Gương xấu

Xuân Mai 09/12/2018 08:00

Dư luận xôn xao về vụ việc một giáo viên ở Trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) yêu cầu học sinh tát bạn 230 chưa lắng xuống thì mới đây ở ngay Hà Nội lại có thông tin giáo viên yêu cầu các bạn tát một học sinh mất trật tự trong lớp.

Theo báo cáo của nhà trường, giờ hướng dẫn học sinh chiều 3/12, tại lớp 2A5, Trường Tiểu học Quang Trung, Hà Nội, cô giáo Nguyễn Hà Trang đang hướng dẫn học sinh làm bài thì bé Minh Đức ở cuối lớp thưa rằng “bạn Lê Phong trêu con”. Trong lúc nghe học sinh phát biểu, cô Trang nói dọa tát cho bạn cái, rồi quay ra hướng dẫn bài cho các em khác. Học sinh Minh Đức quay xuống bàn và tát bạn Phong. Khi phát hiện, cô Trang đã xuống cho dừng sự việc. Sau đó mọi hoạt động học tập của lớp vẫn diễn ra bình thường.

Tối cùng ngày, cô Trang điện thoại tới gia đình học sinh Phong để thông báo và trao đổi sự việc, nhưng không liên lạc được. Chiều 4/12, cô giáo cùng Ban Giám hiệu nhà trường đến nhà thăm hỏi học sinh Phong và xin lỗi về sự việc đáng tiếc. Ngày 5/12, bé Phong trở lại trường học tập bình thường.

Sự việc này tiếp tục gây bão dư luận. Các bậc cha mẹ cho rằng cô giáo cho phép học sinh đánh bạn là hoàn toàn vô lý và phản giáo dục. Nhiều phụ huynh còn tỏ ra lo lắng có thể đây không phải lần đầu và chỉ khi gây thương tích hoặc con cái kêu đau đớn thì bố mẹ ở nhà mới biết con bị bạo hành.

Nếu cách đây mấy năm, vụ việc bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa ở Biên Hòa, Đồng Nai đánh dã man trẻ em mà mình trông giữ ở nhóm lớp đã bị báo chí đưa ra ánh sáng khiến dư luận phẫn nộ, xót xa thì thời gian gần đây, tình trạng thầy cô giáo bạo hành học sinh xảy ra ngày càng nhiều.

Theo các chuyên gia giáo dục, nhà trường là nơi giáo dục nhân cách cho học sinh. Trong quá trình dạy học, nếu cô giáo đã dùng đến vũ lực hoặc yêu cầu các bạn khác dùng vũ lực để giải quyết vấn đề thì làm sao có thể dạy cho trẻ biết hòa nhã, yêu thương?

Ngay khi các vụ việc bạo hành học sinh liên tiếp xảy ra, ngày 6/12, Bộ GDĐT kịp thời có công văn gửi Sở GDĐT cả nước về việc đôn đốc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Công văn nêu rõ, tình trạng đáng báo động về việc giáo viên có hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh gây bức xúc dư luận. Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT thành lập các đoàn công tác, kiểm tra các cơ sở giáo dục về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 1737, các quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo. Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý, huy động các lực lượng tham gia giám sát việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bạo hành thể chất, tinh thần học sinh.

Cũng như trước đây ngành giáo dục từng tổ chức cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” để giáo viên thấy rõ hơn trách nhiệm với học sinh và với nghề nghiệp của mình. Trách nhiệm ấy không chỉ căn cứ vào sự tiếp thu của học sinh trên những con chữ, dãy số mà còn được phản ánh qua sự trưởng thành của mỗi con người sau này trên con đường lập thân, lập nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gương xấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO