Giáo dục nghề nghiệp: Khi nào doanh nghiệp bắt tay với nhà trường?

Thu Hương 30/09/2019 07:00

Theo số liệu của LĐTBXH, số học viên học nghề trong vòng 2 năm qua đã tăng lên tới 2 triệu học viên. Con số này hứa hẹn sẽ tăng thêm nhiều lần trong thời gian tới vì học nghề đã và đang trở thành một xu hướng của rất nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, để nguồn nhân lực này đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động thì cần nhiều hơn nữa “sự bắt tay” giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN) trong đào tạo.

Giáo dục nghề nghiệp: Khi nào doanh nghiệp bắt tay với nhà trường?

Kết nối với doanh nghiệp được xem là một khâu “then chốt” để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Xu hướng chọn học nghề tăng

Bức tranh tuyển sinh năm 2019 ghi nhận có nhiều thí sinh có đăng ký xét tuyển ĐH nhưng thực tế dùng kết quả đó để học nghề. Bởi vào các trường nghề có lợi thế là thời gian học ngắn, ít tốn kém hơn và, ra trường dễ tìm việc làm.

Xu hướng học nghề đang ngày một gia tăng là tín hiệu tích cực, một kết quả tốt trong phân luồng sau THPT ở nước ta hiện nay. Cùng với sự phát triển ngày càng hoàn thiện hơn của thị trường lao động, tinh thần “khởi nghiệp” của lớp trẻ, các phụ huynh và thí sinh ngày càng có sự lựa chọn phù hợp hơn, không cố sức vào ĐH mà đã cân nhắc rất cẩn thận việc học cấp nào, trường nào, ngành gì để đáp ứng yêu cầu nhu cầu tuyển dụng lao động…

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, rất nhiều bạn trẻ mong muốn học nghề ngắn hạn về các lĩnh vực ẩm thực, du lịch, nhà hàng, khách sạn, điện dân dụng, thẩm mỹ với thời gian học ngắn, nhanh ra nghề và dễ tìm kiếm được việc làm, sớm ổn định cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Hà -Thứ trưởng Bộ LĐTBXH chia sẻ: “Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có bước chuyển biến tích cực; kỹ năng của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được nâng lên; trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở GDNN tỉ lệ này đạt gần 100%”.

Cần cơ chế

Theo Tổng cục GDNN (Bộ LĐTBXH), hiện nay, số lượng nhân lực đào tạo từ GDNN chiếm tới 70% trong tổng số nhân lực của Việt Nam. Do đó, nếu không phát triển và nâng cao trình độ của GDNN thì rất dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nhiệm vụ của GDNN trong giai đoạn này là làm thế nào để đột phá và có những bước tiến mới. Trong đó, kết nối với DN được xem là một khâu “then chốt” để nâng cao chất lượng GDNN. Tuy nhiên, để có “một cái bắt tay” giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn còn phải gỡ rất nhiều nút thắt.

Ông Trần Bá Nguyên- Phó Tổng Giám đốc của một DN có hơn 1.000 công nhân, là thành viên của Hiệp hội Chế biến gỗ TPHCM cho biết, DN của mình đang ký kết với nhiều cơ sở GDNN. Có 2 hình thức hợp tác là ký kết với nhà trường theo đơn đặt hàng trước đó, hai là đào tạo lại. Hiện nay tỉ lệ phải đào tạo lại đang chiếm hơn 50% lực lượng lao động của đơn vị do có sự “vênh” nhau giữa việc giáo viên của trường dạy lý thuyết xong tới DN thực hành thì thực tế cách sản xuất khác hoàn toàn với lý thuyết. Đặc biệt là về phần trang thiết bị của DN luôn hiện đại hơn so với nhà trường nên khi đưa sinh viên đến thực tập hay tuyển dụng lao động tốt nghiệp từ cơ sở GDNN ra, DN thường phải thực hiện đào tạo lại, đào tạo bổ sung mất rất nhiều thời gian.

Thừa nhận thực tế này, bà Hoàng Thị Minh Phương - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh cho rằng, mặc dù nói đào tạo phải đi trước xã hội, song trên thực tế các công nghệ thiết bị của nhà trường không bao giờ theo kịp được với các DN.

Làm thế nào để thu hút DN tham gia vào quá trình đào tạo là trăn trở đặt ra lâu nay của các cơ sở GDNN. Từ thực tế “có thực mới vực được đạo”, nhiều chuyên gia phân tích cần để DN nhìn thấy lợi ích của việc nếu họ tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực cùng cơ sở GDNN họ sẽ được hưởng lợi gì? Nếu họ sử dụng nguồn lao động mà nhà trường tạo ra thì có ưu đãi gì hay không? Ông Cao Văn Sâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội Việt Nam cho rằng: “Luật GDNN đã có hẳn 1 chương về mối quan hệ giữa DN và nhà trường nhưng lại đặt nặng vị trí vai trò của DN chứ chưa cân nhắc tới lợi ích của DN khi tham gia vào GDNN. Chúng ta đề cập rất nhiều về vị trí vai trò trách nhiệm của DN nhưng lợi ích của DN chúng ta lại đưa vào rất tản mạn trong các văn bản quy định khác và đặc biệt là lợi ích trực tiếp của DN thì chưa được thể hiện. Chúng tôi khuyến nghị khi sửa đổi Luật GDNN sắp tới nên có một điều nói về lợi ích. Đặc biệt là lợi ích trực tiếp của DN khi tham gia vào GDNN”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục nghề nghiệp: Khi nào doanh nghiệp bắt tay với nhà trường?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO