhưng các em không dám lên tiếng. Bởi vì nói ra sợ bị đối tượng xâm hại chèn ép, trả thù. Hơn nữa, sự việc ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm cá nhân các em.Vấn đề đặt ra là làm sao bảo vệ trẻ em không bị xâm hại tình dục chứ không phải để đến khi sự việc xảy ra thì các cơ quan mới đi tìm thủ phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách nào để bảo vệ học sinh?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO