Chuyện dài giáo dục

Hà Trọng Nghĩa 08/04/2018 07:55

Trước những sự việc không hay xảy ra trong nhà trường thời gian gần đây, nhiều người băn khoăn tự lý giải nguyên nhân. Vì sao nhà giáo lại cho mình quyền trừng phạt học sinh một cách quá đáng? Vì sao phụ huynh lại vào tận trường bắt giáo viên phải quỳ gối xin lỗi? Đó là câu chuyện dài chốn học đường, nhưng không thể không có điểm cuối.

Chuyện dài giáo dục

Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Thời gian gian gần đây, nhiều vấn đề của giáo dục nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Trong đó có thể kể đến việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư; phụ huynh bắt cô giáo phải quỳ; cô giáo phạt học sinh xúc miệng bằng nước từ giẻ lau bảng; cô giáo lên bục giảng nhưng lại yên lặng mấy tháng trời... Môi trường học đường đang có vấn đề. Lý giải điều đó ra sao?

1. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký công văn số 1295/BGDĐT-GDCTHSSV về tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học, gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công văn nêu rõ: Thời gian vừa qua, tại một số địa phương đã liên tiếp xảy ra tình trạng mất an ninh, an toàn trường học. Theo đó, học sinh bị tai nạn thương tích do điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm; cá biệt còn nhà giáo có hành vi thiếu chuẩn mực sư phạm với học sinh; đặc biệt, tình trạng phụ huynh học sinh vào trường học hành hung, gây thương tích, xúc phạm danh dự nhà giáo, tinh thần và thể chất học sinh. Các sự việc trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, danh dự của nhà giáo và học sinh; tác động xấu đến môi trường giáo dục trong nhà trường và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để khắc phục tình trạng trên, một trong nhưng giải pháp được Bộ GDĐT đề ra là yêu cầu các địa phương thiết lập, công khai đường dây nóng để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học và bạo lực học đường; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo định kỳ, đột xuất về tình hình an ninh, an toàn trường học đến cơ quan quản lý các cấp và báo cáo về Bộ GDĐT.

Trước đó, ngày 6/3, về vụ cô giáo bị phụ huynh học sinh bắt phải quỳ (sự việc xảy ra vào tháng 2, tại trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã có công văn gửi UBND tỉnh Long An về việc bảo vệ danh dự, uy tín của nhà giáo.. Theo đó, sự việc này đã tác động xấu tới hoạt động giáo dục của nhà trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tự trọng, danh dự của nhà giáo và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Bộ GDĐT đề nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử văn hóa, xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh trong các cơ sở giáo dục; có các giải pháp bảo vệ danh dự, uy tín của nhà giáo.

Như vậy, có thể thấy lãnh đạo Bộ GDĐT đã đứng về phía nhà giáo. Nhưng khách quan cũng cho thấy môi trường học đường đang phát sinh nhiều vấn đề bức xúc, cần giải pháp giải quyết triệt để.

2. Dư luận thật sự lo ngại khi biết rằng trong nhà trường đang tồn tại nhiều cách dạy dỗ học trò một cách rất khó hiểu. Các thầy cô giáo nghĩ gì khi phạt học sinh quỳ gối, uống nước giẻ lau bảng, hoặc là “ra đòn chiến tranh lạnh” bằng cách im lặng suốt mấy tháng trời với học trò của mình. Cách này hay cách khác thì đó cũng là việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp, giáo dục học sinh một cách phản khoa học.

Làm giáo dục lại sử dụng phương pháp phản giáo dục là điều không thể chấp nhận. Không chỉ mắng mỏ, đánh học trò, những biện pháp khác mà một số người đứng trên bục giảng đối xử với học trò của mình còn có tính chất làm nhục- thì đó lại càng không thể chấp nhận.

Thế giới đã từng diễn ra và cũng từng trải qua nhiều phương pháp giáo dục. Trong đó, phương pháp giáo dục cứng rắn được bàn luận sôi nổi ở rất nhiều quốc gia. Xu hướng dân chủ hóa học đường, coi người học là trung tâm theo tư tưởng “thầy thiết kế - trò thi công”..., được cho là tiến bộ. Tuy nhiên vẫn tồn tại phương pháp giáo dục nghiêm khắc tại một số quốc gia, kể cả quốc gia đó thuộc hàng văn minh của thế giới. Nhưng, cứng rắn không có nghĩa là làm nhục học sinh, coi khinh học sinh. Những hình thức phạt được chấp nhận khi không làm tổn thương học trò, không để lại những vết thương không bao giờ liền sẹo trong tâm hồn các em.

Cho dù là câu chuyện cũ nhưng nhiều người vẫn nhớ cách dạy con của “mẹ Hổ”- bà Ama Chua, người Mỹ gốc Hoa. Sống trên đất Mỹ nhưng “mẹ Hổ” vẫn áp dụng lối dạy con theo truyền thống Nho giáo của người Trung Quốc, có nghĩa là hết sức nghiêm khắc. Lý giải điều đó, bà Ama Chua cho rằng chỉ có như thế các con của mình mới có thể sinh tồn trong một xã hội cạnh tranh quyết liệt không có chỗ cho kẻ yếu hèn. Cách dạy con ấy được một số người ủng hộ, nhưng cũng khiến nhiều người sửng sốt, kinh hãi.

Bài viết “Vì sao các bà mẹ người Hoa giỏi thế? đăng trên bản điện tử Nhật báo Phố Wall số ra ngày 8/1/2011 đã lập kỷ lục hơn 1 triệu lượt người truy cập và 7.743 lời bình luận; sau đó đã lôi cuốn các tờ báo lớn như Time, New York Times, Daily Telegraph, The Guardian... và các đại gia truyền thông như NPR, NBC, BBC vào cuộc.

Mặc cho có người đã gọi “mẹ Hổ” là “yêu quái”, kết tội bà đã ngược đãi con, là một “mẫu người nguy hiểm” cho xã hội... thì cuốn “Chiến ca” của bà này viết về cách giáo dục con nên người vẫn được xếp hạng bestseller thứ 6 trên mạng Amazon. Tiếng tăm “mẹ Hổ” càng nổi hơn khi trang bìa tạp chí Time in bức ảnh có tính tượng trưng là “mẹ Hổ” cao lớn đứng khoanh tay trước cô con gái nhỏ bé tay cầm cây đàn violon đang e sợ ngước nhìn mẹ. Chính giữa in dòng chữ “Sự thật về các mẹ Hổ”.

Vậy, bà Ama Chua “ngược đãi” hai cô con gái của mình thế nào khiến chúng rất thành đạt?

Trong số những điều bà mẹ này bắt buộc con phải tuân theo, có những điều như sau: Cấm qua đêm ở nơi không phải nhà mình (điều này các gia đình Mỹ không cấm); Cấm chơi game máy tính; Tham gia hoạt động ngoại khóa tại nhà trường phải do mẹ chọn; Điểm sát hạch, điểm thi tất cả các môn học phải đạt mức A (mức cao nhất); Trừ môn thể dục và sân khấu, thành tích học tất cả các môn khác đều phải nhất lớp; Phải học piano và violon. Và điều khoản cuối cùng là “không được oán trách những điều mẹ đề ra”.

Dẫn ra câu chuyện “mẹ Hổ” dạy con là để soi lại phương pháp giáo dục. Mỗi người, trong một hoàn cảnh cụ thể có thể áp dụng một phương pháp giáo dục nào đó, nhưng không thể làm nhục người khác, nhất là khi đối tượng nhận giáo dục lại non nớt, ở thế yếu.

3. Trở lại những vụ việc trong nhà trường gây xôn xao dư luận gần đây, có thể thấy trước hết đó là áp dụng sai phương pháp giáo dục.

Phạt học trò khi các em mắc lỗi là cần thiết, đối với tất cả các nền giáo dục- dù đó là nền giáo dục được cho là “dân chủ”, “tự do” nhất thế giới đi chăng nữa thì vẫn tồn tại điều đó. Vì hình thức phạt cũng là cách để học trò nhận ra lỗi của mình, từ sau không mắc phải; và cũng để người học biết rằng phải tuân theo những quy định chung, không thể làm bất cứ điều gì mình muốn khi nó vượt ra khỏi khuôn khổ, những quy định, quy ước, hoặc nặng hơn nữa đó là đạo đức.

Nhưng chắc rằng không có lỗi nào đến độ để bị cô giáo bắt phải uống nước giẻ lau. Đó là điều không thể tồn tại trong bất cứ môi trường giáo dục nào. Cô giáo hoàn toàn có thể đưa ra một hình thức phạt khác (trong trường hợp xác định rõ lỗi của học trò), chứ không thể áp dụng biện pháp hạ nhục và... mất vệ sinh như vậy.

Còn với việc cô giáo dạy trung học, suốt mấy tháng trời lên lớp lại “im lặng” thì thật khó hiểu. Vì bất cứ lý do nào đi nữa, khi đã lên bục giảng thì phải “truyền giảng” kiến thức, không thể tước đoạt quyền lợi của người học. Có thể cô “ngại” một học trò nào đó nên không dám “mở miệng”, nhưng cũng không thể vì thế mà mấy chục học sinh còn lại bị oan theo.

Ở một tình thế khác, dư luận cũng hết sức búc xúc với việc phụ huynh học sinh vào tận lớp học bắt cô giáo phải quỳ gối xin lỗi mấy chục phút, chỉ vì trước đó cô giáo phạt con họ phải quỳ. Lấy quyền gì mà phụ huynh lại cho phép mình “trả đòn” với người dạy con mình? Đạo lý của dân tộc này không cho phép điều đó, lệ làng phép nước cũng không cho phép điều đó. Phụ huynh sai, đã là một nhẽ, nhưng vì sao cô giáo phải quỳ? Tất nhiên là do sợ, sợ bị hành hung. Nhưng cũng từ câu chuyện này, nhiều người đã đặt vấn đề ở tầm mức rộng hơn, đó là “một nền giáo dục không chịu quỳ”. Có nghĩa là phải xây dựng nền giáo dục nước nhà mạnh khỏe, văn minh, phải làm cho xã hội tôn trọng.

Điều đó chỉ có được khi chính những người trong ngành giáo dục ý thức được mình, làm việc hết sức mình, tận tâm tận lực “trồng người”. Nếu tự mình không làm mình lớn lên thì không ai có thể làm thay cả, cho dù có sự trợ giúp đến đâu đi chăng nữa.

4. Tới nay, sau rất nhiều vụ việc, thì vẫn còn đó băn khoăn: Vì sao môi trường học đường lại nảy sinh những bất cập như vậy?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng trước tiên đó chính là đã áp dụng một phương pháp giáo dục sai lầm. Nghiêm khắc chứ không phải là tàn nhẫn. Tôn trọng thay vì hạ nhục. Làm nghề dạy học chứ không phải là đấng bề trên. Dễ dãi quá là thiếu trách nhiệm. Nhưng cứng rắn quá lại là lạm quyền, phản giáo dục.

Nhưng, một nguyên nhân sâu xa hơn khiến nhiều người trăn trở, đó là cách áp dụng không đúng khái niệm dân chủ hóa nhà trường, xã hội hóa giáo dục, xa hơn là biến nhà trường thành thị trường. Thật không thể chấp nhận được việc ép học sinh học thêm tràn lan tất cả các môn, mục đích chính cũng chỉ là tiền. Một đứa trẻ bây giờ đến trường phải đóng nhiều loại tiền quá, khiến cha mẹ học sinh tối tăm mặt mũi. Cha mẹ nghèo không dám cho con học lên cao. Không ít bậc cha mẹ phải bán vườn, bán đất, “cắm” sổ đỏ lấy tiền cho con lên phố học.

Và, kinh sợ nhất là chuyện mua điểm - bán điểm, mua bằng.

Những khoảng đen ma trận ấy dần khiến học đường bị méo mó. Vị thế của ngành giáo dục, của nhà trường, của mỗi thầy cô giáo dần dần bị xuống cấp, mất đi sự tôn trọng cần phải có của xã hội. Trước kia, mỗi lần có việc đến gặp nhà trường, ai cũng có tâm lý e ngại, vì đó là nơi thể hiện kỷ cương, nơi có những con người thanh sạch. Nay người ta vào trường học cãi tay đôi với giáo viên, bắt giáo viên phải quỳ trước mặt học sinh... Thật là bất nhẫn!

Vì sao cô giáo phải quỳ? Tất nhiên là do sợ, sợ bị hành hung. Nhưng cũng từ câu chuyện này, nhiều người đã đặt vấn đề ở tầm mức rộng hơn, đó là “một nền giáo dục không chịu quỳ”. Có nghĩa là phải xây dựng nền giáo dục nước nhà mạnh khỏe, văn minh, phải làm cho xã hội tôn trọng. Nghiêm khắc chứ không phải là tàn nhẫn. Tôn trọng thay vì hạ nhục. Làm nghề dạy học chứ không phải là đấng bề trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện dài giáo dục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO