Giáo dục giới tính trong trường học: Khoảng trống khó lấp đầy

Lam Nhi 19/12/2018 08:00

Từ vụ việc xâm hại tình dục các học sinh tại Phú Thọ đang gây xôn xao dư luận, vấn đề giáo dục giới tính lại được đặt ra một cách riết róng. Nhưng để lấp đầy khoảng trống, nâng cao sự hiểu biết về giáo dục giới tính cho các bạn trẻ đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của ngành giáo dục mà phải bắt đầu từ mỗi gia đình, các tổ chức đoàn thể, xã hội khác…

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, lỗ hổng kiến thức này không chỉ thiếu ở trong nhà trường mà còn thiếu từ phía các gia đình. Vấn đề là làm thế nào để tạo một môi trường thoải mái để các em có thể chia sẻ những khúc mắc, từ đó có kiến thức đầy đủ về giới tính và sức khỏe sinh sản.

Khẳng định việc giáo dục giới tính cho trẻ là cần thiết, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng sẽ để lại hậu quả rất lớn nếu người lớn né tránh không nói cho trẻ biết, hoặc nói một cách không đầy đủ.

TS Hương phân tích, như vụ việc ở Phú Thọ vừa qua, nếu các em học sinh được giáo dục kỹ lưỡng về vấn đề giới tính, khi gặp phải sự cố các em sẽ phản ứng dữ dội và báo với người thân xung quanh để ngăn chặn hành động đó càng sớm càng tốt. Sẽ không có chuyện hàng chục năm trời xảy ra vụ việc với biết bao nhiêu học sinh mà không bị phát hiện…

Một nguyên nhân nữa dẫn đến kiến thức giới tính của học sinh bị hạn chế là các trường giáo dục giới tính không đến nơi đến chốn. Dẫu trường có mời giáo viên về dạy, tuy nhiên thời gian học chỉ một, hai buổi không khác gì cưỡi ngựa xem hoa - vẫn theo TS Vũ Thu Hương.

Theo ông Ngũ Duy Anh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GDĐT), trong những năm qua, ngành giáo dục đã đưa nội dung giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vào các nhà trường thông qua việc dạy lồng ghép trong các môn học có liên quan như: Sinh học, Giáo dục công dân, Địa lý, Ngữ văn… và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã chỉ đạo tăng cường nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống để giúp học sinh có kiến thức đúng và kỹ năng sống phù hợp. Cụ thể, Bộ GDĐT đã có Thông tư 04 quy định giáo dục kỹ năng sống và có phần giáo dục giới tính. Từ đó, tạo cơ sở hành lang pháp lý triển khai tích hợp các nội dung kỹ năng sống phòng tránh xâm hại cho trẻ em.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên thì việc dạy giới tính trong trường học chủ yếu lồng ghép vào giờ ngoại khóa. Tùy điều kiện mỗi trường mà giờ học giới tính được tổ chức theo các hình thức khác nhau. Có những trường để cho giáo viên trong trường dạy hoặc mời chuyên gia đến nói chuyện bằng hình ảnh trực quan, qua các tình huống cụ thể.

Theo một chuyên gia tâm lý, có một thực tế là trong chương trình dạy về giới tính, giáo viên quá quan tâm đến vấn đề truyền đạt về sinh lý, giới tính cho học sinh, về tuổi dậy thì mà không dạy đến vấn đề phòng, tránh, ứng phó với hành vi hiếp dâm và dâm ô. Hoặc vì ít thời gian nên chương trình truyền đạt không được hoàn chỉnh…Chính vì vậy, giáo dục giới tính trong trường học dù đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao.

GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho rằng, trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nội dung giáo dục giới tính, bảo vệ trẻ em đã được quan tâm. Trong chương trình mới, nội dung này sẽ được làm rõ hơn.

Ông Thuyết dẫn chứng: “Chương trình có thể được giảng dạy trực tiếp như trong giáo dục lối sống, trong môn sinh học các cấp học, kiến thức pháp luật, hay được tích hợp trong môn ngữ văn. Để bảo vệ trẻ em, không phải chúng ta cần có chương trình dạy tốt, trang bị kiến thức tự vệ cho trẻ là đủ. Có rất nhiều vụ việc xâm hại trẻ em là từ chính người thân, vì vậy sự quan tâm của gia đình là hết sức quan trọng”.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều trường học, trong khi chờ chương trình mới ra đời, thì việc cần làm ngay là tự đào tạo giáo viên, gửi giáo viên đi các lớp bồi dưỡng về giáo dục giới tính học đường. Đồng thời, có những đề xuất với quận, Phòng Giáo dục trong việc lồng ghép chương trình giới tính thông qua các môn học.

* “Vụ việc xâm hại tình dục học sinh xảy ra ở Phú Thọ là hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức của các thầy, cô giáo trong trường phổ thông dân tộc nội trú”- đó là cảnh báo của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị tổng kết 10 năm trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) giai đoạn 2008-2018 diễn ra sáng 18/12 tại Yên Bái. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ sự đau lòng và đã có ý kiến kịch liệt lên án với vụ việc này.

Qua đây, Bộ trưởng nhấn mạnh đến vai trò của thầy giáo, cô giáo trong các trường PTDTNT không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, dạy đạo đức lối sống cho học sinh dân tộc thiểu số.

Trước đó, tại buổi đối thoại với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Yên Bái ngày 17/12, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định ngành giáo dục kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ vi phạm pháp luật, có hành vi vi phạm đạo đức, xâm hại trẻ… Vụ xâm hại tình dục các học sinh tại Phú Thọ là bài học xương máu cho việc giáo dục giới tính của học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục giới tính trong trường học: Khoảng trống khó lấp đầy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO