Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thận trọng với sách giáo khoa

Thu Hương 26/10/2019 08:35

Ngày 25/10, ông Thái Văn Tài - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) thông tin tới báo chí, hiện Bộ GDĐT chưa có thông tin chính thức về việc thông qua 4 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Một số thông tin đã đăng tải trên báo chí về việc Hội đồng Thẩm định quốc gia đã thông qua và công bố các bộ SGK là chưa chính xác.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thận trọng với sách giáo khoa

Ảnh minh họa.

Đảm bảo lộ trình công bố SGK

Trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông thì nhất thiết phải có được những bộ SGK mới đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển năng lực và nhân cách người học. Việc cả xã hội mong chờ “hình hài” chính thức của các bộ SGK mới đã được Hội đồng quốc gia thẩm định, phê duyệt là lẽ đương nhiên bởi đây chính là cụ thể hóa những yêu cầu của chương trình GDPT mới với nhiều kỳ vọng.

Tuy nhiên, để đảm bảo quy trình chặt chẽ, việc Bộ GDĐT thận trọng trong việc công bố các bộ SGK đạt yêu cầu là cần thiết. Trao đổi với báo chí, ông Thái Văn Tài cho rằng, đến thời điểm này Hội đồng thẩm định quốc gia mới kết thúc quá trình làm việc và thực hiện rà soát lại khung pháp lý. Do đó, lãnh đạo Bộ GDĐT cũng như các đơn vị liên quan cần bổ sung những căn cứ pháp lý, các luật liên quan trước khi công bố rộng rãi ra xã hội. Vì vậy, một số thông tin đã đăng trên báo chí về việc hội đồng thẩm định quốc gia đã thông qua và công bố các bộ SGK là chưa chính xác.

Trước đó, ngày 24/10, NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức “Hội thảo NXB Giáo dục Việt Nam với nhiệm vụ đổi mới chương trình và SGK GDPT” với sự tham dự của cán bộ quản lý, giáo viên của Sở GDĐT 28 tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Tại đây, NXB Giáo dục Việt Nam đã giới thiệu 4 bộ SGK lớp 1 đã trình Hội đồng Quốc gia thẩm định, phê duyệt, bao gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.

Ông Nguyễn Đức Thái- Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, để hoàn thành 4 bộ SGK này, từ năm 2015, NXB Giáo dục Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực để chuẩn bị cho biên soạn SGK mới. Nhiều đoàn biên tập viên, họa sĩ được cử sang các nước có nền giáo dục tiên tiến để học tập kinh nghiệm biên soạn SGK. Đồng thời tổ chức nhiều công trình khoa học nghiên cứu mô hình SGK mới; Tổ chức các đợt tập huấn, hội thảo quốc tế về phát triển SGK bởi các chuyên gia quốc tế. Từ đó, nhiều tác giả, biên tập viên, họa sĩ được trao chứng chỉ quốc tế về phát triển SGK GDPT.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được tham khảo các bản thảo SGK đã được trình Hội đồng quốc gia thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, đây mới là bản thảo có tính chất tham khảo còn về phía Bộ GDĐT cho biết sẽ cố gắng hoàn thành các khâu rà soát để công bố sớm các bộ SGK lớp 1 để các địa phương có thời gian nghiên cứu và chuẩn bị.

Theo kế hoạch, SGK mới sẽ được công bố trong tháng 10. Trước đó, Bộ GDĐT cho biết trong quá trình thẩm định SGK theo chương trình GDPT mới có tổng số 9 bản thảo không đạt yêu cầu. Các bản thảo ở các môn: Hoạt động trải nghiệm (3 bản thảo), Giáo dục thể chất (3 bản thảo), Tự nhiên và xã hội (1 bản thảo), Toán (1 bản thảo), Tiếng Việt (1 bản thảo).

Được biết, hầu hết các bản thảo không đạt do không đáp ứng được quy định chương trình môn học theo Thông tư số 32 về chương trình GDPT mới chứ không phải do tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định Thông tư số 33.

Để SGK trở thành “chìa khóa” của đổi mới GDPT

Trên thực tế, vai trò của những bộ SGK hiện đại không còn là công cụ dạy học duy nhất, “vạn năng” của giáo viên nhưng đây vẫn được xem là “chìa khóa” để thực hiện thành công chương trình GDPT mới.

Theo GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhiệm vụ của giáo viên không chỉ là cung cấp kiến thức đã được soạn sẵn trong SGK mà phải xem thông tin ở sách là “mô hình tri thức tĩnh” để gia công sư phạm biến thành “mô hình hoạt động - tư duy”. Qua đó để học sinh vừa chiếm được tri thức khoa học vừa học được phương pháp tìm tòi tri thức đó.

Chia sẻ quan điểm này, TS Phạm Thị Ly- Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá Giáo dục ĐH (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng SGK có thể coi SGK là một chỗ dựa cho hoạt động dạy và học. SGK đặc biệt hữu ích đối với giáo viên mới vào nghề và với những nền giáo dục truyền thống và cách thi cử theo lối truyền thống. Trong thời đại hiện nay, SGK vẫn rất cần thiết nhưng cách chúng ta làm ra và sử dụng SGK phải khác trước. Cụ thể, theo TS Phạm Thị Ly, không có SGK nào là hoàn hảo. Nó chỉ nên được xem là một nguồn tài nguyên cho dạy và học, không phải là nguồn duy nhất. Do những thay đổi ngày càng nhanh của thế giới bên ngoài, giáo dục hiện đại đã chuyển từ việc dạy học theo lối truyền thống (dựa trên SGK, một hệ thống tri thức và quy trình cố định) sang xu hướng dạy học dựa trên các tiêu chuẩn (dựa trên mục tiêu mong muốn).

Nêu lên thực tế ở Việt Nam không có cơ sở (viện hay trung tâm) nghiên cứu biên soạn SGK như ở một số nước, GS Đinh Quang Báo cho rằng đây là nguyên nhân Việt Nam không có đội ngũ các nhà sư phạm chuyên sâu về SGK, hoạt động chuyên nghiệp biên soạn SGK. Phần lớn các tác giả tự rút kinh nghiệm, tham gia nhiều đợt soạn SGK nên ít nhiều có kinh nghiệm, nhưng dù sao cũng chưa bài bản, tuy rất uyên bác về chuyên môn nhưng hạn chế vì tri thức giáo dục học.

“Đó là một khó khăn, nhưng nếu có biện pháp tổ chức nhân sự, trao đổi quán triệt những lý luận cơ bản về SGK, và đặc biệt có chế độ đãi ngộ xứng đáng về vật chất và động viên về tinh thần thì sẽ khắc phục được các khiếm khuyết đó” - GS Đinh Quang Báo nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thận trọng với sách giáo khoa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO