Giáo dục nghề nghiệp: Thay đổi để giảm thất nghiệp

Dung Hòa 22/02/2018 10:05

Mùa tuyển sinh 2018 đang đến gần, cánh cửa các trường nghề đang mở rộng trước ngưỡng cửa vào đời của các bạn trẻ. Đây cùng là năm được ngành LĐTB&XH; chọn là thời điểm đột phá giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Đặc biệt, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao năng suất lao động, hướng đến giải quyết dứt điểm tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm.

Giáo dục nghề nghiệp: Thay đổi để giảm thất nghiệp

Học nghề được cho là dễ tìm được việc làm hơn sau khi tốt nghiệp.

Thay đổi nhận thức người học nghề

Trước đó, trong năm 2017, Tổng cục GDNN tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDNN; Xây dựng và trình Chính phủ Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Cũng trong năm 2017, kể từ khi chuyển giao thống nhất GDNN về Bộ LĐTB&XH quản lý, công tác tuyển sinh đã được các cơ sở GDNN tích cực triển khai, ước đạt 2,2 triệu người. Trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 540.000 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng được hơn 1,6 triệu người. Theo Bộ LĐTB&XH, đây là năm đầu tiên sau 3 năm hệ thống trường trung cấp, cao đẳng tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Điều đó cho thấy nhận thức xã hội về học nghề, có việc làm đang dần thay đổi. TS Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho hay, hiện đơn vị đang phối hợp với các cơ quan truyền thông để tăng cường công tác truyền thông về GDNN, nhằm thay đổi nhận thức của người dân về học nghề. Lợi thế học nghề là tỷ lệ học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, ở một số nghề đạt trên 90%, với mức thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng...

Theo TS Nguyễn Hồng Minh- Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, trong bối cảnh công tác tuyển sinh trong năm 2018 tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi cơ chế tuyển sinh ĐH đã mở cửa với người học. Do đó, các cơ sở GDNN cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền cho người học về giáo dục nghề nghiệp, đồng thời tăng cường đổi mới chương trình và phương thức đào tạo, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cơ hội việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Thời gian tới, Chính phủ và Bộ sẽ hoàn thiện toàn bộ hệ thống chính sách pháp luật về GDNN, việc thực thi Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ được vận hành một cách đồng bộ xuyên suốt để đảm bảo mục tiêu người học ngày càng đông và học ra trường có việc làm, thu nhập. Đồng thời, người học sau khi học ra trường nếu đáp ứng yêu cầu và có nhu cầu có thể học liên thông lên cao hơn, dần từng bước chuyển đổi nhận thức GDNN để mọi người hiểu đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân lập nghiệp. Thông tin từ Bộ LĐTB&XH cho biết, sắp tới Tổng cục GDNN sẽ tiến hành ký kết với 10 tập đoàn lớn trong và ngoài nước đặt hàng khoảng 100.000 sinh viên sau khi ra trường.

Quy hoạch lại trường nghề

Liên quan đến vấn đề quy hoạch hệ thống trường cao đẳng, trung cấp, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho hay, những trường 3 năm liền tuyển sinh không hiệu quả, tức là dưới 50 % chỉ tiêu, thì sẽ thuộc đối tượng tái cấu trúc. Hiện Bộ LĐTB&XH đang trình Chính phủ ban hành quy hoạch mạng lưới GDNN. Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với các địa phương thực hiện các đề án cấp tỉnh, cấp ngành trong năm 2018.

Sẽ có 2 hình thức. Thứ nhất, các trường yếu kém sẽ sáp nhập vào các trường khác nhằm tận dụng cơ sở, mạng lưới qua đó hình thành nên các trường trọng điểm chất lượng cao. Những trường trung cấp chỉ sống bằng liên kết cho thuê địa điểm, tuyển sinh không đáp ứng được chỉ tiêu… sẽ là đối tượng đầu tiên được tái cấu trúc. Thứ hai, căn cứ vào thực tế một số trường hợp do điều kiện cơ sở vật chất và một số điều kiện khác chưa đáp ứng được cho việc sáp nhập thì sẽ phải giải thể.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân cho biết, việc quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp sẽ theo lộ trình đang trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, từ nay tới năm 2020, về cơ bản những trường trung cấp sẽ sáp nhập về các trường cao đẳng. Tuy nhiên trong giai đoạn này, Bộ LĐTB&XH cũng không cứng nhắc trong việc sáp nhập cả những trường đang hoạt động tốt vào với nhau. Thay vào đó, những trường trung cấp đang hoạt động và có hiệu quả tốt có thể nhận được những hỗ trợ để nâng cấp lên cao đẳng. Việc quy hoạch lại mạng lưới các trường cao đẳng, trung cấp sẽ gắn với công tác tự chủ của các trường. Từ năm 2018 trở đi, Bộ LĐTB&XH sẽ mạnh dạn giao quyền tự chủ cho nhiều trường, đặc biệt là những trường chất lượng cao được đầu tư. Việc tự chủ sẽ gắn liền với cạnh tranh chất lượng đào tạo của các trường. Qua đó dần tiến tới cơ chế đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp.

Trên thực tế, trong giai đoạn vừa qua, Bộ LĐTB&XH đã triển khai việc sáp nhật 3-4 trường trung cấp thành 1 trường trọng điểm tại 8 tỉnh như Hà Giang, Đắk Lắk, Long An, Gia Lai… Đây là các tỉnh có nguồn ngân sách nhà nước ít, nhu cầu về nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn không nhiều. Những trường hợp như trên không thể duy trì mỗi tỉnh có tới 3-4 trường trọng điểm được. Sắp tới, Bộ sẽ thực hiện tại Phú Thọ, Sơn La, Cà Mau… Bộ LĐTB&XH cũng sẽ cân nhắc việc quy hoạch trường nghề ở khu vực trọng điểm kinh tế, nhu cầu nhân lực lớn. Theo đó, các trường sẽ có cơ hội được giao quyền tự chủ lớn hơn, giảm dần chi thường xuyên của Nhà nước và các đầu mối để ưu tiên đầu tư.

Việc tự chủ trong hệ thống cơ sở GDNN được hiểu là các trường sẽ được chủ động giao quyền tự quyết về bộ máy như: lựa chọn giáo viên, giáo trình, chủ động liên kết đào tạo. Riêng về tài chính, tự chủ ở đây không có nghĩa là khoán trắng hay cào bằng. Đơn cử như trường nghề ở khu vực đô thị, có khả năng thu hút học sinh sẽ được giao quyền tự chủ nhiều hơn so với trường đóng ở địa bàn khó khăn. Tinh thần là đẩy mạnh giao quyền, phân cấp tự chủ cho các trường nghề có điều kiện. Đây là xu hướng hiện nay, cần thực hiện quyết liệt, nhưng cũng phải có lộ trình. Không phải hôm nay nói tự chủ là ngày mai các trường phải tự lo tất cả. Tùy từng điều kiện cụ thể, có trường tự chủ toàn phần, có trường tự chủ từng phần.

Mục tiêu từ nay tới năm 2020, Bộ LĐTB&XH kỳ vọng sẽ có khoảng 100 trường cao đẳng chất lượng cao. Tới năm 2030, con số các trường cao đẳng chất lượng cao sẽ là 200 trường. Bên cạnh đó, Bộ sẽ khuyến khích phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục tư thục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục nghề nghiệp: Thay đổi để giảm thất nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO