Chấn thương tâm lý

Mai Hương 10/02/2018 09:00

Theo kết quả y tế trường học giai đoạn 2011-2015 do Bộ Y tế và Bộ GDĐT công bố, số học sinh có ý định tự tử  tăng. Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 20 trường hợp trẻ em uống thuốc độc tự tử.

Đứng trước những vụ việc đau lòng là học sinh tự tử, chúng ta thường cho rằng đó là những hành động bồng bột của các em.

Nhưng theo các chuyên gia về sức khỏe tâm thần, thực chất nó là kết quả của sự cộng hưởng giữa 3 cái thiếu: Thiếu cân bằng trong tâm sinh lý lứa tuổi - thiếu kỹ năng ứng phó - thiếu chỗ dựa từ thầy cô, cha mẹ.

Dưới góc độ sinh lý, độ tuổi thanh thiếu niên, hưng phấn thần kinh rất mạnh, do đó các em dễ mất kiểm soát và có hành động bất ngờ.

Ở góc độ tâm lý, tuổi mới lớn đang gặp nhiều trục trặc trong thời điểm dậy thì, tính tự ái cực kỳ cao, dễ thổi phồng mọi việc, lại gặp những vấp váp đầu đời trong khi chưa có kinh nghiệm sống, chưa có kỹ năng ứng phó. Về góc độ quan hệ xã hội, đây là lúc mà vị thế của người lớn giảm một bậc trong mắt trẻ và các em tự nâng vị thế của mình lên một bậc, cho mình nhiều quyền quyết định hơn.

Tất cả 3 yếu tố sinh lý - tâm lý - quan hệ xã hội đó cùng lúc đã đẩy nhiều bạn trẻ vào sự chông chênh trong cảm xúc, sự bế tắc trong suy nghĩ và bộc phát trong hành động.

Trong khi đó, rõ ràng điểm kém, một lần thi trượt, vài trăm ngàn đồng, một lời trách oan của cô giáo… đều là những sự việc các em có thể vượt qua, hoàn toàn giải quyết được. Tuy nhiên, không ai chỉ bảo cho các em kỹ năng ứng phó với những chuyện đời thường này cả.

Trẻ đến trường, chúng ta đã dạy các em rất nhiều kiến thức nhưng cách ứng phó với các vấn đề mâu thuẫn thường ngày thì dường như các em phải tự học. Khi các em đi đến quyết định tự kết thúc cuộc đời mình, lỗi không hoàn là ở các em, mà chủ yếu là do chúng ta đã dạy các em chưa đầy đủ.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tâm lý giáo dục Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) phân tích: Sức ép từ gia đình, môi trường sống, hoạt động học tập cũng như vấn đề rối nhiễu tâm căn của lứa tuổi cho thấy khi còn hạn chế kinh nghiệm sống, kỹ năng sống cũng như khả năng tự cân bằng đời sống tinh thần, các em chọn hành vi tự hủy hoại bản thân như một lối thoát.

Còn TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, thì cho rằng, nhiều đứa trẻ bị ép học tập, không được học theo sở thích của mình, mà theo mong muốn của cha mẹ.

Cộng thêm việc không được tư vấn tâm lý để giải tỏa những áp lực của mình, nhiều học sinh đã bị trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết.

Qua đó, ông cho rằng, ngành giáo dục cần làm tốt hơn nữa công tác tư vấn tâm lý học đường.

Bởi học sinh, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên, giai đoạn mà sự phát triển về thể chất đã tương đối ổn định, nhưng lại chưa đủ trưởng thành về mặt tâm lý. Khi các em gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, áp lực học tập, sẽ dễ có những suy nghĩ tiêu cực.

Vì vậy rất cần có người chia sẻ, hướng dẫn và động viên để các em tìm ra hướng đi, phương pháp học tập tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chấn thương tâm lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO