Đổi mới đánh giá học sinh tiểu học

Hàn Minh 11/04/2020 08:00

Bộ GDĐT vừa lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư quy định Đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT Thái Văn Tài cho biết: Sự thay đổi này nhằm đảm bảo thống nhất với cấp học trên, phù hợp với cách tiếp cận của các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên trong quá trình biên soạn các câu hỏi, bài tập để xây dựng đề kiểm tra định kỳ.

Đổi mới đánh giá học sinh tiểu học

Dự thảo Thông tư này được xây dựng trong bối cảnh từ năm học 2020-2021, Việt Nam sẽ triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới bắt đầu từ lớp 1. Vì vậy, để thống nhất với quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, dự thảo điều chỉnh hệ thống tên các môn học, hoạt động giáo dục và nội dung từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi.

Theo đó, học sinh sẽ được đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực thông qua những phẩm chất chủ yếu là: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; những năng lực cốt lõi là: Năng lực chung, tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực đặc thù: Ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mĩ, thể chất.

Theo Dự thảo Thông tư, việc đánh giá sẽ tiếp tục thực hiện kết hợp giữa đánh giá thường xuyên (bằng lời nói hoặc viết nhận xét), đánh giá định kỳ (bằng điểm số kết hợp với nhận xét) và tổng hợp đánh giá. Cùng với giáo viên, học sinh và phụ huynh đều được tham gia vào quá trình đánh giá.

Thay vì thể hiện bằng 4 mức độ đối với các câu hỏi, bài tập trong bài kiểm tra định kì, dự thảo Thông tư mới chỉ sử dụng 3 mức độ là “Hoàn thành tốt”, “Hoàn thành” và “Chưa hoàn thành”. Điều này nhằm đảm bảo thống nhất với cấp học trên, phù hợp với cách tiếp cận của các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên trong quá trình biên soạn các câu hỏi, bài tập để xây dựng đề kiểm tra định kì.

Trong quy định về khen thưởng học sinh, Dự thảo có đề cập đến hình thức “thư khen”. Cụ thể, cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt. Điều này nhằm động viên kịp thời học sinh, giúp các em có thêm động lực cùng nhau rèn luyện tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức để không ngừng tiến bộ.

Theo các chuyên gia giáo dục, đánh giá học sinh tiểu học là một trong những hoạt động bắt buộc thể hiện sự quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh từ đó nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện của các em. Đặc biệt học sinh lớp 1 cần chú trọng đánh giá thường xuyên theo tiến trình học tập, rèn luyện của học sinh. Để làm được, giáo viên phải quan tâm, sát sao với từng học trò để biết được năng lực, phẩm chất thực tế của mỗi em và từ đó có sự hỗ trợ kịp thời giúp học sinh tiến bộ.

Kết hợp với việc đánh giá định kỳ, việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét cũng khắc phục được hạn chế của việc chỉ đánh giá học sinh qua điểm số bài kiểm tra. Trong đó, việc khen hay chê phải đúng mực, phù hợp, để tạo thành động lực khuyến khích học trò tiến bộ. Hiện việc đánh giá học sinh tiểu học đang áp dụng theo Thông tư 22, trước đó là Thông tư 30. Với việc ban hành Dự thảo Thông tư mới nhằm phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng từ năm học 2020-2021, nhiều ý kiến kỳ vọng sẽ đảm bảo được tốt nhất mục tiêu: đánh giá vì sự tiến bộ của mỗi học sinh, từ đó mới giúp hình thành phẩm chất, năng lực cho các em.

Dự thảo Thông tư quy định Đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học có thời gian góp ý là 2 tháng, tính từ ngày 9/4.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới đánh giá học sinh tiểu học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO