Chương trình mới cần sách mới

Thu Hương 14/09/2019 07:30

Đó là khẳng định định của PGS Trần Kiều, thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1. Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, PGS Trần Kiều cho biết, ông và các thành viên trong Hội đồng hoàn toàn không bị áp lực khi ngồi “ghế nóng” và vẫn đang tích cực làm việc, bám sát theo 4 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí, 40 chỉ báo đã được quy định cụ thể ở Điều 4, 5, 6, 7 và 8 Thông tư 33 năm 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Chương trình mới  cần sách mới

Khi xây dựng chương trình mới phải có sách mới phù hợp.

Dừng triển khai sách Công nghệ giáo dục từ năm học 2020-2021?

Thông tin 3 bản thảo sách giáo khoa (SGK) Công nghệ giáo dục bị trượt vòng thẩm định đầu tiên theo thông báo từ Hội đồng thẩm định ngày 12/9 không khiến tác giả của bộ sách- GS Hồ Ngọc Đại - bất ngờ. Nhưng nhiều phụ huynh có con đang theo học chương trình này lại bày tỏ lo lắng không biết “không đạt” này nghĩa là như thế nào?

Chị Bích Liên (phụ huynh lớp 1E, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, Phủ Lý, Hà Nam) cho biết, con gái đầu của chị đã học bộ sách Công nghệ giáo dục này cách đây 2 năm. Tới năm nay, con thứ hai cũng học bộ sách này. Trước đó, bộ sách đã từng “dậy sóng” dư luận khi có cách đánh vần khác lạ khiến chị và nhiều phụ huynh lo lắng. Nay lại có thêm thông tin Hội đồng thẩm định SGK đánh giá bản thảo sách “không đạt” nhưng vẫn dùng để dạy con trong chương trình là sao?

Về vấn đề này, GS Trần Đình Sử- thành viên Hội đồng thẩm định SGK lớp 1 cho rằng, sách của GS Hồ Ngọc Đại lâu nay đã được sử dụng và đang triển khai tại hơn 40 tỉnh, thành cũng giống như sách lớp 1 hiện hành. Tuy nhiên, bây giờ, sách phải soạn theo Chương trình mới nên sách của thầy Đại và các sách hiện hành đều phải được viết lại theo Chương trình mới.

Vì vậy, việc vẫn giữ nguyên 3 bản thảo đang có, không chỉnh sửa rồi viết thêm một quyển thứ tư là “Tự học”, tạo thành một bộ sách để nộp về Hội đồng thẩm định là vá víu, cũ, không đáp ứng yêu cầu… Tuy nhiên, ông Thái Văn Tài - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, các sách chưa đạt sẽ có một tháng để tác giả, nhà xuất bản sửa chữa, sau đó Hội đồng sẽ thẩm định vòng hai.

“Cuốn sách không đạt như của GS Hồ Ngọc Đại chẳng hạn, có thể chỉnh sửa sao cho đáp ứng đúng tiêu chí để tiếp tục trình Hội đồng thẩm định, bởi mỗi bộ SGK là công trình nghiên cứu tâm huyết của các nhà nghiên cứu”- ông Thái Văn Tài nói.

Tuy nhiên, trả lời báo chí, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định sẽ không sửa bản thảo để nộp lại, bởi công trình ấy ông đã làm cả một đời người.

Thêm nữa, theo Hội đồng thẩm định, việc sửa chữa (nếu có) cũng phải mất 1 năm, sau đó có thể tiếp tục thẩm định lại. Điều đó đồng nghĩa với việc sách Công nghệ giáo dục có thể sẽ bị dừng hẳn từ năm học 2020-2021.

Trước câu hỏi hơn 931.000 học sinh đang học chương trình này sẽ ra sao khi cuốn sách không được công nhận, GS Trần Đình Sử cho rằng, hơn 1,9 triệu học sinh đang sử dụng SGK hiện hành (không phải Công nghệ giáo dục) cũng phải thay đổi và sử dụng sách mới từ năm học 2020-2021. Vì vậy, việc học sinh đang học sách của GS Đại cũng tương tự như vậy.

Sách giáo khoa mới phải đảm bảo nguyên tắc giảm tải

PGS Trần Kiều cho rằng, nguyên tắc khi xây dựng Chương trình mới là phải có sách mới phù hợp với Chương trình mới đó. Vì thế, ông cho rằng không nên so sánh SGK hiện hành, trong đó có sách của thầy Đại, khi thẩm định. Thứ hai, việc thẩm định phải áp dụng các tiêu chí mới của Chương trình mới, sách phải thể hiện được năng lực cần đạt của chương trình, cách đánh giá của chương trình, phải tạo được cơ hội cho người thầy đổi mới phương pháp, nên không thể chỉ tính chuyện chữ nghĩa.

Chương trình mới  cần sách mới - 1

Sách giáo khoa hiện hành.

Căn cứ trên 4 tiêu chuẩn với 13 tiêu chí và 40 chỉ báo đã được quy định cụ thể ở Điều 4, 5, 6, 7 và 8 Thông tư 33 năm 2017 do Bộ GDĐT ban hành, Hội đồng thẩm định SGK đang tích cực làm việc để tới tháng 10 có thể công bố các SGK đạt để các địa phương lựa chọn. Hiện Hội đồng đã thẩm định xong vòng một và đang thẩm định vòng hai với một số bản thảo SGK.

Khẳng định Hội đồng làm việc công tâm, minh bạch, bám sát các tiêu chí đã được quy định, PGS Trần Kiều cho rằng tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông mới và khi thực hiện một chương trình và nhiều bộ/cuốn SGK, thì SGK phải tạo cơ hội cho thầy cô đổi mới phương pháp, Đặc biệt, với sách lớp 1, học sinh đi học mà chưa hề biết chữ nên SGK viết gì, dạy gì cho phù hợp là điều chúng tôi phải đặc biệt cân nhắc.

Vì vậy, mặc dù sách của GS Hồ Ngọc Đại có những nội dung rất hay nhưng không phải tất cả đều thế, và đặc biệt là không bám theo Chương trình giáo dục phổ thông mới nên Bộ GDĐT không thể thay Chương trình để đi theo bộ sách của GS Đại được.

Những cuốn sách đã rõ hình hài được Hội đồng thẩm định đánh giá không đạt khiến nhiều ý kiến băn khoăn không biết các cuốn sách khác như thế nào, có cuốn sách nào không đạt nữa hay không? Không đạt vì tiêu chí gì?

Ngay cả những cuốn sách được đánh giá đạt thì mục tiêu giảm tải các kiến thức quá khó, không phù hợp với học sinh lớp 1 đã được thể hiện như thế nào? Có thúc đẩy, tạo cơ hội để các thầy cô đổi mới như kỳ vọng và mục tiêu đặt ra đối với Chương trình và SGK mới hay không?

Bên cạnh đó, việc thẩm định mặc dù bám sát các tiêu chí nhưng quyền quyết định vẫn là ở con người. Liệu các thành viên Hội đồng có hoàn toàn khách quan, công tâm khi đánh giá các cuốn sách này không? Vì hiện nay, 5 bộ SGK được gửi thẩm định là của 3 nhà xuất bản. Vừa xuất bản, vừa biên soạn SGK thì liệu có độc lập? Hay người viết chương trình, người viết SGK, người thẩm định SGK cũng không phân biệt rạch ròi thì làm sao để đảm bảo công bằng?

Về vấn đề này, ông Thái Văn Tài cho biết, qua vòng một, Hội đồng đánh giá rất cao tâm huyết, tinh thần muốn cống hiến cho thế hệ trẻ của các tác giả. Các sách đều được viết rất công phu. Hội đồng rất trân trọng nhưng Hội đồng làm việc theo tinh thần của Thông tư 33 nên sẽ đánh giá khách quan.

“Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào đối với kết quả vòng một. Chúng tôi đánh giá trong giai đoạn vừa qua, hội đồng đã làm việc trách nhiệm, công tâm, tâm huyết với tinh thần tất cả vì sự nghiệp giáo dục, phục vụ công cuộc đổi mới”- ông Tài cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chương trình mới cần sách mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO