Dạy thêm, học thêm: Không đi ngược với nguyên tắc tự nguyện

Minh Quang 10/11/2019 07:00

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được triển khai tới đây hướng tới cách thức kiểm tra, đánh giá mới, cải tiến theo hướng tinh giảm, gần gũi, dễ nắm bắt, bám sát thực tiễn đời sống, chủ yếu phát huy năng lực và phẩm chất người học, được kỳ vọng góp phần giảm thiểu tình trạng dạy học thêm tràn lan và trái phép. Dẫu thế, theo các chuyên gia giáo dục, với những quy định mới, nếu việc dạy thêm học thêm không còn được cấp phép nữa, e rằng sẽ bị biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Dạy thêm, học thêm: Không đi ngược với nguyên tắc tự nguyện

Học thêm phải xuất phát từ nhu cầu của người học chứ không phải người dạy.

Những ai học thêm?

Đơn cử như tại một trường tiểu học thuộc quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, do học sinh quá tải nên các lớp phải tổ chức học luân phiên. Học sinh các khối sẽ nghỉ từ 1-2 ngày trong tuần. Những ngày học sinh nghỉ thì cha mẹ không thể nghỉ ở nhà để chăm con, trong số nhiều giải pháp, gửi con học bán trú ở nhà cô được nhiều cha mẹ lựa chọn hơn cả. Mỗi buổi học bán trú nhà cô, bao gồm cả chi phí ăn, học, nghỉ trưa vào khoảng 170-180.000 đồng/ngày. Có những lớp học 60 học sinh, có tới gần 40 em đăng ký học.

Các cháu đi học thêm có khá hơn không? Trả lời câu hỏi này, nhiều phụ huynh cho hay quan trọng trước mắt là giải quyết chỗ gửi trẻ, họ không kỳ vọng con học giỏi hơn lên.

Còn tại một trường THCS thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội, ngoài giờ học bán trú cả ngày ở trường, nhiều cha mẹ tiếp tục gửi con học thêm môn Toán tại nhà cô giáo. Khi được hỏi: Các cháu học cả ngày mệt là thế, sức đâu mà học thêm? Không ít phụ huynh đã cho hay: Cô giảng bài, cô ra đề thi nên con học ở nhà cô để ôn tập cho sát chương trình, cho trúng tủ…

Nếu hỏi các cháu có thích đi học thêm không? Có lẽ gần như tất cả học sinh đều trả lời ngay mà không phải suy nghĩ lâu, rằng chúng không hề muốn. Âu cũng bởi những kỳ vọng từ cha mẹ, như “cô kèm cặp thêm cho cháu, con mình sẽ giỏi hơn, uyên bác hơn”, ‘không học thêm sẽ bị cô ác cảm”…

Nếu dạy thêm đúng với bản chất của tinh thần tự nguyện thì chẳng có gì mà xã hội lên án. Chỉ có điều một bộ phận không nhỏ giáo viên đang dạy thêm ở thành thị thường sử dụng chiêu bài “gợi ý”, o ép học sinh. Xét từ mọi nguyên nhân chủ quan và khách quan, vấn nạn dạy them - học thêm lâu nay gây ra bao dư luận xấu trong xã hội. Ấy vậy nhưng vẫn không thể chấm dứt.

Băn khoăn cấp phép hay không cấp

Mới đây, Sở GDĐT TPHCM vừa có tờ trình UBND TP về việc ban hành quy định quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn mình thay thế các quyết định cũ. Sở kiến nghị tùy tình hình thực tế ở mỗi trường có thể tổ chức dạy thêm, học thêm vào các buổi khác nhau trên nguyên tắc không gây ảnh hưởng, đan xen với các lớp học chính khóa, không dạy thêm, học thêm vào các ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, nghỉ tết; mỗi học sinh học thêm không quá 6 tiết/môn học/tuần và không quá 18 tiết/tuần; đảm bảo việc chọn lựa giáo viên và môn học theo nguyện vọng của học viên tham gia học thêm; học thêm trong nhà trường không quá 45 em/ lớp. Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường, nhưng không vượt quá mức trần, nhà trường thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học them; mức chi và tỉ lệ phân bổ chi phải được thông qua Hội đồng trường và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của đơn vị.

Đó là học thêm trong trường, còn đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm. Sở cũng kiến nghị những tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm phải cam kết với UBND phường - xã, thị trấn sở tại đảm bảo an toàn cho người dạy và người học; an toàn phòng cháy chữa cháy; không gây ách tắc giao thông, giữ gìn trật tự, an ninh; đảm bảo vệ sinh môi trường.

Như vậy, điều đáng chú ý là nội dung tờ trình nói trên của Sở GDĐT TPHCM không có quy định cấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm. So với Quyết định số 21/2014 của UBND TPHCM ban hành ngày 6/6/2014, quy định mới bỏ 1 chương (chương 2) về nội dung cấp giấy phép hoạt động dạy thêm, học thêm và bỏ quy định về các trường hợp được miễn cấp phép. Theo các chuyên gia, nếu quản lý không tốt, việc dạy thêm, học thêm sẽ rầm rộ trở lại và biến tướng hơn.

Những lo lắng ấy không phải không có cơ sở, bởi trên thực tế từng có những giáo viên ra đề thi ở trường giống như đề đã ôn luyện cho các em ở lớp học thêm. Rồi cũng còn những băn khoăn khác là chủ trương không cấp giấy phép mới, nhưng không rút giấy phép đã cấp sẽ tạo sự mất công bằng và khó kiểm soát tình trạng dạy thêm, học thêm tại TPHCM, bởi ai dám chắc những thầy cô giáo chưa được cấp phép dạy thêm sẽ không tổ chức dạy thêm? Liệu như thế, những giáo viên chưa được cấp phép mới có cam lòng sẽ không tổ chức dạy them, trong khi thu nhập từ dạy thêm luôn cao gấp nhiều lần tiền lương của giáo viên một tháng? Với những quy định hiện nay, người được dạy vì có giấy phép, người không được dạy vì không được cấp phép… dễ dẫn đến tình trạng học thêm tràn lan, thậm chí còn khó kiểm soát hơn trước đó.

Học thêm là nhu cầu

Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT - từng phân tích: Theo luật Đầu tư sẽ không có chuyện cấp phép dạy them, tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu và hội đủ điều kiện chỉ cần đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, để quản lý, kiểm tra, thanh tra được trong khi ngành GDĐT có những điều kiện đặc thù, nên vẫn phải có những quy định phù hợp. Chẳng hạn về trình độ đào tạo của người dạy, bàn ghế, cơ sở vật chất, không gian sư phạm, sự an toàn cho người học và người dạy… Những quy định này không phải là tiền kiểm mà là hậu kiểm. Tức là phải có những điều kiện trong quy định của chuyên ngành, để sau này đi kiểm tra thì có căn cứ, nơi nào làm sai với quy định của nhà nước sẽ bị xử lý. Chúng ta không thể cấm hoàn toàn hoạt động dạy thêm, học thêm bởi đó là một nhu cầu có thật và không chỉ có ở Việt Nam, do đó, không phải cái gì ngành Giáo dục quản lý không được là ra lệnh cấm tiệt.

Đại diện Bộ GDĐT cho hay, bản chất của việc học sinh học thêm là để bổ sung những kiến thức hổng ở lớp dưới. Có em muốn học nâng cao để thi vào những trường chất lượng cao, trường chuyên… Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc cấp giấy phép dạy thêm quá dễ dàng đã tạo kẽ hở cho nạn dạy thêm, học thêm biến tướng phát triển. Một số thầy cô giáo với mục đích vụ lợi đã chèn ép, dùng đủ chiêu trò ép buộc học sinh phải học thêm, điều này đi ngược lại với nguyên tắc tự nguyện của phụ huynh và học sinh. Điều đáng nói, việc biến tướng của dạy thêm, học thêm khiến học sinh sẽ trở thành nạn nhân cho thành tích, lợi ích của nhà trường, của giáo viên và cả sự kỳ vọng của cha mẹ.

Những phụ huynh thuộc thế hệ 6X, 7X hẳn còn nhớ việc cụm từ “dạy phụ đạo”. Những buổi học ấy dạy miễn phí, thường do nhà trường tổ chức 1-2 buổi/ tuần, chỉ dành cho học sinh yếu ở môn này, môn kia. Cũng có thể hiểu, có một bộ phận học sinh thời ấy phải học thêm một cách rất trong sáng. Nhưng đó là chuyện đã lâu. Trở lại với mục tiêu của chương trình GDPT mới, với những kỳ vọng giảm áp lực học thêm, PGS.TS Nguyễn Dục Quang - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 - cho rằng: Chương trình – SGK là được viết cho GDPT, là dành cho số đông học sinh ở khắp các vùng miền trên cả nước. Còn những em có khả năng hơn thì gia đình cần đầu tư thêm bằng các cách khác nhau như tăng cường các tiết học nâng cao, học thêm… Trường chuyên lớp chọn chỉ dành cho một số ít học sinh nên không thể yêu cầu giáo dục đại trà ôm đồm cả các kiến thức hàn lâm, vì số đông học sinh sẽ khó tiếp thu được cũng như tính ứng dụng trong thực tế không nhiều.

Như vậy, học thêm là một nhu cầu chính đáng, chỉ có điều: Học thêm phải xuất phát từ chính nhu cầu của người học chứ không phải từ người dạy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy thêm, học thêm: Không đi ngược với nguyên tắc tự nguyện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO