Đào tạo trực tuyến: Xu hướng phát triển trong giáo dục đại học

T.Hoài 04/02/2020 08:00

Hình thức đào tạo trực tuyến E-learning đang được các trường đại học đẩy mạnh phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của mọi đối tượng người học. Tuy nhiên từ những hạn chế trong triển khai, thực tiễn đòi hỏi cần phải có những quy định rõ ràng hơn đối với hình thức đào tạo này, nhất là các chuẩn trong kiểm định chất lượng đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu ra.

Đào tạo trực tuyến: Xu hướng phát triển trong giáo dục đại học

Học tập trực tuyến và xây dựng môi trường học tập trực tuyến đang được nhiều trường đại học cả ở khối công lập và ngoài công lập triển khai.

Xu thế tất yếu

Nhận định về xu thế đào tạo trực tuyến, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, ở các nước trên thế giới đào tạo trực tuyến diễn ra rất mạnh mẽ với nhiều hình thức khác nhau. Không chỉ các khóa đào tạo cấp bằng, những khóa học đại chúng mở, ngắn hạn đáp ứng nhu cầu cho mọi đối tượng cũng phát triển nhanh chóng. Ngoài các trường đào tạo trực tuyến, ở những trường đào tạo truyền thống, hình thức đào tạo trực tuyến kết hợp thông qua việc học trên không gian mạng chiếm phần lớn nội dung học tập.

Tại Việt Nam, học tập trực tuyến và xây dựng môi trường học tập trực tuyến đang được nhiều trường đại học cả ở khối công lập và ngoài công lập triển khai với những mức độ khác nhau. Hiện có gần 20 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước cung cấp các khóa học trực tuyến theo các hình thức: trực tuyến hoàn toàn, hình thức kết hợp giữa học truyền thống và trực tuyến hoặc một phần các môn học.

Các mô hình đào tạo trực tuyến tiêu biểu có thể kể đến như Trường ĐH Mở TPHCM, Trường ĐH Mở Hà Nội… Trong đó, Trường ĐH Mở Hà Nội triển khai đào tạo trực tuyến từ năm 2009, đến nay có 7 ngành đào tạo, gồm Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin, Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Trường ĐH Mở TPHCM có mô hình đào tạo trực tuyến được tổ chức theo 2 hình thức, đào tạo trực tuyến hoàn toàn dành cho hệ đào tạo từ xa qua mạng và học tập trực tuyến hỗ trợ cho hệ chính quy. Hình thức đào tạo trực tuyến hoàn toàn được triển khai từ năm 2016, đến nay đang đào tạo 9 ngành, gồm Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Quản trị nhân lực, Kế toán, Kiểm toán, Tài chính ngân hàng, Luật, Luật kinh tế và Ngôn ngữ Anh. Số lượng sinh viên theo học chương trình trực tuyến ở các trường lên đến hàng ngàn người.

TS Đinh Tuấn Long- Trường ĐH Mở Hà Nội nhận định, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã làm thay đổi phương thức làm việc ở hầu hết các lĩnh vực giúp nâng cao hiệu quả công việc và tạo ra những trải nghiệm mới. Giáo dục cũng không nằm ngoài xu thế đó với sự bùng nổ của công nghệ đào tạo trực tuyến. Tại Việt Nam, dù E-learning mới chỉ phát triển trong 10 năm trở lại đây nhưng đã nhanh chóng chứng minh sự thành công và thu hút được sự quan tâm của nhiều đơn vị đào tạo cũng như người học; trở thành quốc gia đứng thứ 4 về tốc độ phát triển E-learning trong giai đoạn 2013-2018.

Cần chính sách phát triển E-learning

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, nhu cầu học tập suốt đời ngày càng tăng, nếu các trường đại học không đổi mới, không đáp ứng được nhu cầu thực tế sẽ mất người học. Lợi thế của đào tạo trực tuyến là đơn giản và dễ tiếp cận người học, linh hoạt, chủ động định hướng học tập và học mọi lúc, mọi nơi.

Tuy nhiên, đào tạo trực tuyến còn có những hạn chế nhất định như hạ tầng công nghệ, giáo trình chưa đáp ứng được yêu cầu, tài liệu học tập bị sao chép khiến giảng viên ngại đưa tài liệu lên mạng. Mặt khác, tính thiếu chủ động trong học tập cả người học, trong khi đó môi trường học tập trực tuyến đòi hỏi người học phải có tính độc lập và tự giác cao; thói quen chuộng bằng cấp hệ chính quy cũng ảnh hưởng sự phát triển của E-learning. Đặc biệt, hiện vẫn chưa có quy chế riêng về đào tạo trực tuyến.

“Trong tất cả các quy chế về các hình thức đào tạo, mới chỉ có Quy chế đào tạo từ xa và Thông tư 12 của Bộ GDĐT về quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng là đề cập đến phương thức đào tạo trực tuyến. Các quy định hiện hành về E-learning nói riêng, ứng dụng công nghệ thông tin nói chung trong giáo dục đại học Việt Nam còn khá khiêm tốn, chưa đủ để tạo hành lang pháp lý cho phát triển E-learning”- PGS.TS Vũ Hữu Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM bày tỏ băn khoăn.

Theo PGS.TS Vũ Hữu Đức, phát triển E-learning là một thách thức lớn cho các trường đại học, không chỉ là vấn đề đầu tư nguồn lực mà thách thức nhất là sự thay đổi trong phương thức giảng dạy, khả năng tiếp cận công nghệ của giảng viên và năng lực quản lý, lãnh đạo của các trường. Vì vậy, cùng với vai trò của các trường, góc độ quản lý nhà nước cần có chính sách, cơ chế riêng dành cho đào tạo trực tuyến E-learning, xây dựng môi trường pháp lý cho E-learning phát triển; đặc biệt là các quy định liên quan đến đảm bảo chất lượng đào tạo, các tiêu chuẩn kiểm định cho E-learning, tạo niềm tin trong xã hội.

TS Phạm Phương Tâm- Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, Bộ GDĐT cần xây dựng bộ tiêu chí chung cho công tác đánh giá và đảm bảo chất lượng đào tạo E-learning, làm cơ sở cho các đơn vị đào tạo tổ chức giám sát, thực hiện và quản lý quá trình đào tạo để đảm bảo chất lượng; cấp văn bằng chung các hình thức đào tạo theo luật. Mặt khác, Bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học có triển khai hình thức đào tạo trực tuyến xây dựng và sử dụng chung công nghệ, chương trình, bài giảng.

Từ những bất cập và thiếu đồng bộ trong triển khai đào tạo trực tuyến, các trường kiến nghị Bộ GDĐT xây dựng và ban hành các quy định cụ thể, chi tiết nhằm xác định rõ vai trò, vị trí, hình thức đào tạo E-learning. Đặc biệt là về kiểm định và đảm bảo chất lượng đối với hình thức đào tạo trực tuyến phù hợp, làm cơ sở để các trường tự đánh giá hoạt động đào tạo, quản lý đào tạo và đảm bảo chất lượng; các bộ ngành quan tâm xây dựng hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin - viễn thông quốc gia đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, về mặt chủ trương, hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa đã được đảm bảo về mặt pháp lý. Tuy nhiên, quy chế riêng về đào tạo chính quy trực tuyến là chưa có. Hiện Bộ đang nghiên cứu bổ sung và sẽ ban hành quy chế về vấn đề này tạo hành lang pháp lý để các trường đẩy mạnh hình thức đào tạo trực tuyến chính quy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo trực tuyến: Xu hướng phát triển trong giáo dục đại học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO